Xử phạt xe không chính chủ: Đi xe của người thân bị xử phạt là không chính xác

Xe không chính chủ là trường hợp mà chủ sở hữu xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe do nhận chuyển nhượng hoặc được cho tặng, thừa kế... đăng ký xe sang tên mình khi được sở hữu hợp pháp.

Thời gian vừa qua, một số thông tin lan truyền cho rằng CSGT sẽ xử phạt những người đi xe không chính chủ, kể cả đi xe mượn, xe thuê,... khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực dẫn đến nhiều người hoang mang, lo lắng.

Để làm rõ những thông tin này, PV Báo Gia đình Việt Nam đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) liên quan đến vấn đề quy định xử phạt đối với hành vi xe không chính chủ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

- Thưa luật sư, trong những ngày vừa qua, nhiều thông tin chia sẻ trên mạng xã hội cho rằng, việc chồng hoặc vợ, người thân trong gia đình đi xe của nhau sẽ bị phạt nặng lỗi xe không chính chủ, điều này có chính xác không?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, khái niệm xe không chính chủ và khái niệm lưu thông xe không chính chủ.

Theo điểm a khoản 4, điểm l khoản 7, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì lỗi “xe không chính chủ” là hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng,..

xu-phat-xe-khong-chinh-chu-di-xe-cua-nguoi-than-bi-xu-phat-la-khong-chinh-xac

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Như vậy, xe không chính chủ là trường hợp mà chủ sở hữu xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe do nhận chuyển nhượng hoặc được cho tặng, thừa kế... đăng ký xe sang tên mình khi được sở hữu hợp pháp.

Hiện tại, chưa có văn bản nào quy định xử phạt đối với việc lưu thông xe không chính chủ, do vậy thông tin trên mạng xã hội cho rằng, việc chồng hoặc vợ, người thân trong gia đình đi xe của nhau sẽ bị phạt nặng lỗi xe không chính chủ, điều này là không chính xác.

- Vậy trong trường hợp nào thì người dân mới bị xử phạt về lỗi điều khiển xe không chính chủ, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Như đã trình bày trên, việc lưu thông xe không chính chủ không bị xử phạt mà việc sở hữu xe không chính chủ mới bị xử phạt.

Việc phát hiện sở hữu xe không chính chủ chưa có văn bản nào quy định thông qua việc kiểm tra của CSGT khi kiểm tra xe lưu thông trên đường, mà theo quy định tại Khoản 10 Điều 80 Nghị định 100: "Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua công tác đăng ký xe".

xu-phat-xe-khong-chinh-chu-di-xe-cua-nguoi-than-bi-xu-phat-la-khong-chinh-xac

 Thông tin về việc chồng hoặc vợ, người thân trong gia đình đi xe của nhau sẽ bị phạt nặng lỗi xe không chính chủ là không chính xác (Ảnh: TL).

Do đó, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe máy, ô tô chỉ bị xử phạt nếu được xác minh để phát hiện hành vi vi phạm trong 02 trường hợp:

- Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông;

- Qua công tác đăng ký xe.

- Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) mới có hiệu lực thì mức xử phạt cho hành vi điều khiển xe không chính chủ có tăng hơn nhiều so với Nghị định 46 được ban hành trước đó. Cụ thể việc xử phạt này thực hiện như thế nào, thưa luật sư?

- Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP mới ban hành với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt tăng hơn so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước đó, mức tăng với xe máy mức phạt tăng lên 03 lần, với ô tô mức phạt tăng lên 02 lần, cụ thể:

Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước đó có mức xử phạt cao nhất đối với xe máy là 200.000 đồng (với cá nhân) 400.000 đồng(với tổ chức). Với ô tô cao nhất là 2.000.000 đồng (cá nhân), 4.000.000 đồng (tổ chức).

Nay Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng lên là mức xử phạt cao nhất đối với xe máy là 600.000 đồng (với cá nhân) 1.200.000 đồng(với tổ chức). Với ô tô cao nhất là 4.000.000 đồng (cá nhân), 8.000.000 đồng (tổ chức).

- Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này!

Theo GiaDinhVietNam