Cổ phần hóa bệnh viện: vì sao người trong cuộc muốn lùi?

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là đơn vị đầu tiên hưởng ứng nhiệt tình chủ trương cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ năm tháng sau khi IPO bệnh viện đầu tiên, Cục Y tế GTVT (Bộ GTVT) đã có văn bản kiến nghị việc dừng thí điểm cổ phần hóa các bệnh viện giao thông khác. Trong số này, có bệnh viện đã trình phương án cổ phần hóa lên Chính phủ.

Cổ phần hóa bệnh viện: vì sao người trong cuộc muốn lùi?

Cuối tháng 5 vừa qua, Cục trưởng Cục Y tế GTVT Vũ Văn Triển đã ký tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị về việc dừng thí điểm cổ phần hóa các bệnh viện của ngành giao thông đến năm 2020. Đây được xem là động thái khá bất ngờ vì ngay khi có quyết định của Thủ tướng về cơ chế cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập (9-2015), cuối năm 2015, Bộ GTVT đã nhanh chóng hoàn tất việc bán 70% cổ phần ở Bệnh viện GTVT Trung ương. Và Bộ GTVT đang làm các thủ tục xúc tiến chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ba bệnh viện khác là bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng.

Sau khi bán nhanh bệnh viện GTVT trung ương...

Bệnh viện GTVT Trung ương chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần kể từ ngày 1-1-2016. Hiện 51,43% cổ phần của Bệnh viện GTVT Trung ương (vốn điều lệ 168 tỉ đồng) do Công ty cổ phần tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển sở hữu. 30% cổ phần do Nhà nước nắm giữ. Số cổ phần còn lại thuộc cán bộ, công nhân viên bệnh viện và tổ chức công đoàn.

Tổng giá trị cổ phần mà Nhà nước thu về sau đợt IPO hồi cuối năm 2015 ở đây là 116,8 tỉ đồng. Hiện nay, ông Hiển, Chủ tịch Hội đồng quản trị T&T, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch Công ty cổ phần Bệnh viện GTVT trung ương.

Việc thí điểm cổ phần hóa rất nhanh Bệnh viện GTVT Trung ương được xem là “mở đường” cho việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, điều mà thậm chí Bộ Y tế chưa làm được với bệnh viện công nào. Vậy tại sao Cục Y tế GTVT lại có tờ trình xin lùi thời hạn cổ phần hóa các bệnh viện còn lại thuộc ngành giao thông đến năm 2020? Cục này cũng đề nghị Bộ GTVT cho chuyển mô hình hoạt động của ba bệnh viện đang lên phương án cổ phần hóa sang mô hình tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp nhà nước.

Và nếu như việc thí điểm cổ phần hóa không phải là giải pháp khả thi đối với các bệnh viện, sao Cục Y tế GTVT không sớm ngăn các đơn vị có liên quan trong bộ trình phương án cổ phần hóa lên Chính phủ mà đợi sau khi đã có phương án cổ phần hóa xong xuôi mới đề xuất ngược lại?

Có ý kiến cho rằng Cục Y tế GTVT đề xuất như vậy là vì nếu các bệnh viện này bán hết cho các nhà đầu tư bên ngoài, Cục Y tế GTVT sẽ không còn nắm quyền quản lý nữa.

Lý lẽ của người muốn hoãn binh

Nhưng đọc tờ trình của Cục Y tế GTVT, thì những đề xuất cũng không phải không có lý. Thứ nhất là Bệnh viện GTVT Trung ương mới cổ phần hóa được nửa năm, chưa có tổng kết đánh giá xem việc chuyển đổi nhanh chóng ấy kết quả như thế nào nên cần xem xét lại việc tiếp tục cổ phần hóa ba bệnh viện khác. Nhất là khi kế hoạch IPO ba bệnh viện vừa chốt xong hoặc đang hoàn thiện, T&T đã tuyên bố muốn mua tiếp để hình thành chuỗi bệnh viện có sở hữu vốn của tập đoàn.

