Hoa bưởi giá nửa triệu đồng/kg hút khách, đào sau Tết giá rẻ như cho

Hoa bưởi đầu mùa ở Hà Nội có giá tới nửa triệu đồng/kg vẫn hút khách. Trong khi đó, đào, quất sau Tết được bán với giá rẻ như cho vẫn ế.

Hoa bưởi đầu mùa giá tới nửa triệu đồng/kg hút khách Hà Thành

hoa-buoi-gia-nua-trieu-dong-kg-hut-khach-dao-sau-tet-gia-re-nhu-cho

Những ngày gần đây, hoa bưởi bắt đầu được bày bán trên các tuyến phố của Hà Nội. Mặc dù là loài hoa thôn quê nhưng theo Tiền Phong, hoa bưởi trở thành mặt hàng đắt đỏ, thậm chí hơn cả các loài hoa nhập ngoại.

Theo người bán, trong số các loại hoa bưởi đang bán trên thị trường, hoa bưởi Diễn có giá đắt nhất, từ 500.000 đồng/kg. Cũng vì giá này mà hoa bưởi Diễn bán kém chạy hơn hoa bưởi chua, ít người nhập về bán.

Hoa bưởi trung bình có giá từ 250.000-350.000 đồng/kg, tuỳ loại và nếu gặp khách “sộp” có thể bị "hét" tới 450.000-500.000/kg. Hoa bưởi thường được mua về để lễ chùa, thắp hương, ướp trà, ướp, cắm cho thơm hoặc gội đầu.

Tiểu thương 'xả' đào, quất sau Tết, bán giá rẻ như cho

Thông thường hàng năm, theo VTC News, sau đêm Giao thừa, tiểu thương bán cây cảnh sẽ tìm mọi cách xả hàng để thu hồi vốn và nghỉ Tết. Nhưng năm nay, dù đã qua Tết Giáp Thìn nhưng thị trường cây cảnh Tết vẫn khá sôi động.

Tại Hà Nội, tiểu thương vẫn bày bán số cây cảnh còn tồn đọng nhằm cứu vốn. Song những cành đào, cây quất từng rất đắt giờ giá giảm nhiều lần.

"Để nhanh bán hết hàng, tôi chấp nhận hạ giá xuống còn 1/3 so với trước Tết. Hiện những cành đào to trước kia có giá khoảng 700.000-800.000 đồng giờ chỉ còn 200.000-300.000 đồng/cành. Những cành có giá hơn 1 triệu cũng giảm xuống 500.000 đồng.", một tiểu thương cho biết.

'Hái ra tiền' từ dịch vụ hồi sinh đào sau Tết

Thời điểm sau Tết, các chủ vườn đào tại Nhật Tân ở quận Tây Hồ, Hà Nội lại tất bật đưa hàng nghìn gốc đào quay về vườn chăm bón, chuẩn bị cho vụ tiếp theo. Theo Tiền Phong, nhu cầu tăng cao, nhiều nhà vườn quá tải nên đành phải từ chối khách.

Tùy theo giá trị của gốc đào, dựa vào thế dáng của từng cây mà chủ vườn đưa ra các mức giá chăm sóc khác nhau. Giá trị gốc đào càng cao, thế dáng cầu kỳ thì chi phí chăm sóc càng đắt. Theo đó, tiền công chăm sóc trọn gói từ khi nhận trồng lại đến Tết dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/cây.

Nhưng do chăm sóc đào đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và khá công phu nên nhiều nhà vườn cũng chỉ dám nhận số lượng có hạn.

Đặc sản Sơn La ‘nhuộm đỏ’ chợ Hà Nội, bi ve giá siêu rẻ

Không còn mức giá đắt đỏ lên tới cả triệu đồng/kg khi loại quả đặc sản Sơn La “nhuộm đỏ” chợ Hà Nội. Các chị em nội trợ đua nhau chốt đơn dâu tây đặc sản, bởi đang có giá siêu rẻ.

Trước Tết Nguyên đán, dâu tây Sơn La có giá phổ biến từ 300.000-500.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ. Hàng loại A giá lên tới 600.000-750.000 đồng/kg, loại dâu đặc biệt giá gần 1 triệu đồng/kg.

