Hãy lịch sự và giữ lòng tự trọng khi đi du lịch

Trong các chuyến đi nước ngoài, không ít lần tôi gặp chuyện dở khóc dở cười. Một số du khách có hành động kém văn minh, lịch sự dù đã được nhắc nhở, khiến người đi cùng muối mặt.

Trong lần đi Philippines, tôi đã đăng ký đi tour lặn biển của công ty địa phương trên đảo. Hướng dẫn viên sẽ đón khách theo thời gian hẹn trước. Tôi và các du khách đến từ Nhật và Australia đã phải ngồi chờ 2 du khách người Việt tới nửa tiếng đồng hồ vì họ mải đi ăn sáng và quên không đem điện thoại.

Du khách người Việt hay trễ giờ đến mức trong chuyến đi Hong Kong, hướng dẫn viên đã rất ngạc nhiên khi tất cả chúng tôi có mặt đúng giờ.

Bạn tôi cũng gặp tình huống dở khóc dở cười khi một thành viên trong đoàn mải mê mua sắm ở chợ Chatuchak, Thái Lan, đến mức quên cả giờ về. Dù đã thống nhất hẹn tại cổng chợ để lên đường ra sân bay lúc 11h, một thành viên vẫn bặt vô âm tín, điện thoại không liên lạc được khiến mọi người lo lắng. Cuối cùng, cả đoàn phải cắt một người biết tiếng Anh ở lại đợi. Cả hai ra sân bay muộn và phải mua vé khác, và lý do chỉ đơn giản là thành viên đó “không để ý thời gian”.

Bạn tôi là hướng dẫn viên cho biết đã cố gắng nhắc khách nhưng không phải người nào cũng nghe, có người phớt lờ, có người còn càu nhàu khó chịu. Ngay chuyện vứt rác, nhiều người thản nhiên quăng chai lọ, túi bóng, thức ăn ra đất, khi được nhắc thì lại bao biện "có một chút đáng gì đâu".

Một số du khách còn lấy những đồ dùng trong khách sạn như khăn tắm, xà phòng, máy sấy tóc... Đồ có giá trị không lớn, nhưng điều này khiến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng mất thiện cảm với du khách Việt Nam.

Gần đây, việc hai du khách Việt bị cảnh sát Zurich (Thụy Sĩ) bắt vì “cầm nhầm” kính trong cửa hàng cho thấy nhiều người không ý thức được tầm quan trọng của việc cư xử và giữ hình ảnh ở nước ngoài. Bạn hãy nhớ, khi đi du lịch ở một quốc gia khác, ngay cả những hành động nhỏ cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối lớn. Hãy ghi nhớ những điều sau để có được một chuyến đi suôn sẻ và tạo dựng hình ảnh đẹp về người Việt Nam trong mắt người dân quốc tế:

1. Tuyệt đối không có các hành vi phạm pháp như trộm đồ, vượt đèn đỏ... Mỗi nước có các chế tài xử phạt khác nhau: nhẹ thì phạt tiền, nặng thì có thể trục xuất, tống giam. Các cửa hàng mua sắm, trên đường phố... đều có máy quay giám sát 24/7. Một khi bạn đã phạm pháp, khả năng bạn bị tìm ra với bằng chứng xác thực rất cao. Ở một số quốc gia, việc thay đổi mác giá của hai sản phẩm hay bỏ đồ chưa thanh toán vào túi của mình khi ở trong cửa hàng cũng có thể khiến du khách gặp rắc rối.

2. Chú ý tới thông báo của hướng dẫn viên, nhất là các vấn đề liên quan tới quy định tại điểm đến. Không nên xem nhẹ các biển cảnh báo, biển cấm. Thường các biển có đề tiếng Anh hoặc hình ảnh minh họa rõ ràng.

3. Cư xử văn minh, lịch sự: Không nói chuyện ồn ào nơi công cộng, giữ đúng giờ giấc và kế hoạch chung của cả đoàn, không xả rác bừa bãi. Ngoài ra, khi tới các điểm tham quan có tính văn hóa, tôn giáo cần thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng người bản địa. Khi ăn buffet, nên lấy vừa đủ lượng cho mình, đừng để thừa.

Tôi luôn nghĩ việc đi du lịch nước ngoài không chỉ là cơ hội khám phá thế giới cho bản thân, mà còn là một cách để quảng bá về con người Việt Nam, để người dân thế giới hiểu thêm và mong muốn tới Việt Nam. Mỗi người hãy có ý thức giữ gìn hình ảnh của bản thân và đất nước khi đặt chân tới các quốc gia khác.

Theo Bạn đọc Phương Bảo(Zing)