Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân thông báo: Đây không phải là họp báo mà chỉ là thông báo kết quả của cuộc họp kín chiều nay.

19h21: Hơn 100 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí đang ổn định chỗ ngồi, do phòng họp báo hơi chật so với lượng người đến dự, nên phòng họp có cảm giác nóng hơn thường lệ. Mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía cửa để chờ Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà - người chủ trì họp báo.

Hiện Bộ trưởng Trần Hồng Hà đang hội ý với các chuyên gia trước khi cung cấp thông tin cho báo chí và trả lời các câu hỏi của phóng viên, vốn được dự báo là rất nóng hổi.

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Trước đó - từ 13h30 chiều nay, trước cổng Bộ TNMT (đường Tôn Thất Thuyết, Từ Liêm, Hà Nội), gần 100 PV, nhà báo của nhiều cơ quan báo chí TƯ và địa phương đã có mặt. Được biết, 14h tại trụ sở Bộ TNMT sẽ diễn ra cuộc họp thông báo kết luận ban đầu về nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt tại khu vực biển miền Trung.

Các phóng viên ngồi ngoài cổng Bộ TNMT chờ đợi và hy vọng khi nhận được thông tin cuộc họp sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp và không có sự tham gia của báo chí

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Các phóng viên được mời vào căng tin uống nước sau khi chờ đợi ngoài cổng Bộ TNMT.

Tất cả PV, nhà báo tỏ ra vô cùng thất vọng khi nhận được thông tin cuộc họp sẽ chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp và không có sự tham gia của báo chí. Nhiều PV tỏ ra thất vọng và bỏ về trước, tuy nhiên đa phần PV vẫn cố nán lại chờ đợi và hy vọng.

Trao đổi với Dân Việt ngay tại trụ sở Bộ TNMT, ông Văn – Trưởng phòng Báo chí của Bộ TNMT phân trần rằng: Do đây là một cuộc họp chuyên môn nên không có sự tham dự của báo chí. Ông Văn cũng cho biết Bộ TNMT sẽ tổ chức họp báo về nội dung này, nhưng vẫn chưa quyết định thời gian nào.

Đến 14h20, các PV được mời vào phía trong trụ sở Bộ TNMT và được vào... căng tin của Bộ để uống nước và chờ đợi, hy vọng sẽ có được những thông tin nóng hổi nhất về cuộc họp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Trao đổi với Dân Việt, PV Nguyễn Hưởng (báo Người Lao Động) chia sẻ: Với những cuộc họp về những vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm như chiều nay, theo tôi, cơ quan, đơn vị tổ chức nên cho giới truyền thông tham gia rộng rãi và công khai hơn để thông tin đến với bạn đọc một cách chính xác và nhanh nhất.

Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chủ trì, thành phần tham dự có đại diện các bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… cùng lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung có cá biển chết hàng loạt là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, cùng với đại diện Sở TNMT các tỉnh nói trên.

19h27: Bộ trưởng Trần Hồng Hà vẫn chưa xuất hiện. Các phóng viên đang trao đổi với nhau các câu hỏi dự kiến sẽ hỏi, xoay quanh 3 vấn đề nóng nhất:

1. Ô nhiễm và cá biển chết có phải do chất thải từ khu công nghiệp Vũng Áng và Formosa gây ra không?

2. Cá chết trên biển và cả cá sống được ngư dân đánh bắt ở vùng biển 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế liệu có an toàn để sử dụng làm thực phẩm không?

Và vấn đề thứ 3 rất nóng là nước biển trong khu vực tắm được an toàn không?

 Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Đông đảo phóng viên các báo, đài tại buổi họp báo. Ảnh: Đàm Duy

19h33: Cuộc họp báo vẫn chưa bắt đầu.

Một số ngư dân ở vùng biển Hà Tĩnh (ngư dân tên Phương) và từ Quảng Bình (ngư dân tên Chính) đã gọi điện trực tiếp tới phóng viên Dân Việt và một số phóng viên mà họ biết đang có mặt tại cuộc họp báo hỏi: Các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đã có thông tin xác định được nguyên nhân gây chết cá hàng loạt trên biển là gì hay chưa?

19h45: Đã quá thời gian dự kiến họp báo 45 phút, người chủ trì họp báo vẫn chưa xuất hiện.

19h55: Các đại biểu đã bắt đầu vào phòng họp báo, các phóng viên đang nóng lòng hơn bao giờ hết, nhưng người chủ trì - Bộ trưởng Trần Hồng Hà vẫn chưa xuất hiện.

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Nhiều PV phải ngồi dưới sàn chờ họp báo do hết chỗ ngồi. Ảnh: Đàm Duy

20h00: Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân bước vào phòng họp báo. Ông là người chủ trì họp báo, thay vì Bộ trưởng Trần Hồng Hà như thông tin trước đó.

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân phát biểu.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu: Mấy ngày qua hiện tượng cá chết hàng loạt tại một số tỉnh miền Trung khiến dư luận đặc biệt quan tâm... Trong tình cảnh này cần hết sức bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân và biện pháp để xử lý hiện tượng này.

Các Phó thủ tướng: Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng cùng Bộ TNMT và 4 tỉnh đã đánh giá về nguyên nhân cá chết. Bộ TNMT đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra ở 4 tỉnh. Đây là vấn đề phức tạp, hiện tượng này từng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, có nhiều nước mất nhiều năm để xử lý mới được.

