Đi xe máy ban ngày phải bật đèn: "Đó là một nghịch cảnh"

Trước đề xuất xe máy sử dụng đèn chiếu sáng vào ban ngày, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng bất hợp lý và không khả thi.

Mới đây tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho người đi mô tô, xe máy và khả năng áp dụng tại Việt Nam”, Ủy ban ATGT Quốc gia kỳ vọng việc xe máy bật đèn khi lưu thông ban ngày sẽ giảm hơn 500 người chết/năm. Trước đề xuất này đã có nhiều ý kiến trái chiều cần phải suy ngẫm.

"Bất hợp lý và không khả thi..."

Trao đổi với báo Phunuonline, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Vận tải Hà Nội cho rằng: "Tai nạn giao thông ở Việt Nam có số người bị thương và người chết rất cao. Cho nên tôi rất hoan nghênh các tổ chức, các chuyên gia, người dân vào đóng góp phát triển đề xuất để kìm hãm tai nạn giao thông, và cũng có những giải pháp đưa ra hữu hiệu".

Ở Đà Nẵng, cứ một góc ngã tư lại có một điểm tì là mức phạt khi không đội mũ bảo hiểm, khi vượt đèn đỏ,... Khi người ta dừng lại ở ngã tư thì người ta đọc, đó là một cách thuyên chuyển giảm tải tai nạn giao thông. Ở Hà Nội, các ngã tư có loa phóng thanh sẽ tuyên truyền luật lệ giao thông cho những người tham gia giao thông, là cách làm rất có hiệu quả, ông Liên dẫn chứng.

Tuy nhiên, ông Liên cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Ở Việt Nam, việc mùa hè nắng chói chang như thế này mà bắt người đi xe máy phải bật đèn thì tôi cho đó là một nghịch cảnh, cá nhân tôi không thể chấp nhận được. Hơn nữa, chúng ta vừa kí vào văn bản của Liên Hợp Quốc về bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất xanh sạch đẹp, hạn chế tiêu thụ năng lượng như xăng, dầu, và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo".


Xe máy đi vào ban ngày cũng sẽ phải bật đèn. Ảnh: Internet

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích tình hình thực tế: "Trước hết, cái đấy họ lấy trên mạng, bên nước Anh là đất nước có nhiều sương mù, công nghiệp của nước Anh sử dụng nguyên liệu cát đá rất nhiều, cho nên, người ta rất ngại khi đến London vì ống khói nhà máy tua tủa, nhả khói than ra gây ô nhiễm. Do đó để đảm bảo an toàn tại nước đó người ta yêu cầu phải bật đèn.

Các nước Bắc Cực, 6 tháng là ban ngày, 6 tháng là ban đêm cũng cần có đèn chiếu sáng để đảm bảo an toàn. Khác với ở Bắc Kinh hiện nay, khói bụi mù mịt, ô nhiễm cao, không quy định nhưng người ta cũng bật đèn. Hay ở Indonesia, Úc, mùa hè cháy rừng kinh khủng, khói không chỉ mịt mù mà còn bay sang cả TP.HCM nữa. Cho nên tự thân người tham gia giao thông phải bật đèn để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Đấy là cái ứng xử của người tham gia giao thông.

Còn ở Việt Nam, thời tiết số ngày nắng nhiều hơn ngày mưa, sương mù rất ít, chỉ vùng sâu, vùng xa như Điện Biên Phủ, Sơn La, Lai Châu, đường lên Đà Lạt,... có những lúc sương mù, thì trong luật giao thông đường bộ, trong bài giảng đào tạo lái xe, người ta đã quy định khi trời sương mù thì phải bật đèn. Để đảm bảo hơn, người ta bật đèn vàng, nếu không thì mua giấy bóng vàng bịt vào để phân biệt cho rõ, dễ nhận dạng trở ngại phía trước.

Bây giờ hàng triệu, triệu xe máy lại bật đèn như thế này, tức là tiêu thụ biết bao năng lượng, lại càng làm môi trường ô nhiễm thêm. Như vậy là đi ngược lại cái biến tính của LHQ về bảo vệ môi trường là hạn chế sử dụng năng lượng".

Theo ông Liên: "Tôi nghĩ rằng những đề xuất đó là không phù hợp với nước ta. Tức là đề xuất đó rất tiên tiến ở những nước cần phải thực hiện, còn ở Việt Nam thì xa quá, đề xuất này chưa cần, vậy thì đề xuất ra làm gì? Cũng có người bình luận khôi hài rằng, đấy chẳng qua là để đánh bóng tên tuổi, chứ thực sự nó không có hiệu quả.