Nay, loại đặc sản Sơn La này có giá siêu rẻ. Cụ thể, dâu tây loại đặc biệt giá giảm còn 200.000-250.000 đồng/kg; dâu cỡ lớn giá 150.000 đồng/kg; dâu nhỡ 100.000 đồng/kg; dâu bi giá 80.000 đồng/kg, hàng bi ve giá 50.000 đồng/kg. (Xem thêm)

Cau tươi đắt “khét”, 30 nghìn đồng/quả ngày Rằm tháng Giêng

“Chưa năm nào cau tươi đắt và khó mua như năm nay. Quả to 30 nghìn đồng, quả nhỏ 25 nghìn đồng. Buồng cau này 4 triệu đồng đấy”.

Đó là chia sẻ của bà Hạnh, người bán cau tươi trên phố Hàng Bè (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trên Người Đưa Tin.

Theo bà Hạnh, từ ngày lễ ông Công ông Táo đến giờ, giá cau tươi tăng gấp đôi so với ngày thường. Bình thường, giá chỉ 5.000 đồng/quả nhưng gần Tết, giá lên tới 10-15 nghìn đồng/quả. Đến Rằm tháng Giêng, cau tươi loại to có giá tới 30 nghìn đồng/quả.

Nguyên nhân giá cau tươi đắt là do năm nay sương muối nhiều nên cau khó đậu quả, chưa kể vì năm trước có 2 tháng Hai nên cây cau ra hoa đậu quả sớm. Đến thời điểm hiện tại, những buồng cau có quả to, đẹp có rất ít nên giá bị đẩy lên cao.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đột ngột giảm mạnh

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo xuất khẩu của nước ta đột ngột giảm mạnh. Trong đó, gạo 5% tấm xuất khẩu về sát mốc 600 USD/tấn.

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, trong phiên giao dịch hôm 22/2, gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta giảm mạnh 19 USD/tấn, về mức 609 USD/tấn. So với mức đỉnh 663 USD/tấn, giá gạo 5% tấm nay đã giảm 54 USD/tấn, tương đương 8,1%.

Ngày 22/2, giá gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta cũng giảm tới 20 USD/tấn, về ngưỡng 584 USD/tấn. (Xem thêm)

Sức mua thịt, trứng đang yếu

Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân có xu hướng ăn uống thanh đạm nên thịt, trứng bị ế.

Theo phản ánh của Báo Người Lao Động, tại TP.HCM, những ngày gần đây, nhiều xe đẩy bán trứng gia cầm với giá rất thấp, chỉ 15.000-20.000 đồng/chục. Các chợ, siêu thị cũng bán trứng giá rẻ hơn trước Tết khá nhiều.

Không chỉ các mặt hàng trứng gia cầm ế ẩm mà tiêu thụ thịt heo cũng khá chậm. Hiện giá heo hơi có nhích lên so với trước Tết nhưng vẫn chưa thể vượt 60.000 đồng/kg.

Với mặt hàng thịt gà, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam Bộ, nhận xét, tình hình tiêu thụ đang rất tệ do rơi vào tháng ăn chay (tháng Giêng âm lịch), một phần do công nhân vẫn chưa đi làm đầy đủ. Điều này khiến giá gà công nghiệp tại chuồng vẫn duy trì ở mức thấp, dao động từ 26.000-27.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 30.000-33.000 đồng/kg, tức người chăn nuôi đang lỗ từ 4.000-5.000 đồng/kg.

Loạn giá giữ xe

Tình trạng thu phí trông giữ xe ở Hà Nội vốn đã không ít lộn xộn lại càng trở lên bát nháo hơn mỗi dịp lễ Tết như dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua.

Theo quy định, ô tô gửi tại bãi trông xe sẽ bị thu 25.000 đồng/lượt (dưới 60 phút) và đưa vé. Nhưng theo Báo Người Lao Động, tại bãi trông xe chùa Trấn Quốc (đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), người gửi ô tô bị thu tới 50.000 đồng, tức cao gấp đôi mức giá quy định và nhiều trường hợp không được đưa vé.

Tình trạng "chặt chém" thấy ở nhiều bãi trông giữ ô tô và xe máy tại những điểm đến đông khách ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024… Người dân tới đây phải móc hầu bao trả phí trông giữ xe cao gấp đôi, gấp ba giá quy định.

Theo SKĐS