Bể bơi Hà Nội: Giá vé có đi đôi với chất lượng?

Cùng là bể bơi ngoài trời, các trang thiết bị không khác nhau là mấy nhưng giá vé các bể bơi tại Hà Nội có chỗ chỉ 15.000 đồng/người/vé nhưng có nơi lên tới 50.000 đồng/người/vé.

Bể bơi tại Hà Nội đông nghịt đầu đợt nắng nóng

Bắt đầu vào cao điểm nắng nóng, người Hà Nội muốn bơi đã phải chạy đôn đáo lựa chọn hồ bơi cho mình và gia đình sao cho vừa hợp túi tiền vừa đảm bảo vệ sinh, an toàn. Còn các bể bơi vẫn mặc nhiên đưa ra mức phí và giá vé thu khác nhau.

Hiện, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 130 bể bơi lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có nhiều bể bơi công cộng thuộc quyền quản lý của các quận, các trường và tổ chức xã hội khác. Theo khảo sát của phóng viên Dân Trí, mức giá vé bể bơi tại Hà Nội khác nhau dù cùng là bể bơi ngoài trời.

1 m2 bể bơi có từ 4 - 5 người, hiện tượng quá tải đã xảy ra nhưng nhiều bể bơi vẫn bán vẻ để thu lợi, bất chấp an toàn và nguy cơ ô nhiễm cho người bơi.

Tại bể bơi Thái Hà (Đống Đa), giá vé cho người lớn là 30.000 đồng/người/vé, trẻ em là 25.000 đồng/người/vé. Theo nhiều người đi bơi, mức giá bơi tại đây thuộc hàng rẻ so với các bể bơi khác tại Hà Nội.

Còn bể bơi ở khu liên hợp thể thao Mỹ Đình có mức giá dao động từ 40 - 70.000 đồng/người. Bể bơi Đại học Thủy Lợi cũng có giá từ 40.000 đồng/người, bể bơi Học viện Tài chính có mức giá rẻ nhất chỉ 15.000 - 20.000 đồng/người/lượt. Bể bơi khu tập thể Tăng Thiết Giáp (Cổ Nhuế, Từ Liêm Hà Nội) có mức giá 20.000 đồng/người/lượt.

Tại Công viên nước, mức giá rẻ nhất cho người lớn ngày thường vui chơi khu công viên nước và tắm bể bơi là 100.000 đồng - 120.000 đồng/người/lượt. Ngày thứ 7 và chủ nhật, giá vé cao nhất là 150.000 đồng/người. Theo thống kê, giá vé vào bể bơi năm nay đã tăng từ 15.000 đồng - 20.000 đồng/vé so với các năm trước.

Lý giải về hiện tượng mỗi nơi một giá vé, quản lý một bể bơi tại Từ Liêm cho hay: Các bể bơi cũ thuộc quản lý của Nhà nước, giao cho quận, huyện, thị xã có mức giá vé rẻ hơn, còn các bể bơi có giá đắt hơn là trao quyền cho tư nhân khai thác và quản lý. Giá vé của các bể tư nhân có tính cả chi phí vận hành bể bơi đã được tính như: thay nước, vệ sinh bể bơi hằng ngày, các chi phí về cơ sở vật chất và cho nhân viên…

Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận có hiện tượng các bể bơi không tuân thủ các quy định an toàn và vệ sinh nước hằng ngày. Có bể nhân viên chỉ rắc hóa chất, sục khí clo để làm sạch nước. Nước cũ hàng tháng trời lưu lại, trong khi mật độ người tắm đông, cộng với hiện tượng một số người bơi tiểu tiện trong bể nên khiến các bể bơi này không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Bể bơi Thái Hà giá rẻ 30.000 đồng/người/vé nhưng theo phản ánh, mỗi khi trời nắng nóng, bể bơi "đón" quá nhiều người khiến nước ô nhiễm.

Trong hơn 130 bể bơi tại Hà Nội, phần lớn là bể ngoài trời và số ít là bể bốn mùa ở các khách sạn, các khu chung cứ cao cấp. Tuy nhiên, mức giá vé bể bơi ở khách sạn khá đắt, dao động từ 100.000 đồng - 200.000 đồng/vé/ người, thậm chí đắt hơn. Với mức giá đắt đỏ, các bể bơi khách sạn chỉ dành cho khách ở lưu trú, còn phần đông dân thích bơi và học bơi ở Hà Nội vẫn lặn ngụp ở các bể công cộng không biết rõ có đảm bảo vệ sinh hay không. 

Ngoài giá vé mỗi nơi một kiểu, chất lượng nước và vệ sinh tại hồ bơi ở Hà Nội cũng đáng báo động.

