Gần 100 người chết và mất tích trong mưa lũ

Đợt mưa lũ từ 9-12/10-2017 đã khiến 60 người chết, 36 người mất tích, 31 người bị thương và gây ra hàng loạt thiệt hại lớn về kinh tế.

Trong buổi họp về về công tác ứng phó với đợt mưa lũ vào chiều 13/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết: Tính đến 17 giờ ngày 13/10, có 60 người chết (Hòa Bình 22 người, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người, Bắc Cạn 1 người);

36 người mất tích (Hòa Bình 13 người, Yên Bái 16 người, Thanh Hóa 3 người, Sơn La 2 người, Nghệ An 1 người, Hà Nam 1 người), 

31 người bị thương; sập 328 nhà, hư hỏng và tốc mái 1.250 nhà, ngập 33.348 nhà; hư hại 86.790 ha hoa màu, thủy sản; sập 26 cầu...

Gần 100 người chết và mất tích trong mưa lũ

Hồ Hòa Bình mở cửa xả lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa. Ảnh: VTC

Sự cố đê gây ngập lụt nặng

Lũ đã gây 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định.

Riêng tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đến chiều 13/10, toàn bộ 2km đoạn đê bao sông Bùi 2 ngập trong biển nước. Mực nước ngập đến tận nóc nhà của nhiều hộ dân. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là người dân xã Hoàng Văn Thụ, với 200 hộ ngập sâu trong nước. Cạnh đó là xã Nam Phương Tiến.

Gần 100 người chết và mất tích trong mưa lũ

Nước ngập tại đoạn đê vỡ ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Thanh Niên

Tuy nhiên, chiều 13/10, ông Trần Ngọc Thông, Chánh văn phòng UBND Huyện Chương Mỹ, vẫn nhiều lần khẳng định rằng đoạn đê bị sạt, tràn chứ không phải vỡ. “Nếu nói vỡ đê là cả vấn đề nghiêm trọng.

Không phải vỡ đê”, ông Thông nói. Theo lãnh đạo huyện, tình hình ngập hiện tại nằm trong phương án được tính toán, do lũ dâng cao 7,14 mét nên phải cho tràn qua đê để làm giảm áp lực nước cho đê chính.

Dù vậy, trong báo cáo trực ban của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, phát hành sáng 13/10, lại khẳng định: “Tại Hà Nội, các tuyến đê dưới cấp III: đã bị tràn 11 đoạn với tổng chiều dài khoảng 13.950m tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai; vỡ đê Bùi huyện Chương Mỹ (bao ngăn lũ núi) dài 15m. Địa phương đã di dời 70 hộ dân vùng ngập đến nơi an toàn.”

Giao thông tê liệt

Do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông vẫn bị ách tắc, chưa được khơi thông. Hiện các xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La); các xã vùng cao Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Hưng Thi, An Bình... thuộc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hoà Bình) vẫn bị cô lập do chưa khắc phục được giao thông.

Tiếp tục công tác cứu nạn, khắc phục hậu quả

Đối với sự cố sạt lở đất, vùi lấp 18 người dân tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chiều 12/10 đã tìm thấy 9 thi thể nạn nhân bị vùi lấp và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm số nạn nhân còn lại.

Gần 100 người chết và mất tích trong mưa lũ

Tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại tỉnh Hòa Bình chiều ngày 12/10. Ảnh: Trí Thức Trẻ

Trong khi đó, tại Nghệ An, nước sông Vinh dâng cao khiến khoảng 60 mét đê xung yếu tại khu vực phường Vinh Tân, thành phố Vinh bị sạt lở, nguy cơ vỡ đê. Khoảng 500 người thuộc lực lượng cứu hộ và người dân đã đến làm công tác bảo vệ, gia cố đê.

Nguy cơ từ cơn bão số 11

Hiện tại, cơn bão số 11 đang tiếp tục mạnh lên trên Biển Đông và di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc vào khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta.

Trước diễn biến có thể rất phức tạp của cơn bão số 11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện hỏa tốc trong đó yêu cầu các các bộ ngành, địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời, tiến hành theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu.

Đối với đất liền, cần kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó mưa lũ, lũ quét, sạt lở, ngập úng và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, công trình hồ đập và khu hạ du, nhất là ở những địa phương đang còn chịu ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua.

Những công văn hỏa tốc này cứ đến hẹn lại xuất hiện qua mỗi mùa mưa bão. Nhưng từ những thiệt hại khủng khiếp trên (đây cũng mới chỉ là những con số bề mặt) có thể thấy, giấy tờ thì hỏa tốc, chứ phòng thiên tai vẫn cứ chậm như cũ.

 

P.V-Tổng hợp

Theo Songmoi