Khi bức tường giữa các ông lớn di động sụp đổ

Sự tồn tại của một chiếc điện thoại BlackBerry chạy Android và nghe nhạc bằng phần mềm của Apple là điều không ai tưởng tượng ra trước đây.

Khi bức tường giữa các ông lớn di động sụp đổ

Bạn thấy gì ở hình ảnh trên? Ứng dụng Apple Music chạy trên một chiếc điện thoại BlackBerry dùng nền tảng Android. Sản phẩm của 3 đối thủ truyền kiếp trong làng di động đang hòa quyện làm một.

Ý tưởng này bị xem là điên rồ nếu xuất hiện một năm về trước. Thậm chí cách đây ít năm, 3 ông kẹ trong làng di động này còn gườm gè nhau, chờ đối thủ sơ hở từng chiếc bằng sáng chế để sẵn sàng đưa nhau ra tòa.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, bức tường vô hình giữa các công ty di động đang bị phá vỡ. Bản thân họ nhận ra rằng, đôi khi phải hợp tác với nhau để thành công. Điều này không chỉ tốt cho họ, mà còn cho người dùng.

Sự cởi mở đột xuất này, tất nhiên không phải hoàn toàn tự nguyện. BlackBerry buộc phải sử dụng nền tảng Android vì họ đã bị dồn vào chân tường. BlackBerry 10 không đủ ứng dụng để níu giữ người dùng. Microsoft – trong khi đó – liên tục phát hành ứng dụng cho Android và iOS vì muốn có tầm ảnh hưởng lớn hơn ở sân chơi di động.

Ngay cả Apple, vốn nổi tiếng với việc chỉ phát triển ứng dụng cho sản phẩm của mình, cũng đã đưa Apple Music lên Android. Google là công ty hiếm hoi ngay từ đầu đã giữ tư tưởng cởi mở với các nền tảng khác.

Khi bức tường giữa các ông lớn di động sụp đổ
Microsoft Office trên iPhone. Ảnh: Engadget.

Bản thân các hãng di động nhận ra, chiến thắng không phải là vượt qua nền tảng của đối thủ bằng một hệ sinh thái đóng mà thước đo là người dùng. Càng có nhiều người dùng, họ sẽ có tất cả. Mặc dù, các hãng di động không hề có ý định nắm lấy tay nhau và ca bài “nối vòng tay lớn”, họ hiểu việc bắt tay với đối thủ có thể khiến tập khách hàng của mình lớn thêm một, thậm chí nhiều chút. Cái giá phải trả rẻ hơn nhiều so với việc đưa nhau ra tòa, nhưng chẳng khiến đối thủ yếu đi.

Hiệu ứng của việc thay đổi thái độ này rất ấn tượng. Priv có thể là chiếc smartphone đầu tiên những người không phải tín đồ ruột của BlackBerry nghiêm túc xem xét để sở hữu. Apple Music? Bạn có thể không phải fan Apple nhưng nó có thể thỏa mãn trí tò mò của người dùng Android xem, một ứng dụng do Apple xây dựng hoạt động ra sao – thứ họ chưa từng được trải nghiệm trước đó.

Tất nhiên, sẽ không có chuyện các ông lớn này tiến hành “xã hội hóa” các giá trị của bản thân để người dùng có thể trải nghiệm bất cứ sản phẩm nào của họ ở bất cứ đâu. iOS vẫn sẽ là một hệ sinh thái đóng, ở đó có các ứng dụng độc quyền từ Apple. BlackBerry không cho bất cứ ai sao chép các tính năng bảo mật độc quyền của họ còn với Microsoft, Windows vẫn là ưu tiên số một.

Tuy vậy, việc họ cởi mở hơn với nhau cũng khiến người dùng có thêm những trải nghiệm mới, thay vì bị “nhốt” cứng bên trong hệ sinh thái của họ.

Theo Thành Duy (zing)