Cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tăng giá hàng chục lần

Nhiều mã cổ phiếu một thời bị lãng quên với giá thấp hơn ly trà đá nhưng bất ngờ bật mạnh lên hàng chục lần. Giới đầu tư gọi đó là cổ phiếu “Thánh Gióng” dù vẫn khó lý giải.

Ngày 28/3/2013, mã DRH của Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà mơ ước giảm xuống chỉ còn 1.300 đồng mỗi cổ phiếu. Đây là khoảng thời gian thê thảm nhất của doanh nghiệp này, khi cổ phiếu không chỉ xuống đáy mà còn mất luôn thanh khoản. Điển hình là phiên giao dịch ngày 29/5/2013, chỉ có vỏn vẹn 10 cổ phiếu DRH giao dịch thành công.

Việc cổ phiếu DRH rơi vào tình cảnh này là do kết quả kinh doanh thua lỗ 2 năm trước đó (năm 2011-2012). Cũng vì thua lỗ 2 năm liên tiếp nên DRH bị Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đưa vào diện tạm ngưng giao dịch.

Sau đó, cổ phiếu này lại được đưa ra khỏi danh sách bị tam ngưng giao dịch, nhưng cũng trong năm 2013, DRH tiếp tục lình xình quan mốc 5.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, những tháng cuối cuối năm 2015, DRH bất ngờ có chuỗi tăng cực mạnh sau khi có nhóm cổ đông mới tham gia vào hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Đến phiên giao dịch ngày 20/5/2016, mỗi cổ phiếu DRH đã tăng lên mức cao nhất là là 46.200 đồng, tương đương mức tăng hơn 35 lần so với mức giá đáy.

Cổ phiếu bị lãng quên bất ngờ tăng giá hàng chục lần

Khó lý giải hiện tượng những cổ phiều cổ phiếu từng bị lãng quên bất ngờ bật tăng giá hàng chục lần, giới đầu tư gọi đây là những cổ phiếu "Thánh Gióng".

Một mã cổ phiếu bất động sản khác là Công ty cổ phần Tài Nguyên (TNT) cũng ghi nhận sự đột biến. Doanh nghiệp này cũng một thời bị nhà đầu tư “hất hủi”, và có thời điểm mỗi cổ phiếu TNT giảm xuống chỉ còn 2.300 đồng (phiên giao dịch ngày 16/5/2014).

Thế nhưng, từ giữa năm 2015, cổ phiếu TNT bất ngờ tăng tốc nhờ kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại sau thời gian thua lỗ. Đến phiên giao dịch ngày hôm nay (26/5), TNT đang giao dịch trên mức 25.000 đồng mỗi cổ phiếu. Tính ra, cổ phiếu TNT đã tăng gấp 20 lần trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Năm 2012, Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) đứng trước tin đồn có nguy cơ phá sản. Nguyên nhân bắt nguồn từ hợp đồng hợp tác đầu tư tại dự án Thanh Hà Cienco 5 với Công ty cổ phần BETA BQP, trong đó SHN góp hơn 300 tỷ đồng, trong đó có một nửa là tiền được huy động từ các cổ đông, đối tác và người lao động trong công ty. Trước thông tin này, cổ phiếu SHN liên tục giảm giá, và có thời điểm chỉ còn 600 đồng mỗi cổ phiếu.

Tuy nhiên, sau khi SHN và Geleximco cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Bình ký kết hợp tác chiến lược giữa ba bên trong việc tư vấn, hỗ trợ triển khai công tác tái cấu trúc toàn diện, nhà đầu tư quay trở lại với SHN. Trong đợt tăng này, SHN đã tăng gần chạm mốc 24.000 đồng mỗi cổ phiếu. Như vậy, nếu tính từ đáy 600 đồng mỗi cổ phiếu thì SHN đã tăng xấp xỉ 40 lần.

Ngành gạch lát từ lâu đã không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, một phần do những khó khăn về tiêu thụ trong suốt thời kỳ bất động sản đóng băng giai đoạn 2011-2013. Đa số là doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng, trong đó có các doanh nghiệp gạch men. Những doanh nghiệp này đã trải qua giai đoạn tiêu thụ khó khăn, nhu cầu nội địa giảm sút, thêm vào đó là bi ̣cạnh tranh mạnh mẽ bởi gạch nhập khẩu. Một số trong giai đoạn này còn âm vốn chủ do thua lỗ.

Nhưng khi xây dựng dân dụng phục hồi, cộng với các dự án xây dựng công trình bắt đầu bước vào giai đoạn hoàn thiện thì nhu cầu về gạch men bắt đầu tăng trở lại. Lần đầu tiên trong lịch sử thị trường chứng khoán niêm yết, có cổ phiếu từ âm hết vốn chủ đã không chı̉ có lãi trở lại mà còn đạt mức EPS (lợi nhuận tính trên mỗi cổ phần) rất cao.

Điển hình là trường hợp của Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long (TLT). Đây là doanh nghiệp cải thiện nhiều nhất với doanh thu thuần năm 2015 đạt 442,6 tỷ đồng (tăng 14,3%) và lợi nhuận sau thuế đạt 34,78 tỷ đồng (gấp gần 6 lần so với năm 2014), EPS năm 2015 đạt 4.980 đồng/cổ phần, P/E (hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận) là 3,3 lần.

Với sự cải thiện đáng kể về kết quả kinh doanh, cổ phiếu TLT liên tục bứt phá và hiện đang giao dịch ở mức trên 20.000 đồng mỗi cổ phiếu. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cũng thời điểm này năm 2013, TLT giảm chỉ còn 500 đồng mỗi cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư muốn bán cắt lỗ cũng không xong vì không có người mua. Như vậy, nếu so với thời điểm đáy, giá cổ phiếu cổ phiếu TLT đã tăng hơn 40 lần.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV, thị trường chứng khoán là nơi mà tính chu kỳ thể hiện rõ nhất. Giá cổ phiếu có thể rớt xuống chỉ còn 100 đồng mỗi cổ phiếu mà cũng có thể lên đến hàng triệu đồng, miễn sao doanh nghiệp không phá sản. Việc cổ phiếu phục hồi trở lại sau khi kết thúc một chu kỳ kinh doanh ảm đạm là điều không hiếm có.

Theo Thảo Nguyên (Zing)