Bán bún bò Huế phải đến Huế xin phép: Tôi chỉ còn nước bán thân!

Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” vừa được ban hành đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” do ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh ký ngày 13/7/2016.

Quy chế này đã gây hiểu nhầm cho khá nhiều người khi hầu hết độc giả đều nghĩ rằng bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn kinh doanh sản phẩm này đều phải đến Huế để... xin phép.

Ngay sau đó, ông Phan Ngọc Thọ cũng đã đính chính với truyền thông rằng thông tin như trên là hoàn toàn sai lầm. Bởi người bán bún bò Huế nếu không sử dụng nhãn hiệu kèm logo quy chuẩn, nhận diện bún bò Huế mà tỉnh đã xây dựng, công bố thì không phải đăng ký với chủ sở hữu nhãn hiệu này.

Bán bún bò Huế phải đến Huế xin phép: Tôi chỉ còn nước bán thân!

Logo nhãn hiệu chứng nhận do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đăng ký sở hữu.

Tuy nhiên, kể cả ông Thọ có đính chính, giải thích cặn kẽ đến đâu thì việc đó vẫn có vẻ mâu thuẫn với phát ngôn của bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên – Huế khi bà cho rằng với những quán đã kinh doanh bún bò Huế lâu nay, trước mắt đề án chưa đặt ra việc buộc chủ kinh doanhphải đến Huế đăng ký, cho dù về lâu dài là có đặt ra.

Vậy, chẳng phải tỉnh đã có kế hoạch cho những “bước đi” tiếp theo của chiến dịch “độc quyền” bún bò Huế mà bước đầu tiên chính là phổ quát logo nhận diện thương hiệu hay sao? Và điều đó khiến tôi ngờ vực rằng sự “đính chính” của ông Thọ dường như chỉ là một nước bài để xoa dịu dư luận.

Bởi thực ra, với thời buổi hiện nay, việc chế biến có đúng quy chuẩn hay không, việc quán bún bò Huế có đúng “bản quyền” của Huế hay không cũng chẳng quan trọng nữa.

Điều đó chỉ là hình thức. Một quán ăn thành công là bởi nó tạo được một hương vị, dấu ấn riêng cho thực khách. Có thể thấy, từ Bắc chí Nam, hàng nghìn quán bún bò Huế mọc lên như nấm nhưng đâu phải chỉ những quán ở Huế mới ngon, đâu phải cứ người Huế làm mới là chuẩn vị.

Đôi khi, sự thay đổi linh hoạt theo khẩu vị của từng vùng miền, sự “mềm dẻo” của những nguyên liệu mới dễ tạo nên sự lan tỏa của một món ăn đặc sản.

Có thể thấy, tỉnh Thừa Thiên – Huế nên học tập nước Ý cách họ bảo vệ và biến món pizza trở thành một “đại sứ văn hóa” như thế nào.

Họ chấp nhận sự đa dạng của các loại pizza. Họ ủng hộ sự biến thể của pizza khi đi qua từng vùng miền, dân tộc khác nhau nhưng không để thế giới quên mất cội nguồn của món ăn này bằng cách truyền thông – đệ đơn lên UNESCO công nhận pizza là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Vậy, pizza dù đi đến bao nhiêu quốc gia, thay đổi muôn hình vạn trạng, muôn mùi vạn vị thì pizza vẫn cứ là pizza, vẫn cứ được công nhận là một “đại sứ” ẩm thực của nước Ý thơ mộng.

Ngược lại, theo quan điểm của bà Vy, nếu người kinh doanh bún bò Huế không thực hiện đúng theo tiêu chuẩn đặc trưng của “bún bò Huế” thì họ không được sử dụng chữ “bún bò Huế” để gọi tên sản phẩm của mình.

Mà thay vào đó, họ phải gọi món ăn đó là “Bún Huế”, “Bò Huế” hay “Huế bò”... gì cũng được miễn không phải “bún bò Huế”.

Thế chẳng phải chính tiêu chí này đã chẻ nhỏ một thương hiệu khổng lồ mà các đầu bếp tâm huyết với món ăn đã gây dựng bao lâu nay hay sao?

Với rào cản cả về ngôn ngữ lẫn chính sách như vậy thì có lẽ những đặc sản vùng miền rồi cũng chết yểu trong chính sự bao bọc quá đà của các cơ quan công quyền thôi!

Muốn kinh doanh bún bò Huế đúng chuẩn "bún bò Huế" phải đến Huế để đăng kí logo thương hiệu, rồi đây còn bao nhiêu sự thay đổi, bao nhiêu tỉnh, thành phố có tham vọng “phòng ngừa việc mất thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa của địa phương” nữa?

Cứ theo đà này chắc tôi chỉ còn nước “bán thân” thì mới đỡ nơm nớp nỗi lo về "giấy phép chính chủ".

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Theo nguoiduatin