Hà Nội nắng nóng kéo dài: Trẻ em, người già nhập viện vì viêm não, viêm hô hấp

Những ngày vừa qua miền Bắc nắng nóng gay gắt liên tục, có lúc lên tới 41-42 độ C đã khiến nhiều trẻ em, người già nhập viện vì viêm đường hô hấp, viêm da và viêm não...

Hà Nội nắng nóng kéo dài: Trẻ em, người già nhập viện vì viêm não, viêm hô hấp

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới sáng 14.6, PGS,TS Trần Minh Điền - Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết cả tuần qua, mỗi ngàybệnh viện tiếp nhận từ 2.500-3.500 bệnh nhân nhi. Đa số các bé nhập viện vì sốt virus, phát ban, dị ứng thời tiết hoặc viêm đường hô hấp dẫn tới sốt cao, thậm chí co giật nếu như bố mẹ không biết cách xử lý.

"Từ đầu tháng 5 đến nay đã có hơn 200 ca phải điều trị viêm não, trong khi đó cha mẹ hoàn toàn có thể phòng được các bệnh lý cho con trong mùa nắng nóng. Cần nhắc nhở con rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với các bệnh nhân đang mắc các bệnh do virus gây ra như tay chân miệng, thủy đậu để tránh lây nhiễm chéo. Nếu trẻ bị sốt cao cần cho uống thuốc hạ sốt ngay và điều trị trong vòng 24h rồi đưa tới các cơ sở y tế chuyên khoa nhi để điều trị, đối với những trẻ còn bú mẹ thì nên cho bú càng nhiều càng tốt và bổ sung nước ở thời điểm nắng nóng kéo dài", bác sĩ Điền khuyến cáo. 

Với tỷ lệ tử vong hoặc để lại di chứng rất cao nên viêm não là một trong những bệnh dịch mùa hè khiến các chuyên gia y tế hết sức lo ngại. Tại nhiều bệnh viện, đã xuất hiện các bệnh nhi bị viêm màng não mô cầu do thời tiết nắng nóng kéo dài. Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp, trong đó ngày cao điểm khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận tới 10-15 trẻ em bị bệnh nặng liên quan tới viêm màng não mô cầu.

Đặc biệt, đã có trẻ tử vong do viêm màng não mà tuyến dưới chẩn đoán không chính xác, nên khi phát hiện đưa tới các bệnh viện trung tâm đã quá muộn. Chính vì thế, vấn đề bệnh nhân vượt tuyến do lo ngại trình độ chuyên môn của các bác sĩ tuyến dưới đã làm tăng áp lực về bệnh nhân đối với các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện trung ương.

Riêng với trường hợp người già, để đối phó với thời tiết nắng nóng kéo dài, thạc sĩ Tạ Hữu Ánh - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay: Người già cần hạn chế đi ra đường vào những ngày nắng nóng, đặc biệt là lúc đỉnh điểm nóng nhất kéo dài từ 11h trưa đến 14h chiều hằng ngày.

Những người đang ở nơi có nhiệt độ mát như phòng điều hòa, phòng mát nếu muốn ra ngoài cần phải đứng yên một lúc gần cửa để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài. Nếu bước ra đột ngột thì cơ thể không thích ứng kịp sẽ dẫn tới hiện tượng sốc nhiệt. Đặc biệt, người già cần bổ sung nhiều nước để tránh tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, tụt huyết áp, rối loạn tim mạch dễ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Ánh còn lưu ý thêm: "Các trường hợp người già hay trẻ em, hoặc bất kỳ người bệnh nào nếu thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn thì cần uống bổ sung nước hoặc nước hoa quả để bù vào lượng nhiệt cơ thể đã thoát ra. Tuyệt đối không được lạm dụng việc truyền nước vào cơ thể bởi lẽ 60-70% cơ thể con người là nước, nếu lợi dụng việc truyền nước và truyền ở những nơi không có trang thiết bị đầy đủ, nếu có vấn đề xảy ra về sốc phản vệ thì khó có thể xoay xở, cấp cứu kịp đối với bệnh nhân đang yếu sẵn.

Theo motthegioi