Các nhà lãnh đạo gặp mặt tại Thụy Sĩ. Thế giới đang chao đảo dưới sự gia tăng bất bình đẳng và đói nghèo

Trên phạm vi toàn cầu, tình hình ngày càng xấu đi, theo một báo cáo của Oxfam, trong đó chỉ ra bất bình đẳng và đói nghèo đã đạt đến mức báo động cần phải quan tâm đến. Ngoài ra, các nhà phê bình cho rằng cuộc cách mạng công nghệ mới đang dẫn đến giảm việc làm của người lao động, nhường chỗ cho robot.

cac-nha-lanh-dao-gap-mat-tai-thuy-si-gioi-dang-chao-dao-duoi-su-gia-tang-bat-binh-dang-va-doi-ngheo

Logo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Trung tâm hội nghị Davos (Fabrice Coffrini/AFP/ Getty)

Các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp gặp mặt trong tuần này tại Thụy Sĩ trong bối cảnh một thế giới phân cách nhiều hơn, trong đó người nghèo tiếp tục rớt lại nhiều hơn phía sau những người rất giàu có, còn những vết nứt chính trị ở Mỹ, châu Âu và Trung Đông càng sâu hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong những thập kỷ vừa qua.

Chỉ có 62 người, trong đó 53 là các quý ông, sở hữu tài sản bằng một nửa của dân số toàn cầu, Tổ chức Oxfam cho biết hôm thứ Hai.

Rất dễ nhận thấy khoảng cách giữa người giàu và người nghèo gia tăng nhanh hơn so với bất kỳ dự đoán nào, khi tài sản của những người giàu nhất trên thế giới (chiếm 1% dân số thế giới) sẽ vượt quá tài sản của 99% dân số còn lại sớm hơn 1 năm so với dự đoán của Oxfam trong năm 2015.

Sự bất bình đẳng ngày càng lớn và thiếu sự tin tưởng giữa người dân và các nhà lãnh đạo chính trị của họ là những thách thức lớn đối với giới tinh hoa toàn cầu, tại cuộc gặp ở Davos, nơi sẽ diễn ra diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng 1.

Nhưng những tách biệt còn lớn hơn nhiều so với những gì hiện có giữa người giàu và người nghèo. Tại Trung Đông, các cuộc xung đột giữa người Shiite và người Sunni đã đạt đến một điểm gay cấn, Iran và Ả Rập Xê Út chống lại nhau công khai để tranh giành ảnh hưởng trong một khu vực đang rung chuyển bởi các cuộc chiến tranh và tàn bạo của những kẻ cực đoan Hồi giáo.

Những cuộc xung đột cũng đang đổ vào châu Âu – gây chia rẽ sâu sắc về tư tưởng trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai hoặc các mối đe dọa rời khỏi Liên minh châu Âu của người Anh – tất cả tạo ra sự không chắc chắn về tương lai của châu Âu, mà họ đã nỗ lực trong hơn sáu thập kỷ, cho một sự hội nhập chặt chẽ hơn.

Donald Trump, ứng cử viên cho việc đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, đã thể hiện sự tồn tại của một chia rẽ chính trị ngày càng lớn ở Mỹ. Điều này cũng gây bất an cho các đồng minh của Washington tại một thời điểm có nhiều biến động lớn trên thế giới.

Trong số các nhân vật nổi tiếng sẽ tham dự Davos có Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các bộ trưởng ngoại giao của Iran và Ả Rập Xê út.

Thủ tướng mới của Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Anh David Cameron và Mario Draghi sẽ lần lượt có mặt, tại thời điểm khi mở ra một sự chia tách mới của chính sách tiền tệ xuyên Đại Tây Dương giữa Ngân hàng Trung ương châu Âu, mà chủ tịch là Draghi và Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Cuộc gặp ở Davos sẽ có sự tham dự của một số nhân vật nổi tiếng, như các diễn viên nổi tiếng Leonardo Di Caprio và Kevin Spacey, theo tin từ trang website Tru News.

Dân tộc cực đoan

Cuộc khảo sát hàng năm “Trust Barometer” Edelman cho thấy một khoảng cách kỷ lục trong năm nay về lòng tin giữa tầng lớp giàu có và quần chúng nhân dân ở nhiều quốc gia, do sự bất bình đẳng về thu nhập  và những kỳ vọng cho tương lai. Sự phân cách thể hiện rõ nhất tại Mỹ, tiếp đó là Anh, Pháp, và Ấn Độ.

“Hậu quả của việc này là chủ nghĩa dân tộc cực đoan – minh chứng bằng Trump và Le Pen”, Richard Edelman, Chủ tịch và là Giám đốc điều hành của Edelman tuyên bố vớiReuters, đề cập đến Marine Le Pen, lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Pháp thuộc phe cực hữu, người đã vượt lên trong các cuộc thăm dò dư luận của các đảng truyền thống.

Tiếp theo là làn sóng đổi mới công nghệ, được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng nằm trong chương trình nghị sự tại Davos, nó đe dọa bất ổn xã hội sâu rộng hơn bởi nhiều công ăn việc làm bị mất đi bởi những con robot.

Báo cáo của Oxfam cho thấy bất bình đẳng toàn cầu đã đạt đến mức mà đã không dự đoán được trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ.

Năm ngoái, Tổ chức này đã tính toán, tổng tài sản của 62 người tương đương với tài sản của 3,5 tỷ người, hoặc một nửa nghèo hơn của dân số thế giới. Tài sản của 62 người đó đã tăng 44%, tức hơn nửa nghìn tỷ đô la trong 5 năm qua, trong khi đó tài sản của phần nghèo hơn đã  giảm hơn một nghìn tỷ đô la.

Báo cáo đề cập đến sự tồn tại của một mạng lưới toàn cầu các thiên đường thuế, nơi đảm bảo của cải của những người giàu sẽ được giữ cách biệt với tầng lớp bình dân và với chính phủ. Báo cáo cho biết khoảng 7,6 nghìn tỷ đô la dưới các dạng tài sản cá nhân- lớn hơn nhiều nền kinh tế của Đức và Anh cộng lại – hiện đang được cất giữ trong các tài khoản ở nước ngoài.

“Đó là một lời cảnh tỉnh chính”, Jyrki Raina, Tổng thư ký của Liên minh công nghiệp toàn cầu ALL (IndustriALL Global Union), đại diện cho 50 triệu người lao động tại 140 quốc gia trong các lĩnh vực khai thác mỏ, năng lượng và sản xuất cho biết. “Bất bình đẳng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với phúc lợi kinh tế mà phúc lợi này cần phải được đảm bảo”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cập đến vấn đề này trong cuộc trao đổi về Tình trạng quốc gia, khi nhấn mạnh thay đổi công nghệ sẽ định hình lại hành tinh.

“Đó là một sự thay đổi có thể khuyếch đại các cơ hội hoặc sẽ làm tăng bất bình đẳng. Và, cho dù chúng ta có thích hay không, tốc độ của những thay đổi này sẽ tăng nhanh”, Tổng thống Mỹ cho biết.

“Các công ty trong một nền kinh tế toàn cầu có thể di chuyển bất cứ nơi nào và có thể phải đối mặt với một sự cạnh tranh khốc liệt hơn … Kết quả là, người lao động vẫn ít có cơ hội để tăng lương. Các công ty ngày càng ít trung thành với cộng đồng của họ. Và ngày càng nhiều của cải và thu nhập được tập trung dồn vào các vị trí trên đỉnh”.

Tác giả Andrei Popescu - Dịch giả Kim Xuân (Việt đại kỷ nguyên)