Du khách người Anh ở Sapa và cái chết trong hoang dã

Hơn 20 năm trước, Christopher Johnson McCandless, cũng 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học Emore, đã quyết định bỏ lại tất cả để đi “vào trong hoang dã”. Câu chuyện của Christopher tới giờ vẫn là đề tài tranh cãi trên khắp thế giới. 

du-khach-nguoi-anh-o-sapa-va-cai-chet-trong-hoang-da
“Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc,” Christopher McCandless

Những dòng cuối cùng Christopher McCandless (sau đổi tên thành Alexander Supertramp) trong cuốn nhật ký là: “Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc. Xin cảm ơn Chúa. Tạm biệt. Chúa phù hộ cho tất cả mọi người.” Sau đó, Supertramp chui vào trong chiếc túi ngủ và ra đi thanh thản vào năm 1992, sau 2 năm đi lang thang.

Chuyến phiêu lưu từ bỏ mọi vật chất để trở về hoang dã của Supertramp đã được tiểu thuyết gia Jon Krakauer viết lại trong cuốn Into the Wild (bản dịch tại Việt Nam là Vào trong hoang dã), xuất bản lần đầu năm 1996. Đạo diễn Sean Penn dựng lại cuốn truyện này thành bộ phim cùng tên năm 2007. Bộ phim này được đề cử giải Oscar năm đó. Trên thế giới thậm chí còn hình thành “hiện tượng McCandless” gồm những người hâm mộ Supertramp nhưng cũng lại không ít người lên tiếng phản đối gay gắt.

Câu chuyện của du khách người Anh Aiden Webb tới Việt Nam leo núi có lẽ cũng phần nào giống như Supertramp. Aiden năm nay cũng 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học. Cũng như Supertramp, Aiden có sở thích tối giản và gần gũi với thiên nhiên. Anh thích đi leo núi, một mình khám phá những sườn núi cheo leo. Aiden cũng thường không mang đồ bảo hộ. Và cũng như Supertramp, anh đã bỏ mạng nơi rừng hoang dã. Tuy không có nhật ký để ghi lại cảm xúc của mình nhưng thông qua điện thoại, Aiden đã gửi lời xin lỗi trước tới gia đình và hi vọng sẽ tự mình tìm được đường xuống chứ không cần cứu hộ. Trước đó, trên Facebook, Aiden viết về những chuyến leo núi ở Việt Nam: “Chưa bao giờ vui đến vậy. Chưa bao giờ trí óc tôi thông thoáng đến vậy.”

Cả Aiden và Supertramp đều khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi cuộc sống tự do, làm điều mình thích và “thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/ còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.  Ngược lại, một quan điểm khác được không ít người ủng hộ là cả hai dường như “ngu ngốc” khi không trang bị cho mình những thiết bị cơ bản giúp vượt qua nguy khốn. Tuy nhiên, nếu Supertramp suốt ngày kè kè bản đồ bên mình, nếu Aiden mang theo đầy đủ lều chõng hay  người dẫn đường thì họ lại chẳng còn là họ - những người yêu tự do, yêu hòa mình vào hoang dã tới vậy.

Ở trường hợp của Aiden, còn có một bình luận ở Việt Nam nhận được nhiều “like” bậc nhất từ cộng đồng mạng đó là chê trách Aiden sống ích kỷ, bất hiếu với cha mẹ, làm tiêu tốn thời gian tiền bạc của xã hội! Nghe giống như luận điểm nhằm tiêu diệt “chủ nghĩa cá nhân” vậy. Từ khi nào, con người muốn sống độc lập lại trở thành “tội đồ” như vậy? 

Xã hội là một tập hợp đa dạng rất nhiều nhóm người. Nếu “cắt phéng” đi những người “cứng đầu” như Aiden thì lấy đâu ra Columbus – người tìm ra châu Mỹ. 

Còn nhớ trường hợp du khách nước ngoài chết khi leo thác nước ở Lâm Đồng. Người thân của nạn nhân đã nói gì? Họ nói rằng họ không quá đau buồn vì con em của họ đã sống một cuộc đời nhiệt huyết, đúng theo đam mê. Những người thật sự quan tâm tới bạn, họ yêu thương chứ không chỉ trích.

Người viết bài không có ý cổ súy cho việc du lịch mạo hiểm hay sống trong hoang dã; tuy nhiên, ủng hộ quan điểm rằng mọi người nên tôn trọng lựa chọn lối sống cá nhân của người khác. Chắc rằng, sẽ chẳng ai cảm kích nếu bạn tới gặp gia đình nạn nhân và nói rằng: chia buồn với hai bác vì có người con bất hiếu, sống cho ý mình mà không màng tới bố mẹ.

Lại nhớ tới môt câu chuyện khác rất đình đám trên màn ảnh hiện nay (được xây dựng từ một câu chuyện có thật) là chàng tỉ phú Traynor trong phim Me Before You – người quyết định tìm tới “du lịch cái chết” dù rõ ràng đây sẽ là sự mất mát lớn lao với cha mẹ và người yêu chàng. Tuy nhiên, cả tác giả và đạo diễn phim đều nhất trí để nguyên cái kết đau buồn này, bởi có lẽ, điều quan trọng nhất của một con người là hiểu mình thật sự muốn gì thay vì sống một cuộc đời tầm gửi, phụ thuộc quá nhiều vào những phán xét vốn lúc nào cũng thừa thãi của xã hội.

Theo Ngang Chuyên (Vntinnhanh)