Mới đầu tháng 5, qua kiểm tra rà soát, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phát đi cảnh báo 100% bể bơi trên địa bàn Hà Nội vi phạm quy định đảm bảo an toàn. Quy định đã chỉ rõ các bể bơi phải lấy mẫu xét nghiệm 7 chỉ số ít nhất 1 lần và lưu mẫu nước mỗi lần kiểm tra tối thiểu 5 ngày. Tuy nhiên, qua giám sát 100% bể bơi tại Hà Nội không thực hiện đúng.

Qua trao đổi với phóng viên, nhiều người dân sống quanh các bể bơi như: Thái Hà, Công viên nước Hồ Tây, bể bơi Thủy Lợi và một số bể bơi công cộng trên địa bàn Hà Nội... cũng không biết được các bể bơi vệ sinh, thau rửa bể, thay nước như thế nào. "Có hỏi họ cũng chỉ cho biết, bể bơi thay nước và vệ sinh trong đêm, khi hết người tắm", anh Đức, một người đi bơi nói.

Theo Điểm 7, điều 4, chương II, Thông tư 02 của Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch quy định Tiêu chuẩn nước bể bơi là: Phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, ít nhất 1 lần/tuần nếu bể bơi dùng nước giếng khoan, không có hệ thống lọc tuần hoàn và xử lý bằng hóa chất.

Đối với các bể bơi có hệ thống lọc tuần hoàn thì tối thiểu 1 lần/ngày phải làm vệ sinh thành bể và hút cặn, bơm bù đủ nước. Nước bể bơi phải đáp ứng được chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.

Để tránh đông đúc, ô nhiễm và tăng giá vé, nhiều người chọn bơi vào buổi sáng

Theo anh Thành, một người thường xuyên bơi tại bể Thái Hà (Đống Đa) cho biết: “Bể này chỉ được cái rẻ, còn nước nặng mùi clo nên ai không tắm quen sẽ dễ mẩn đỏ, ngứa và bệnh ngoài da, trẻ em không tắm quen cũng có hiện tượng mẩn đỏ, rồi các bệnh về mắt”.

Vào thời cao điểm nắng nóng, để có chỗ bơi tại Thái Hà vào buổi chiều sẽ rất khổ vì 1 m2 có đến 3 - 4 người, người bơi chỉ có thể ngâm mình xuống nước chứ không thể bơi vì quá đông.

Anh Thành cho hay, muốn bơi thích và sạch phải đi vào ca sáng từ 5h đến 8h, khi đó ít người bơi, nước trong hơn. “Đi bơi chỉ biết chọn thời điểm ít người thôi, cũng không biết là ban quản lý bể bơi họ thay nước theo tiêu chuẩn nào, mấy ngày thay nước hay chỉ sục khí clo diệt khuẩn và vẫn để nước cũ”, anh Thành chia sẻ. 

Nguồn cơn bệnh tật từ bể bơi công cộng

Khi mùa hè đến gần, chúng ta có xu hướng tìm đến những bể bơi hoặc hồ bơi để làm dịu cơn nóng. Thế nhưng, các nhà khoa học khuyến cáo bạn nên cẩn trọng khi ngâm mình xuống nước. 

Tiến sĩ Christopher OHL, giáo sư truyền nhiễm tại Trung tâm Wake Forest Baptist Medical đã chia sẻ rằng các ông bố bà mẹ nên cố gắng không được cho đứa trẻ của mình uống phải nước hồ bơi.

Và nếu đứa trẻ đang mắc bất kỳ loại bệnh gì về đường tiêu hóa thì nên để chúng khỏi hẳn rồi mới đưa đi, để tránh chúng sẽ làm ô nhiễm nước.

Giải thích cho vấn đề này, nước hồ bơi công cộng là nơi mà vi trùng có hại như vi khuẩn E.Coli và các ký sinh trùng như Cryptosporidium và Giardia có xu hướng lây lan rộng khi không có đủ Clo để khử chúng trong hồ bơi, hoặc nồng độ pH của nước quá thấp.

Một số triệu chứng khi nhiễm ba loại vi khuẩn này, đó là tiêu chảy, đau bụng, giảm cân, buồn nôn, nôn mửa và mất nước.

Bên cạnh đó, một loại vi khuẩn khác là vi khuẩn trùng xoắn, gây ra bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng dễ dàng mắc phải khi tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu của người (hoặc động vật có vú) nhiễm bệnh.

Những triệu chứng của bệnh trùng xoắn là sốt, nhức đầu và đau nhức cơ bắp.

Mary Ostrowski, giám đốc của the Chlorine Issues (Các vấn đề về Clo) của Hội đồng thương mại Hóa học Hoa Kỳ cho biết: “Nhiều người nghĩ rằng hồ bơi có mùi clo tức là nó sạch sẽ. Nhưng thực chất thứ mùi đó là mùi của chất Chloramines – sản phẩm kết hợp giữa clo và vi khuẩn, nước tiểu và mồ hôi”.

Chính vì những vấn đề trên mà người dân nên hết sức thận trọng và cân nhắc trước khi tới hồ bơi

PV (NTD)