Đề xuất EVN được phép tăng, giảm giá điện: Chấm dứt cảnh giá điện chỉ biết tăng?

Đề xuất EVN được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ 1 - dưới 5% mỗi quý một lần được kỳ vọng chấm dứt tình trạng giá điện chỉ biết tăng trong suốt nhiều năm qua.

Theo dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% mỗi quý một lần.

Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm.

Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

de-xuat-evn-duoc-phep-tang-giam-gia-dien-cham-dut-canh-gia-dien-chi-biet-tang

Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng/lần và có tăng, có giảm. (Ảnh minh họa)

Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ ngành liên quan.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến.

Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu EVN dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán. Nếu vi phạm trong điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ bị xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, đây được coi là bước đi quan trọng để hướng tới một thị trường điện tăng, giảm giá theo cung cầu. Giá điện theo cơ chế thị trường sẽ giúp ngành điện thu hút thêm nguồn vốn đầu tư để xây dựng các nhà máy điện mới theo Quy hoạch điện VIII.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, đây là điểm mới trong đề xuất của Bộ Công Thương, nhằm làm giá điện sát với cơ chế thị trường hơn. Ngoài ra, điều này có thể xóa đi tâm lý của người dân lo lắng cứ mỗi khi ngành điện điều chỉnh giá là sẽ tăng, sẽ khiến người dân bớt bức xúc hơn.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhìn nhận, đúng là trong thời gian qua, giá điện chỉ tăng chứ không giảm. Từ năm 2009 đến nay, giá điện đã trải qua 11 lần điều chỉnh và cả 11 lần là tăng.

Vì vậy, với đề xuất của Bộ Công Thương EVN được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ 1 - dưới 5% mỗi quý một lần, có thể sẽ chấm dứt hoặc ít ra là làm giãn cảnh giá điện “chỉ tăng, không giảm”. Nếu vào mùa nước lũ, thủy điện phát được nhiều, cộng với nhiệt điện than giảm giá thành sản xuất thì EVN hoàn toàn có thể giảm giá điện, đưa mức giá tiệm cận thị trường.

Đây là tín hiệu khác với hàng chục năm qua, cho thấy giá điện có tăng có giảm, điều chỉnh giống xăng dầu vậy, để doanh nghiệp, hộ gia đình quen với tâm lý giá điện có tăng - có giảm và có tinh thần tiết kiệm chi tiêu ”, ông Đình nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng: " Đề xuất của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá điện theo hướng có tăng, có giảm sẽ đưa giá điện dần dần tiến theo cơ chế thị trường. Cơ cấu phát điện của chúng ta là 43,5% nhiệt điện, còn lại là thủy điện. Trong khi đó, thủy điện có tính mùa vụ, khi tính mùa vụ thuận lợi cho sản xuất thủy điện và nhiên liệu đầu vào cho nhiệt điện giảm thì chúng ta hoàn toàn có thể giảm giá điện xuống được ".

Tuy vậy, ông Sơn bày tỏ sự băn khoăn liệu quy định này có thực hiện được hay không. Từ năm 2017 đến nay, giá điện bình quân đang áp dụng theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định giá bán điện bình quân xem xét 6 tháng điều chỉnh một lần. Tuy nhiên, trên thực tế, giá điện bình quân mới trải qua 3 lần điều chỉnh tăng mà không giảm.

Trong khi đó, GS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam - nhấn mạnh, việc EVN tăng hay giảm giá điện bao giờ cũng phải có giải trình, tính toán vì sao tăng, vì sao giảm, những yếu tố nào quyết định tới việc tăng, giảm giá điện? EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tính ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ...Như thế cũng sẽ không còn cảnh EVN kêu lỗ vì giá điện nữa.

Một chuyên gia ngành điện cũng cho rằng, việc sửa đổi quyết định 24 cần phải đảm bảo điều chỉnh giá điện một cách kịp thời, phù hợp, phản ánh một cách sát thực nhất với chi phí phát sinh, biến động trên thị trường phát điện cạnh tranh, đồng thời tạo tiền đề cho giá điện thực sự có tăng có giảm.

Ngược lại, nếu không giải quyết vấn đề mua bán điện theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng các quy luật về giá và cạnh tranh, thị trường điện sẽ lâm vào nguy cơ khủng hoảng và đe dọa an ninh năng lượng của đất nước

Tuy nhiên, các thông tin trong ngành điện cần được công khai minh bạch bằng nhiều hình thức như báo cáo đến cơ quan chức năng, các thông tin vận hành hệ thống điện và thị trường điện...để các bên liên quan, người dân nắm bắt dễ dàng, chính xác và đóng góp ý kiến phản biện, tăng cường quản lý thông tin và giám sát. Tránh việc cứ than lỗ và đề xuất tăng giá điện mà người dân không rõ lý do cụ thể, chi tiết. "Mọi thông tin mập mờ đều có thể làm người dân bức xúc và thiếu tin tưởng. Như thế cũng là một thất bại trong chiến lược xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch ", chuyên gia nói.

 

Theo GiaDinh