Xúm vào xem gỡ bom mìn và “bệnh tâm lý đám đông”

Hình ảnh đám đông tụ tập khi có người gặp tai nạn giao thông trên đường đã trở thành một hiện tượng quá quen thuộc. Trong đám đông đó, phần đa là xúm vào để xem chứ không phải giúp đỡ người bị nạn. Kỳ lạ là có những vụ việc nguy hiểm như đánh nhau, cháy nhà, thậm chí là rà phá bom mìn…vẫn có rất nhiều người dân xúm đông xúm đỏ để xem. TS tâm lý Nguyễn Kim Quý (nguyên giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, đó là do tính tò mò, hiếu kỳ, một phần khác là do bị chi phối bởi tâm lý đám đông (hay còn gọi là tâm lý bầy đàn).

tâm lí đám đông
Hàng trăm người dân Nha Trang tò mò tụ tập xem chiếc hộp nghi có bom mìn trên phố Đặng Tất. Ảnh: T.L

Tò mò bất chấp cả nguy hiểm

Mới đây vào ngày 9/12, trên phố Đặng Tất (TP Nha Trang, Khánh Hòa), khi phát hiện một chiếc xe 7 chỗ thả một chiếc hộp lớn ở cửa nhà số 12 Đặng Tất rồi bỏ chạy, nghi ngờ có vật liệu nổ, bom mìn khủng bố, người dân đã gọi điện báo cho cơ quan chức năng. Đó là một chiếc hộp gỗ dài khoảng 1m, cao khoảng 50cm, được bọc bên ngoài bằng bìa các tông. Khi lực lượng công binh được điều tới để xử lý thì cũng là lúc hàng trăm người dân hiếu kỳ đã kịp thời xúm lại gây ùn tắc cả một con phố dài. Ngay cả khi lực lượng công binh tiến hành rà chiếc hộp lạ do nghi vấn có bom mìn, vật liệu nổ bên trong thì hàng trăm người dân trên vẫn tiếp tục xúm lại xem, bất chấp những hiểm nguy có thể xảy ra. Người dân hiếu kỳ tập trung tại khu vực này đông đến nỗi cảnh sát giao thông phải dùng xe tải thùng và mô tô chuyên dụng phong tỏa hiện trường.

Cách đây một năm, cũng vì xúm lại xem tai nạn giao thông giữa một chiếc taxi và hai xe máy trên đường mà 9 người đã thương vong tại thị trấn Đoan Hùng, Phú Thọ vào ngày 27/8/2013. Vào thời gian trên, có một vụ va chạm giữa ô tô và xe máy tại phía đầu cầu Đoan Hùng (Phú Thọ) và đường rẽ vào xã Phong Phú. Khi người dân đang tập trung đứng xem thì bất ngờ chiếc xe khách biển số 22L... chạy hướng Hà Nội - Tuyên Quang do Phạm Quang Trường (trú tại Tuyên Quang) cầm lái tông thẳng vào. Vụ tai nạn khiến anh Đỗ Mạnh Đức (23 tuổi, trú tại khu hành chính Tân Long, thị trấn Đoan Hùng) chết ngay tại chỗ, 8 người khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, trong đó có nhiều người trong tình trạng nguy kịch. Đến sáng 28/8, chị Lê Thị Tám (45 tuổi, ở thị trấn Đoan Hùng) cũng tử vong do bị thương nặng.

Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn xe khách đâm vào đám đông đang đứng xem tai nạn giao thông trước là do khi xe khách đang chạy trên đường, bất ngờ hai người dân chạy ngang qua  để xem tai nạn. Do tránh hai người này nên xe khách đâm thẳng vào đám đông đang xem vụ tai nạn giao thông.

