Khó bán vàng vì sợ hàng giả Trung Quốc

Ngày 21/12, chị Nguyễn Thu Hiền (Văn Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) mang 4 cây vàng được tặng cưới và tích cóp được ra cửa hàng vàng Minh Chuyên (phố Quang Trung, Hà Đông) bán. Tuy nhiên, cửa hàng vàng từ chối mua với lý do “chỉ nhận mua lại vàng mua từ cửa hàng để tránh nhầm với vàng giả Trung Quốc!”.

 

Khó bán vàng vì sợ hàng giả Trung Quốc

Ảnh minh họa

Nhiều tiệm vàng chỉ mua lại hàng đã bán ra

Có thói quen cất trữ tiền tiết kiệm bằng vàng, hàng tháng chị Nguyễn Thu Hiền lại ra cửa hàng vàng mua 1 chỉ vàng, dành góp vốn mua nhà. Khi có thông tin vàng giả đang tràn lan trên thị trường, chị Hiền liền mang số vàng tiết kiệm được đi bán, nhưng bị cửa hàng từ chối mua. Chị Hiền lo lắng: “Hàng tháng tiết kiệm được ít tiền, lại đi thuê nhà trọ nay đây mai đó, vì thế cứ tiện đâu tôi lại vào cửa hàng vàng mua 1 chỉ để dành. Nay mang vàng đi bán mà nhiều chủ cửa hàng lắc đầu từ chối. Họ bảo chỉ nhận mua lại số vàng khách đã mua của cửa hàng trước đó, trong khi chính mình cũng không thể nhớ mình đã mua ở những cửa hàng nào vì không giữ hóa đơn. Với số vàng được bố mẹ và người thân tặng hôm cưới, mình cũng không rõ mua ở đâu?”.

Bà Nguyễn Thị Loan (đường Âu Cơ, quận Tây Hồ) cũng cảm thấy bất an không kém khi số vàng của bà tích cóp cả chục năm qua đều là vàng nhẫn, mua ở các tiệm vàng nhỏ lẻ quanh khu vựcgia đình sinh sống. Bà Loan kể, khi nghe tin có vàng giả, bà cũng thử đem hai chiếc nhẫn tròn trơn đi bán, nhưng đi cả ba tiệm vàng họ đều không đồng ý mua với lý do “không phải vàng của cửa hàng bán ra”.

Khó bán vàng vì sợ hàng giả Trung Quốc

Sau khi có thông tin vàng giả, nhiều người mang vàng tiết kiệm đi bán nhưng bị từ chối.

Bà Loan tích cóp vàng từ bao năm qua, thỉnh thoảng lại cho người thân vay mượn. Đến lúc họ mang trả, bà cũng chẳng quan tâm đến giấy tờ. “Mình cứ nghĩ đơn giản vàng nhẫn 9999 thì ở đâu cũng giống nhau, giá chỉ chênh lệch vài chục ngàn đồng nên tiện đâu mua ở đó, nào ngờ đến giờ khó bán vậy”, bà Loan nói.

Ngày 22/12, anh Hoàng Anh Tuấn, chủ tiệm vàng tại Long Biên (Hà Nội) cũng ghi nhận, trong những ngày qua có khá nhiều người đem vàng đến bán nhưng anh đều từ chối vì không có ký hiệu của cửa hàng. “Phát hiện vàng giả là rất khó khăn”, anh Tuấn nói.

Máy thử “bó tay” với vàng giả

Những lo lắng của người bán lẫn người mua vàng đều có cơ sở khi gần đây, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc TP Hạ Long (Quảng Ninh) và một số tỉnh, thành khác bị lừa mua phải loại vàng kém chất lượng, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Công an tỉnh Đồng Nai cũng vừa bắt 2 người Trung Quốc lừa bán 58kg vàng giả. Đây là 2 trong số 5 đối tượng vừa thực hiện vụ lừa đảo bán 58kg vàng giả lấy 10 tỉ đồng tại tiệm vàng Ngọc Phát nằm trên đường Phan Đình Phùng (phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai).

Đại tá Lê Duy Tấn, Trưởng Công an TP Hạ Long cho biết, Công an TP Hạ Long đang tập trung điều tra việc một số tiệm kinh doanh vàng, bạc tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội bị lừa mua bán vàng giả do Trung Quốc sản xuất. Loại vàng này được sản xuất rất tinh vi, khó phát hiện bởi vonfram được nghiền dưới dạng bột rất mịn và được trộn vào khi vàng nóng chảy. Sau đó, lớp bọc bên ngoài là vàng nguyên chất. Trong khi đó, Vonfram hiện nay có giá rẻ hơn vàng cả vài chục, vài trăm lần, nên việc pha trộn đã mang lại lợi nhuận tương đối cao nếu như bán với giá vàng nguyên chất.

Cũng theo đại tá Lê Duy Tân, hiện tỷ trọng vàng và vonfram tương đương nhau nên việc phân biệt thật giả, nếu chỉ dựa vào tỷ trọng thì hầu như không thể. Ngoài ra, với vàng trộn vonfram theo cách như trên, việc dùng phương pháp huỳnh quang tia X đôi khi cũng không phát hiện được vàng nguyên chất hay pha trộn, bởi tia này chỉ bắn được chuyên sâu dưới 1mm, không vào được lớp có bọc vonfram. Dùng máy đo tuổi vàng như thông thường cũng không thể phát hiện được, chỉ khi phân kim mới phát hiện vàng thực tế chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 30 - 40%.

Theo VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội