Bộ Giao thông vận tải: Taxi và xe khách phải giảm cước ngay

Trước thực tế giá xăng dầu giảm sâu, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu các các đơn vị vận tải phải giảm giá cước taxi và xe khách tuyến cố định.

Ngày 22/2, thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đã có cuộc họp với các đơn vị vận tải nhằm có biện pháp điều chỉnh giá cước trước mức giảm giá của xăng dầu. 

Dư luận bức xúc vì giá cước vận tải, taxi chưa giảm

Thứ trưởng Trường cho biết, hiện giá cước vận tải, đặc biệt là giá taxi chưa giảm theo xăng dầu khiến dư luận bức xúc. Vì vậy, ông Trường đề nghị các đơn vị vận tải phải có định hướng cụ thể trong việc điều chỉnh cước vận tải tương ứng với giá xăng dầu. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, dù nhiều doanh nghiệp đã kê khai giảm giá nhưng chưa được như kỳ vọng của người dân. Ông đề nghị các Hiệp hội và doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, phải coi đó là văn hoá doanh nghiệp và yêu cầu phải giảm giá ngay.

Giá cước vận tải hiện vẫn ở mức khá cao, dù chi phí nhiên liệu đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Bên cạnh đó ông Trường cũng thừa nhận, Bộ GTVT và Bộ Tài chính có trách nhiệm khi để việc kê khai thủ tục phức tạp, việc điều chỉnh đồng hồ taximet còn mất nhiều thời gian.

Vì vậy, thứ trưởng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình triển khai thực hiện kê khai giá một cách đơn giản, thuận tiện nhất đồng thời đề nghị Hiệp hội vận tải phối hợp với Vụ Vận tải, kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề kiểm định giá, niêm yết giá một cách phù hợp, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho biết, thông tin báo chí cho rằng doanh nghiệp vận tải, chây ỳ, móc tui người tiêu dùng khiến ông rất đau lòng. 

"Chúng tôi không phải tội phạm và cảm thấy bị xúc phạm. Có những doanh nghiệp vận tải làm ăn bậy bạ nhưng đa số doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, nhưng tất cả đều chịu chung một tiếng là móc túi khách hàng" - ông Thành bày tỏ. 

Theo ông Thành, mỗi doanh nghiệp có phương thức quản lý và đầu tư khác nhau nên việc giảm giá đồng loạt theo yêu cầu của các Sở GTVT là rất khó khăn. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc chậm giảm giá cước là do cơ chế khoán cho lái xe nên việc giảm giá chỉ lái xe được lợi, chứ doanh nghiệp lại không được gì. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô cho rằng các lý do này là không thuyết phục và các doanh nghiệp vận tải phải thay đổi phương thức quản lý, không thể bị nói mãi là chây ì để móc túi người dân. 

Sẽ hoàn thiện quy định về cước vận tải

Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ, giá cước taxi tại TP HCM đã giảm 300-500 đồng/km sau đợt giảm giá xăng ngày 18/2. Ông khẳng định, giá nhiên liệu tăng - giảm từ 10-12% thì giá cước taxi sẽ được điều chỉnh tăng - giảm từ 2,5-3%. 

Còn đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình kiến nghị các Bộ, ngành thay đổi tư duy quản lý giá cước vận tải, tiếp tục sửa đổi hoàn thiện quy định hướng dẫn thực hiện cước vận tải của xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Ông cho biết, các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội đang trong tiến hành các khâu giảm giá cước, giảm từ 300-500 đồng/km.

Về những vấn đề này, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng để doanh nghiệp có được sự chấp thuận về giá từ cơ quan quản lý là không đơn giản. Vì vậy, Bộ Tài chính cần công khai, minh bạch, giảm thủ tục để doanh nghiệp có thể giảm giá cước phù hợp với giá xăng dầu. 

Đánh giá về tình hình giá cước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Thị Thúy Nga cho biết, trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp đều chấp hành tốt các quy định về giá, có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh giảm cước khi giá nhiên liệu giảm.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những doanh nghiệp không điều chỉnh. Thời gian tới, Cục sẽ xem xét, sửa đổi các quy định về giá cước, đồng thời mong muốn Bộ GTVT sớm tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội để sớm ban hành Thông tư phục vụ công tác quản lý có hiệu quả, phù hợp với thị trường.

Về việc các doanh nghiệp kiến nghị thủ tục hành chính còn rườm rà, Cục ghi nhận và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT có những điều chỉnh để quản lý giá cước hiệu quả hơn.

Ngày 18/2, thực hiện theo yêu cầu của liên bộ Tài chính - Công Thương, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) giảm giá xăng A92 bán lẻ xuống gần 1.000 đồng, từ mức 14.710 đồng về 13.750 đồng. Mức này tương đương với giá cách đây gần 7 năm, ngày 10/6/2009, khi Petrolimex điều chỉnh tăng giá xăng thêm 1.000 đồng một lít, lên mức 13.500 đồng. 

Tuy giá nhiên liệu đã có sự tương đồng nhưng cước vận tải lại khác biệt rất lớn. Theo đó, mức giá của hai ông lớn ngành taxi là Mai Linh và Taxi Group vào tháng 6/2009 là 10.000 đồng/km (với xe 4 chỗ) và 10.500 đồng (với xe 7 chỗ), tăng 500 đồng so với trước.

Còn hiện tại, mức giá trung bình của 2 hãng taxi này tại Hà Nội khoảng 13.500 đồng/km với xe 4 chỗ. Riêng với xe 7 chỗ, các mức giá dao động trong khoảng 15.600 đồng/km.

Theo Công Khanh (Zing)