Thứ hai, theo Cục Y tế GTVT, Bệnh viện Nam Thăng Long với quy mô bệnh viện hạng 2, thực hiện xã hội hóa tốt với gần 70.000 người đăng ký khám chữa bệnh hàng năm. Dự kiến trong tháng 7 này, bệnh viện sẽ hoàn toàn tự chủ được việc chi thường xuyên và chi đầu tư mà không dựa vào ngân sách. Hai bệnh viện còn lại là bệnh viện GTVT Vinh và GTVT Đà Nẵng đều có quy mô bệnh viện hạng hai, có thương hiệu, uy tín tốt trên địa bàn.

Các bệnh viện này chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch và bệnh nghề nghiệp cho công nhân lao động ngành GTVT khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Mặt khác, hai bệnh viện này nằm trong danh sách 12 bệnh viện được Bộ Y tế giao nhiệm vụ khám, điều trị và cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho thủy thủ, thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam và quốc tế. Hai bệnh viện có thể tự chủ việc chi thường xuyên từ năm 2017.

Hơn nữa, trong quá trình cổ phần hóa nhanh chóng Bệnh viện GTVT Trung ương, đã có những thắc mắc, phản ứng của các nhà đầu tư ban đầu được mời làm nhà đầu tư chiến lược, khiến Bộ GTVT phải rút (hồ sơ) lên, trình lại phương án gửi Chính phủ. Bộ GTVT đã trình Chính phủ nhà đầu tư chiến lược là T&T, cho dù T&T không tham gia từ đầu và không biết điều kiện để trở thành cổ đông như các nhà đầu tư khác.

Khi xây dựng điều kiện chọn cổ đông chiến lược, Bộ GTVT đã dựng các “hàng rào kỹ thuật” khiến các nhà đầu tư phải nản. Trong đó có hàng rào: nếu là doanh nghiệp ngoài ngành y tế thì phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỉ đồng. Điều này đã từng bị Bộ Tài chính bác bỏ vì cho rằng không hợp lý. Và xét trong điều kiện vốn đó, chỉ có T&T đủ khả năng trở thành cổ đông chiến lược.

Mặt khác, cổ đông này đã được mua thỏa thuận 30% số cổ phần bệnh viện với giá thỏa thuận trước IPO chỉ bằng phân nửa giá trúng đấu giá (giá trúng là 23.600 đồng/cổ phần). Việc thỏa thuận giá trước IPO không trái quy định nhưng công luận có quyền đặt câu hỏi liệu Bộ GTVT có “bật đèn xanh” cho T&T mua rẻ? Sau đó, T&T tham gia đấu giá công khai và chỉ phải mua gom hơn 20% cổ phần còn lại với giá trúng đấu giá, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Hoạt động của Bệnh viện GTVT Trung ương trong nửa đầu năm 2016, khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, có nhiều lúng túng nên việc đánh giá kết quả CPH là một việc cần thiết trước khi bán nhanh ba bệnh viện còn lại

Giá trị các bệnh viện không ở những thứ bề nổi

Xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương đúng đắn của Chính phủ vì mục đích cuối cùng là đưa các đơn vị này hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm và rời xa bầu sữa ngân sách để phát triển mạnh hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bán nhanh, bán rẻ tài sản nhà nước bằng mọi giá.

Quay trở lại trường hợp Bệnh viện Nam Thăng Long tại Hà Nội, bệnh viện này có cơ sở vật chất nghèo nàn và được định giá theo sổ sách (tính đến ngày 30-6-2015) sau khi xác định lại là 29,5 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 11,8 tỉ đồng. Mức giá này có thể đúng theo các quy định hiện hành nhưng còn một thực tế khác: đó là một cái giá rất rẻ so với việc nhà đầu tư có được quyền chi phối một bệnh viện đa khoa cấp II. Bởi lẽ, việc xin giấy phép và xây dựng một bệnh viện cấp II từ ban đầu chắc chắn không thể ít như vậy.

Tương tự, nếu bệnh viện GTVT Vinh và Đà Nẵng được xác định giá trị xong và bán theo giá trị tài sản thực tế tại thời điểm này thì đó là những cái giá rất thấp so với giá trị thương hiệu và những gì hai bệnh viện này đã xây dựng được trong hàng chục năm qua.

Với những điều chưa nhìn thấy hết sau bề nổi là cơ sở vật chất nghèo nàn, èo uột tại các bệnh viện ngành giao thông, việc bán những tài sản nhà nước cũng cần được đánh giá lại một cách đầy đủ trước khi ra các quyết định cuối cùng.

Theo Lan Nhi (Thesaigontimes)