Khi những hình ảnh này được đăng tải lên mạng, nhiều người đã phải thảng thốt rằng: “Đúng là chuyện chỉ có ở ta!”. Thật kỳ lạ bởi họ có thể tụ tập với bất cứ lý do nào. Ban đầu chỉ vài ba người, rồi chỉ trong vài chục phút sẽ lên đến hàng trăm người. Cứ thấy “có chuyện”, dù đang bán hàng, đang cày cuốc, đang rán bánh, đang đi đường, đang chở con đi học…là dừng  lại hỏi “có chuyện gì thế”, “tai nạn à?”, “cháy nhà à”, “có ai chết không?”…Đám đông vì thế cứ ngày một đông dần lên. Đông đến mức chắn hết lối không thể đưa người bị nạn đi cấp cứu được, xe cứu hỏa không thể vào dập cháy được vì “tắc đường”.

Nguy hiểm nếu mọi giá trị chuẩn mực được định hình bởi… đám đông

Lý giải về hiện tượng này, TS tâm lý Nguyễn Kim Quý cho rằng, việc người dân tụ tập để xem tai nạn giao thông, cháy nhà hay xem rà bom mìn…như đã nói ở trên một phần là do tính tò mò, hiếu kỳ, một phần khác là do bị chi phối bởi tâm lý đám đông (hay còn gọi là tâm lý bầy đàn).

Tâm lý đám đông được xem là một dạng tâm lý phổ biến trong xã hội ta lâu nay. Hiện tượng này không phải bây giờ mới có mà xuất hiện từ lâu và cũng là tính xấu của một nhóm người. Hiện tượng đám đông này thường không xuất hiện ở các nước phương Tây, hay gần nhất là Nhật Bản. Thực tế thì người phương Tây có một đặc điểm là họ chỉ làm việc khi người khác yêu cầu. Còn tâm lý đám đông đang xuất hiện ở chúng ta thì nhiều khi họ tập trung ở đó mà không phải việc của mình, không ai yêu cầu, không phải nhiệm vụ nhưng vẫn cứ quan tâm, để ý xem nó là cái gì nhưng chẳng để làm gì.

Vì sao lại có tâm lý đám đông này? Theo TS Nguyễn Kim Quý, sở dĩ số đông này mang nặng tâm lý trên là bởi trong giáo dục thiếu hụt việc dạy dỗ nhân cách, đạo lý. Sẽ rất nguy hiểm nếu mọi giá trị sống được định hình bởi số đông, bởi đám đông. Bởi vì đám đông, số đông có một sức mạnh vô hình, biến mọi giá trị thành “chuẩn mực”. Một hành động tự nó là xấu, nhưng khi có nhiều người làm thì tự nhiên nó bớt xấu đi, thậm chí hành động đó được coi là bình thường. Và một khi được coi là bình thường thì người ta không cần phải áy náy hay bận tâm về “tính luân lý” của hành động đó.

Lấy một ví dụ về việc ăn mặc hở hang. Bản chất của việc ăn mặc hở hang là gợi dục nhưng hiện nay nhiều người mặc như thế, người nổi tiếng cũng như vậy nên việc đó trở thành bình thường. Bố mẹ nếu thấy con cái mặc hở hang, nếu nhắc thì trẻ sẽ nói “ôi dào, bố mẹ đúng là cổ hủ, xung quanh con ai cũng như thế cả”. Và như thế, một việc tự nó là không bình thường đã trở nên bình thường vì nó đã được khẳng định giá trị bởi số đông. Cũng như vậy là những việc không ai muốn xảy ra đang trở thành bình thường như cặp bồ, tình công sở, nịnh hót cấp trên, tham nhũng…

“Con người khi chạy theo đám đông, ảnh hưởng bởi đám đông là con người thụ động. Một xã hội mà con người phần đông sống thụ động thì xã hội đó sẽ khó có những sáng tạo, những phát minh và phát triển. Thậm chí về mặt đời sống xã hội sẽ tồn tại nhiều bất an”, TS Nguyễn Kim Quý nói.

Một hành động tự nó là xấu, nhưng khi có nhiều người làm thì tự nhiên nó bớt xấu đi, thậm chí hành động đó được coi là bình thường. Và một khi được coi là bình thường thì người ta không cần phải áy náy hay bận tâm về “tính luân lý” của hành động đó. 

Theo Mạc Vi (GĐN)