Cách để sống sót khi sập nhà

Động đất, mưa bão, lũ lụt và tác động từ con người… luôn tiềm ẩn những nguy cơ khiến ngôi nhà bị sập. Ngoài sự may mắn, chúng ta có thể chủ động phòng tránh thương vong bằng những cách dưới đây.


Chúng ta có thể giảm thiểu sự thương vong nếu có kỹ năng thoát nạn. Ảnh: TL

Những vụ sập nhà kinh hoàng

Thời gian gần đây, những vụ sập nhà liên tục xảy ra cho thấy tình trạng mất an toàn trong thi công cũng như công tác bảo trì, bảo dưỡng đang ở mức báo động. Trong một số vụ, nhiều người dù may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng cũng có nhiều vụ gây ra những cái chết đau lòng.

Ngoài ngôi biệt thự cổ (số 107 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) đổ sập vào lúc 12h45 ngày 22/9 khiến hai người chết, nhiều người bị thương thì một ngôi nhà khác (ở  tổ 11B, khu 3, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh) cũng bị sập làm cháu bé 7 tuổi  thiệt mạng vào lúc 4h sáng 28/7. Trước đó, vào 9h sáng ngày 6/7, một vụ sập nhà 3 tầng đã xảy ra tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang khiến một người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Sau nhiều giờ nỗ lực giải cứu, lực lượng chức năng địa phương đã đưa người bị mắc kẹt ra khỏi đống đổ nát.

Trong năm 2014, ở Bình Dương, 10 người cũng may mắn thoát chết trong căn nhà sập. Sự việc xảy ra 22h ngày 22/10, khi một căn nhà đang được xây dựng gần hoàn thiện bất ngờ đổ nghiêng đè lên căn nhà của anh Tạ Quốc Bửu (phường  Phú Tân, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương). Thời điểm này, nhà anh Bửu có 10 người đang ở nhà, khi phát hiện 2 căn nhà bị rung và nứt vỡ từng mảng tường mọi người bỏ chạy ra ngoài, rất may không có thương vong xảy ra. Vào ngày 20/7/2012, 4 người khác cũng may mắn thoát chết trong căn nhà 3  tầng bị đổ sập ở quận 1, TP  HCM. Toàn bộ vật dụng trong nhà bị vùi trong đống đổ nát.

Qua hàng chục vụ sập, đổ nhà nói trên, ngoài sự thương vong về người thì một số lượng tài sản có giá trị lớn bị hủy hoại. Và chúng ta có thể tránh được những thiệt hại nếu có phương án chuẩn bị an toàn.

Thoát nạn như thế nào khi nhà sập?

Trước tiên, cần phải lưu ý rằng, dù tòa nhà chúng ta đang ở có bị đe dọa đổ sập bởi thảm họa thiên nhiên hay do con người gây ra thì những kỹ năng sống sót luôn cần thiết. Khi xảy ra tai nạn, đa số đều  nghĩ việc thoát khỏi hiểm họa là một vận may hiếm có, tuy nhiên những thủ thuật để đối phó với nó mới chính là thứ sẽ cải thiện đáng kể khả năng sống còn.

Theo ông Tô Xuân Thiều (Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an TP Hà Nội), thường thì những tai nạn xảy ra rất nhanh nên chúng ta cũng phải hành động phải nhanh gọn. Việc đầu tiên khi cảm nhận nguy cơ ngôi nhà bị sập là phải bình tĩnh đánh giá tình hình, vì chỉ một quyết định sai lầm của bạn cũng có thể dẫn đến cái chết ngay tức khắc. Hãy kiểm tra xem cầu thang bộ gần nhất ở đâu và tuyệt đối tránh xa thang máy. Trong hầu hết những tai nạn, hỏa hoạn có thể xuất hiện và lan đi với một tốc độ chóng mặt. Việc hít phải khói đen có thể khiến chúng ta bị ngộp và thậm chí gây tử vong. Để giảm sự thương vong, chúng ta cần làm ướt áo và dùng nó để che mặt, điều này sẽ giúp bạn thoát khỏi đám khói.

Trong trường hợp nếu bị mắc kẹt dưới một đống đổ nát hoặc một vật gì đó thì chúng ta cần tìm cách để ra hiệu cho lực lượng cứu hộ để họ phát hiện và cấp cứu một cách kịp thời. Trong trường hợp bị kẹt dưới vật cồng kềnh, việc cần làm là ở yên một chỗ, đừng cố gắng cử động. Bạn không chỉ có thể bị thương nặng hơn mà còn khiến những thứ khác tiếp tục đổ sập. Nếu bắt buộc phải xê dịch cơ thể, hãy làm thật chậm và nhẹ nhàng.

Ở môi trường thiếu ánh sáng, nhân viên cứu nạn được luyện tập để phát hiện những tín hiệu ánh sáng dù là nhỏ nhất cũng như mọi thứ bất thường khác. Nếu điện thoại, đèn pin còn sử dụng được, hãy thắp sáng chúng bằng mọi giá. Điều này sẽ tăng khả năng được cứu nạn lên tối đa.

Ngoài những yếu tố đã nói ở trên, nhiều chuyên gia cứu hộ, cứu nạn cũng đưa ra lời khuyên là cần học qua các khóa đào tạo kỹ năng đối mặt với nguy hiểm. Việc làm này góp phần giảm hỗn loạn và nguy cơ tử vong rất nhiều bởi trên thực tế, qua các sự cố lớn, nhiều người chưa chết vì tai nạn thì đã chết ngất vì sợ hãi…

Những kỹ năng thoát hiểm “bỏ túi”:

- Khi ngôi nhà có nguy cơ sập xuống nhanh, hãy chạy lại gần các vật dụng to lớn ngay gần mình nhất mà ở đó có khoảng trống an toàn.

- Nếu đang trên giường hãy lăn khỏi giường. Một khoảng trống an toàn sẽ tồn tại gần giường.

- Hãy nằm xuống và cuộn tròn trong tư thế bào thai ngay cạnh một vật dụng to lớn nào đó.

- Khi ngôi nhà đang sập với tốc độ nhanh, không bao giờ được đi vào cầu thang (trừ khi bạn cảm thấy nó an toàn) vì cầu thang và phần còn lại của tòa nhà tiếp tục va đập vào nhau cho đến khi cấu trúc cầu thang gãy.

- Hãy ra gần tường ngoài của tòa nhà hay là bên ngoài tòa nhà nếu có thể. Bạn càng ở sâu bên trong tòa nhà thì đường thoát chạy của bạn sẽ bị chặn lại và khả năng cứu hộ sẽ khó khăn hơn.

- Nếu đang ở trong xe ôtô, bạn nên thoát ra ngoài và ngồi gần (nhưng không chạm vào xe).  

Theo P.Bình (T.H)

Theo Lê Nhung (GĐXH/GĐ)