Điểm mặt những đồ ăn, thức uống dễ gây ngộ độc ngày hè

Mùa hè là thời điểm người tiêu dùng dễ bị ngộ độc bởi các đồ ăn, thức uống. Đôi khi, các loại đồ ăn, thức uống này lại rất quen thuộc với chúng ta.

Dưa muối chưa kĩ

Mùa hè ăn dưa, cà thường là món đưa cơm của nhiều gia đình nhưng nếu dưa, cà muối chưa kỹ rất nguy hiểm. Vì trong một vài ngày đầu muối dưa, cà, vi sinh vật sẽ chuyển hóa nitrat trong các nguyên liệu thành nitric, làm hàm lượng nitric tăng cao, độ pH giảm dần có nghĩa là độ chua tăng dần lên.

Ăn dưa ở giai đoạn này thì có vị cay, hăng, hơi đắng vì chưa đạt yêu cầu. Loại dưa này chứa nhiều nitrat, ăn vào rất có hại cho cơ thể.

Ngao nướng

Món ăn được chế biến từ ngao như canh ngao nấu chua, ngao hấp, cháo ngao, ngao nướng… đặc biệt được ưa thích ngày hè. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng đây là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, trong thịt ngao có chứa protit, gluxit, lipit, nhiều vitamin.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra món ngao nướng là món ăn thơm ngon nhưng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngao thường sống ở các cửa biển, bờ biển, dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc do nguồn nước ô nhiễm. Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là thủ phạm chính gây ngộ độc khi ngao không được chế biến cẩn thận.

Ngộ độc do chất Histamin trong cá biển

Trong tự nhiên, Histamine được tạo thành từ kết quả của sự chuyển hóa từ Histidine thành Histamine bởi Histidine decarboxylase. Ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn chế biến từ cá chứa Histamine cao xảy ra ở rất nhiều nước và được phát hiện đầu tiên ở cá ngừ, cá nục, cá thu...

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do sự chuyển hóa từ Histidine thành Histamine trong thức ăn chín.So với các loại thịt gia súc, gia cầm, thịt cá có độ bền cơ học kém hơn, dễ bị nhiễm vi sinh vật. Ngoài các yếu tố hư hỏng các chất đạm, bột, đường, tạo thành các axit hữu cơ như Amoniac, Indol, Scatol... gây ra các mùi hôi thối, tạo ra các màu xanh lục, nâu, đen ở cá biển.

Histamine được hình thành do vi sinh vật phát triển sản sinh ra enzym và tác động gây chuyển acid amin Histidine thành Histamine trong cá như vi khuẩn Enterobacteriaceae; Morganella morganii... Vi khuẩn Morganella morganii là loài có khả năng tạo ra Histamine nhiều nhất.Histamin có đặc tính chịu nhiệt, thậm chí khi được nấu chín cũng không bị phá hủy.

Vì vậy, nếu cá biển có chứa lượng Histamine cao vẫn không mất đi trong quá trình đun nấu. Độc tính của Histamine phụ thuộc và tổng lượng Histamine ăn phải. Nếu lượng ăn vào từ 8 mg - 40 mg Histamine, người nhạy cảm sẽ bị chảy nước mắt, nước bọt; nếu lượng ăn vào từ 1.500 mg – 4.000 mg, người ăn có biểu hiện như nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, mạch nhanh, khó thở, nổi ban...

Canh cua

Cua đồng là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, canh cua đồng nấu mùng tơi có tác dụng thanh nhiệt cơ thể trong mùa hè. Tuy nhiên, sơ chế cua không đúng cách có thể dẫn tới ngộ độc. Các bà nội trợ phải đặc biệt lưu ý:

Tuyệt đối không mua cua đã sơ chế sẵn, trong trường hợp này, bạn có thể sẽ mua phải cua đã hết hoặc không đảm bảo vệ sinh. Khi cua đã chết lâu, trong cơ thể cua có nhiều thành phần hóa học mang tên histidine khiến người ăn dễ bị ngộ độc, đau bụng, nôn mửa.

Không bảo quản canh cua quá lâu, sau khi nấu, chúng ta nên dùng luôn. Bảo quản canh cua sử dụng cho nhiều bữa có thể khiến cua bị nhiễm khuẩn và gây ngộ độc.

Không ăn cua khi chưa nấu chín, không ăn kèm với quả hồng. Chất Tannin trong quả hồng khi phản ứng với protein trong thịt cua sẽ dẫn tới các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy…

Các loại hạt có vỏ cứng

Mùa hè bạn nên tránh ăn các loại hạt có vỏ cứng như hạt hướng dương, hạnh nhân, hạt dẻ, hạt điều… vì ăn quá nhiều sẽ làm cho cơ thể sản sinh ra nhiều nội nhiệt, gây nóng trong người. Nguyên nhân là do trong các loại hạt này chứa nhiệt lượng khá cao, điển hình nhiệt lượng trong 50g hạt hướng dương tương đương với một bát cơm to.

Sữa

Vi khuẩn gây hại lactobacillus có trong sữa và các sản phẩm từ sữa sinh sôi và hoạt động nhanh hơn vào mùa hè, làm cho sữa chóng hỏng. Ngộ độc sữa do nhiễm khuẩn sẽ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Mộc Miên (NTD)