Bản thân chúng tôi cũng chưa hiểu được vấn đề này, nhất là lại giảm được mấy nghìn người chết thì cũng lại không có cơ sở khoa học và tính toán, không có điều tra. Khoa học và các nhà khoa học độc lập chưa có ý kiến gì nên chúng tôi không phát biểu ý kiến thêm.

Chúng tôi, khi nói tới đề xuất này thì các doanh nghiệp vận tải, anh em lái xe, và kể cả người dân đều bật cười. Bật cười vì thấy nó không rõ ràng, không phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, người ta phải đi vào những giải pháp hết sức thực tế, hết sức thiết thực mới làm được. Nó là bất hợp lý và không khả thi".

Ông Liên cũng bày tỏ thắc mắc: "Chúng tôi nghĩ rằng, ô tô hay xe máy khi cần phải bật đèn để nhận biết nhau thì nó cũng giống nhau, vậy tại sao lại chỉ đánh vào xe máy. Đây cũng là một điều bất hợp lý, ô tô rất nhiều, nếu chỉ có xe máy thì cũng không phải".

"Còn hiện nay có những giải pháp như là, Ủy ban an toàn giao thông như xe buýt kiêng nữ chẳng hạn, người say xỉn được đưa về nhà,... Cho nên, anh nào say xỉn, người ta bảo cứ uống đi có người, có taxi đưa về nhà. Tức là, những cái thứ không phù hợp, cái đó chỉ đọc ở trên mạng, đưa vào áp dụng vào Việt Nam là không có cơ sở khoa học", ông Liên nói.

Đồng quan điểm với ông Liên, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng: "Tôi đồng ý rằng với những vùng nào có nhiều sương mù thì cũng nên mở đèn, còn những nơi không có sương mù thì bật đèn làm gì?".

Đứng ở góc độ của tôi, tôi đề xuất là chỉ đề xuất mở đèn lúc có sương mù là hợp lý. Không chỉ riêng xe máy, mà ô tô khi tham gia giao thông ban ngày ở những vùng có thời tiết sương mù cũng cần phải bật đèn. Nhưng nếu ở những nơi thời tiết khô ráo, đủ ánh sáng thì bật đèn cho chói mắt người khác chứ không được cái gì, cái đó là không có khoa học".

Việc áp dụng cần phải có một lộ trình

Cũng trao đổi về vấn đề đi xe máy vào ban ngày phải bật đèn, ông Tô Văn Hiệp -Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng lại rất ủng hộ đề xuất này.

Ông Hiệp cho rằng: "Tôi cũng có tìm hiểu thì được biết, việc sử dụng đèn chiếu sáng khi tham gia giao thông đã có từ lâu rồi. Đó cũng không phải là đèn để chiếu sáng đâu mà đó là đèn để phát hiện từ xa, có nó thì chắc chắn là nó sẽ tốt hơn, hữu ích hơn. Loại đèn này lấy từ ổ máy nên không tốn nhiều nguyên liệu".

Tuy nhiên cũng theo ông Hiệp: "Nhưng mà theo tôi, nếu phải trang bị như vậy thì mình giờ toàn dân nghèo, đang dùng xe máy cũ rích, chắc chắn sẽ gặp khó khăn, cho nên cần phải có một lộ trình, cần phải giải thích cho người dân hiểu. Thứ 2 là, phải áp dụng dần dần trong những dòng xe mới, bắt người ta thay đổi phương tiện đi cũng khó".

Bày tỏ quan điểm trước ý kiến cho rằng, việc bật đèn xe chỉ đề xuất đối với xe máy trong khi đó lượng lớn ô tô cũng tham gia giao thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Đà Nẵng cho rằng: "Xe máy so với các phương tiện giao thông lớn, đối với những người khi đang ngồi xe ô tô; xe máy dễ rơi vào các điểm mù không thể nhận biết được, nó là phương tiện nhỏ nên khó nhận biết hơn.

Còn đối với xe ô tô, ngoài dấu hiệu nhận biết về ánh sáng còn có nhiều dấu hiệu khác để nhận biết. Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng xe máy quá nhiều, nên việc áp dụng đối với xe máy theo tôi là hợp lý".

Ông Hiệp cũng bày tỏ thêm: "Theo tôi, cũng nên thực hiện đề xuất này, hiện nay các nước trong quốc gia khu vực họ cũng đã thực hiện, thì không có gì Việt Nam mình không làm được".

Theo Trang Thu (PNO)