Khói hương ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Việc thắp hương mang ý nghĩa lớn về mặt tâm linh, tuy nhiên một nghiên cứu mới cảnh báo, khói hương thơm có thể độc hại cho các tế bào cơ thể hơn cả khói thuốc lá.

Tờ Vietnamnet dẫn nguồn tin từ Daily Mail, các sản phẩm cây nhang, nén hương phổ biến trên thị trường hiện nay thường được sản xuất từ que tre bọc mùn cưa có tẩm tinh dầu hoặc hóa chất tạo mùi thơm. Khi đốt hoặc thắp hương (nhang), các hạt hóa chất được giải phóng vào không khí dưới dạng khói. Nếu những hạt này được hít thở vào cơ thể, chúng có thể mắc kẹt trong phổi và gây ra phản ứng viêm.

Khói hương ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Khói hương chứa nhiều độc tố hơn khói thuốc lá. Ảnh minh họa

Cho tới hiện tại, chẳng có mấy nghiên cứu về hương (nhang) như một nguồn gây ô nhiễm không khí được tiến hành, mặc dù các sản phẩm này được cho là có liên quan đến việc phát triển bệnh ung thư phổi, bệnh bạch cầu thời thơ ấu và u não.

Trao đổi trên báo Thanh Niên, Th.S-BS Dương Minh Ngọc (bộ môn nội tổng quát, Đại học Y Dược TP.HCM; Khoa Nội phổi - Bệnh viện Chợ Rẫy), khói từ chất đốt nói chung (trong đó có khói nhang) có chứa các khí và chất dạng hạt gây độc hại cho cơ thể người, nhất là tác động trên hệ hô hấp.

Tùy theo thành phần chất đốt là gì mà tác động của khói sẽ gây ra các hậu quả khác nhau. Khói có thể gây kích ứng đường thở, gây ho, hắt hơi, chảy mũi và có thể gây khó thở. Ở bệnh nhân hen, khói có thể gây khởi phát cơn hen cấp tính, và nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới tính mạng.

Ngoài ra, khói từ chất đốt sinh học (củi, rơm rạ…) là một trong số các yếu tố nguy cơ (bên cạnh hút thuốc lá) gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Người ta còn nhận ra rằng, tiếp xúc với một số loại khói trong thời gian dài làm tăng nguy cơ ung thư.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Trung Quốc (nơi có văn hóa đốt nhang và vàng mã), thành phần điển hình của một cây nhang bao gồm bột gỗ và thảo dược, chất tạo mùi, chất kết dính và tăm tre. Khói nhang chứa các chất dạng hạt, các loại khí và nhiều hợp chất khác sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi được hít vào và tích tụ trong hệ hô hấp.

Trung bình, đốt nhang tạo ra số chất dạng hạt là 45 mg cho mỗi gram chất đốt, nhiều hơn so với thuốc lá là 10 mg cho mỗi gram chất đốt. Ngoài ra, các chất khí khác cũng được sinh ra từ việc đốt nhang như CO, CO2, NO2, SO2… và các chất hữu cơ dễ bay hơi khác: benzene, toluene, xylenes, aldehydes, hydrocarbon thơm đa vòng gây nguy hiểm cho người hít.

Từ những năm 1960, một số nhà nghiên cứu đã thấy rằng tại Hồng Kông tỷ lệ mắc ung thư mũi họng ở đối tượng nam giới có đốt nhang cao hơn so với những trường hợp ung thư khác.

Những người làm việc trong đền miếu, chùa chiền có thể tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm từ việc đốt nhang ở mức độ cao hơn so với người bình thường, do đó nguy cơ phát triển các triệu chứng kích ứng hô hấp cấp như kích thích mũi và họng, hay ho mạn tính cũng cao hơn. Không chỉ vậy, khói nhang cũng liên quan tới các vấn đề về da như ngứa hay thay đổi sắc tố nếu tiếp xúc lâu dài.

Chính vì những tác hại mà khói nhang gây ra, theo BS Minh Ngọc, chúng ta không nên đốt quá nhiều và nên mở cửa thông thoáng để làm giảm nồng độ khói bụi trong nhà. Riêng đối với những bệnh nhân có bệnh lý về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay từng bị khó chịu khi hít phải khói nhang, nên tránh tiếp xúc càng nhiều càng tốt.

Với những tác hại mà khói nhang gây ra, BS Minh Ngọc chia sẻ: Không phải đốt nhiều là tốt, là thể hiện cái tâm của mình to lớn, dù gì, nhang đèn cũng chỉ là một phương tiện, cái tâm quan trọng hơn việc đốt nhang đèn, bàn thờ không sạch sẽ, bụi bặm, lộn xộn mà thêm đốt nhang đèn nhiều có thể tăng nguy cơ hỏa hoạn, nhất là trong thời điểm tết.

Theo VietQ