Cây cực hiếm tái xuất sau 151 năm

Không chỉ có hình dáng kỳ lạ và kích thước nhỏ bé, loài cây này còn hiếm đến nỗi chỉ mới được nhìn thấy 2 lần trong khoảng thời gian 151 năm.

Cây thismia neptunis, hay còn được gọi là Lồng đèn tiên, được các nhà nghiên cứu người Séc tìm thấy ở Matang Massif, phía Tây bang Sarawak - Malaysia hồi năm 2017. 

Lần cuối cùng loài cây này được nhìn thấy là vào năm 1866 theo sự phát hiện của nhà thực vật học người Ý Odoardo Beccari. Chính những bức vẽ của ông Beccari đã giúp các nhà nghiên cứu ngày nay xác định các mẫu vật được tìm thấy ở cùng khu vực.

Trong tạp chí Phytotaxa xuất bản ngày 21-2, các nhà nghiên cứu người Séc tin rằng đây chỉ mới là lần thứ 2 loài cây này được nhìn thấy. 

Nhờ phát hiện trên các nhà khoa học liền sửa đổi các mô tả và bản vẽ của giống cây này trong tài liệu cũng như chụp được "những bức ảnh đầu tiên".

cay-cuc-hiem-tai-xuat-sau-151-nam

Cây Thismia neptunis. Ảnh: Sochor et al

cay-cuc-hiem-tai-xuat-sau-151-nam

Bản vẽ ban đầu của nhà thực vật học người Ý Beccari. Ảnh: Beccari

Không chỉ hiếm có, điều đặc biệt ở cây thismia neptunis là chúng lấy chất dinh dưỡng từ nấm, có thể sinh trưởng mà không cần ánh nắng mặt trời, không có chất diệp lục và cũng không cần quang hợp.

 Loài cây này cao khoảng 9 cm khi nở hoa, không có lá mà chỉ có một bông hoa nhỏ trồi lên khỏi mặt đất khoảng vài tuần trong 1 năm.

Thismia neptunis vẫn là một ẩn số lớn và các nhà khoa học đang chạy đua với thời gian để tìm hiểu thêm về loài cây này. "Môi trường sinh sống ưa thích của chúng là các rừng mưa nhiệt đới nhưng các khu rừng này đang suy giảm ở mức chưa từng có trên toàn thế giới" - các nhà nghiên cứu viết.

Trợ lý bộ trưởng về Quy hoạch Đô thị, Quản lý Đất đai và Môi trường bang Sarawak, ông Len Talif Salleh, nói: "Đây là một phát hiện thú vị.

Họ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc thám hiểm công viên quốc gia và khu bảo tồn động vật hoang dã để tìm kiếm các hệ thực vật và động vật mới".

Bảo Hạnh 

Theo Người lao động / Straits Times, Science Alert