Xử lý ra sao với những trường mạo danh "quốc tế"?

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện tại trên địa bàn có 11 trường quốc tế, sắp tới sẽ công bố danh sách này, số trường không có trong danh sách sẽ không phải là trường quốc tế.

Sau vụ việc học sinh lớp 1 bị tử vong trên xe ô tô buýt của Trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội), lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, trong quy định về thành lập nhà trường hiện nay không có cụm từ "quốc tế" nào. Còn trong quyết định thành lập trường của UBND thành phố thì chỉ có Trường tiểu học Gateway, không có từ "quốc tế".

Trên thực tế, không chỉ trường Gateway, tại Hà Nội thời gian qua xuất hiện khá nhiều trường lấy tên là quốc tế, song thực chất chỉ là trường tư thục. Mục đích gắn mác "quốc tế" là nhằm mục đích thu hút tuyển sinh, mức học phí và các khoản thu khác cũng rất cao.

xu-ly-ra-sao-voi-nhung-truong-mao-danh-quoc-te

Trường Gateway tại Hà Nội thực chất không phải là trường quốc tế. Ảnh: C.Cường

Theo điều 48, Chương II - Luật Giáo dục (có hiệu lực từ 1/7/2019) có quy định, nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau: Trường công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;

Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở gồm tổ chức và cá nhân tại thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, xã, phường, thị trấn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện hoạt động; Trường tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.

Như vậy, luật cũng quy định rõ các trường học hiện nay do nhà nước quản lý (công lập, tư thục) không có trường mang danh quốc tế. Trước việc "lạm phát" tên trường quốc tế, mới đây lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã lên tiếng về vấn đề này.

Cụ thể, theo Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT), trường tự gán mác quốc tế là không đúng so với quy định. Việc đặt tên trường được thực hiện theo quy định sau: Tên trường phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự trường, cấp học hoặc trình độ đào tạo và tên riêng, không vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

UBND cấp có thẩm quyền (theo phân cấp quản lý tương ứng), căn cứ hồ sơ và đề nghị của cơ sở giáo dục để ra quyết định theo quy định. Nếu tên trường trong quyết định cho phép thành lập không có chữ "quốc tế" mà trường tự thêm vào là sai quy định.

Về công tác quản lý các trường quốc tế, chia sẻ với báo chí, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê chính thức, toàn thành phố chỉ có 11 trường quốc tế. Các trường khác là mang yếu tố nước ngoài thì không thể gọi là trường quốc tế.

Tuy nhiên, 11 trường đó là trường nào Sở GD&ĐT vẫn chưa công bố mà chỉ cho biết thông tin sẽ công bố trong thời gian tới, nhằm giúp phụ huynh phân biệt, lựa chọn. Vừa qua, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT - Nguyễn Huy Bằng cũng đã đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế. Qua công tác thanh tra các trường "quốc tế" để nhận diện rõ hơn, quản lý tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục.

Còn theo một số luật sư tại Hà Nội cho rằng, trường hợp trường tư thục tự mạo danh trường quốc tế là hành vi quảng cáo không đúng sự thật, mục đích là tuyển sinh, cũng có thể được coi là lừa dối khách hàng. Các trường mạo danh quốc tế, có thể bị xử phạt theo quy định trong Luật Quảng cáo năm 2012, Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

Theo GiaDinh