Thứ trưởng Nhân cho biết: Các cơ quan quản lý đã vào cuộc khẩn trương. Tuy nhiên cần làm việc có hệ thống, làm việc bài bản có khoa học mới có thể tìm ra nguyên nhân được. Hôm nay các bộ ban ngành, các nhà khoa học trong và ngoài nước, có chuyên gia đến từ Nhật Bản tham gia. Đây là cuộc họp đầu tiên có đầy đủ các bộ ban ngành, nhà khoa học...

Theo ông Nhân: Qua báo cáo của các Bộ: TNMT, NNPTNT, KHCN, sau khi thảo luận đã loại trừ nhiều nguyên nhân và có kết luận như sau: Có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, do tác động của độc tố hóa học gây ra do tác động con người. Thứ hai, do hiện tượng thiên nhiên tảo nở hoa, tức hiện tượng thủy triều đỏ. Qua kiểm tra chưa có bằng chứng liên quan đến xả thải do Fomosa dẫn đến hiện tượng cá chết.

Thứ trưởng Nhân nói: Qua phân tích của các cơ quan liên quan, chưa phát hiện các thông số môi trường tác động đến cá chết. Đề nghị Bộ KHCN tập trung nhà khoa khọc trong và ngoài nước nghiên cứu về vấn đề này.

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Toàn văn thông báo kết quả cuộc họp kín chiều nay.

20h11: Cuộc thông báo thông tin kết thúc bất ngờ, trong sự ngỡ ngàng của các phóng viên. Không một phóng viên nào có cơ hội đặt câu hỏi vốn đã được họ và các tòa soạn chuẩn bị công phu.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông báo: Đây không phải là họp báo mà chỉ là thông báo kết quả của cuộc họp kín chiều nay. Phát biểu xong, chủ trì và các đại biểu rời khỏi hội trường.

20h16: Với phần thông tin của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, hai trong số ba vấn đề nóng nhất được các phóng viên nêu ra chưa có câu trả lời là cá trên biển miền Trung do ngư dân đánh bắt còn sống, nhưng có đủ an toàn để ăn không và tắm biển có an toàn không?

Nhiều phóng viên vẫn chưa hết sững sờ vì cuộc họp kết thúc quá nhanh. Sau đó, rất đông phóng viên đã xúm lại, vây quanh Thứ trưởng Nhân với mong muốn được phỏng vấn, tuy nhiên Thứ trưởng đã từ chối và nhanh chóng ra ngoài.

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông báo: Đây không phải là họp báo mà chỉ là thông báo kết quả của cuộc họp kín chiều nay. Ảnh: Đàm Duy

20h20: Dù cuộc thông báo đã kết thúc, các lãnh đạo Bộ TNMT đã rời đi, nhưng tất cả các phóng viên rất bất mãn vì cách thông báo chung chung về nguyên nhân cá chết.

Sau khoảng lặng, các phóng viên đài truyền hình tiếp tục tác nghiệp bằng cách phỏng vấn phóng viên các báo khác về cảm nhận của họ khi chứng kiến một cuộc họp báo khác thường của Bộ TNMT.

Công bố 2 nguyên nhân chính có khả năng khiến cá chết hàng loạt

"Trong 9 năm làm báo tôi chưa từng thấy cuộc họp báo nào như thế cả" - một phóng viên trả lời phỏng vấn của đài VTC.

Hiện tượng cá biển chết hàng loạt tại miền Trung được phát hiện từ ngày 6.4, tại xã Kỳ Lợi (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ngày 7.4, cá biển và cá nuôi chết hàng loạt lan rộng ra các xã Kỳ Hà và Kỳ Ninh của thị xã Kỳ Anh.

Ngày 10.4, cá biển chết lan vào xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đến ngày 19.4, cá biển chết dạt vào trắng bờ thuộc các xã Quảng Tùng, Quảng Phú (huyện Quảng Trạch).

Ngày 15.4, cá biển chết lan vào vào tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 19.4, tỉnh Quảng Trị cũng ghi nhận hiện tượng này, xảy ra dọc bãi biển dài khoảng 20 km thuộc huyện Vĩnh Linh.

Ngày 19.4, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) đến Hà Tĩnh kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Báo cáo của đơn vị phân tích mẫu nước biển cho biết, cá chết là do chất độc gây ra nhưng chưa xác định đó là chất gì.

Ngày 20.4, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có cuộc họp khẩn với các đơn vị của Bộ. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện tượng cá chết hàng loạt có nhiều lý do, trong đó không loại trừ nguyên nhân môi trường ô nhiễm, nên trách nhiệm của Bộ là phải đẩy nhanh tiến độ làm rõ nguyên nhân.

Ngày 25.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo, giao UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; có đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, nặng nề, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.Không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ động phối hợp, hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương và báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cũng như các địa phương trong cả nước phải chủ động tiến hành rà soát các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, nhất là công nghiệp nặng, về công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.

Ngày 26.4, sau khi phân tích mẫu nước biển, Sở Tài nguyên và Môi trường Thừa Thiên - Huế xác định nguyên nhân cá chết là do độc tố trong nước. Kết quả bước đầu cho thấy các thông số về tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển cũng như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.

Theo danviet