WHO cân nhắc nâng mức báo động về virus corona, Hà Nội sẽ khử trùng 3.000 trường học?

WHO đang cân nhắc quyết định xem dịch bệnh do virus corona gây ra có được coi là tình trạng khẩn cấp quốc tế hay không.

5 nhóm biện pháp phòng ngừa virus corona

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa ra thông báo về việc Ủy ban khẩn cấp của tổ chức này sẽ họp kín để quyết định xem dịch bệnh virus corona giờ đây có được coi là tình trạng khẩn cấp quốc tế hay không.

Phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneve, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, trong vài ngày qua, việc chủng virus corona mới khởi phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) lây truyền giữa người với người ở 3 nước Đức, Việt Nam, Nhật Bản là đáng lo ngại và việc này sẽ được các chuyên gia của tổ chức đánh giá khi nhóm họp lần nữa để xem xét liệu có tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.

"Sự gia tăng liên tục trong các trường hợp nhiễm virus corona và có những bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc khiến chúng tôi lo ngại. Mặc dù con số bên ngoài Trung Quốc khá nhỏ, tiềm tàng khả năng bùng phát lớn hơn nhiều. Vì vậy, tôi quyết định sẽ xem xét nhóm họp Uỷ ban khẩn cấp để xem đây có phải là trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu hay không và tham vấn ý kiến của chuyên gia để có các biện pháp để bảo vệ người dân trên toàn thế giới”, ông Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Để bảo vệ bản thân và cộng đồng trong bối cảnh dịch do virus corona đang lan rộng hiện nay, không chỉ WHO, Bộ Y tế Việt Nam cũng khuyến cáo người dân hãy thực hiện theo 5 nhóm biện pháp trong các trường hợp cụ thể.

Nếu có triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở: cần tránh đi lại, du lịch nếu bạn đang có các triệu chứng sốt, ho hoặc khó thở; Đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng kể trên; Chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

Một số lưu ý để phòng, chống lây nhiễm nCoV: Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt hay bị ho; Rửa sạch tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn; Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng.

Sử dụng khẩu trang đúng cách: Khi ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, cuộn tròn khăn giấy và vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa sạch tay ngay lập tức; Khi sử dụng khẩu trang, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi – và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng; Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng 1 lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.

Chủ động tìm đến cơ sở y tế nếu bạn bị ốm: Nếu cảm thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, hãy thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt hoặc ô tô và tìm đến chăm sóc y tế càng sớm càng tốt; Hãy chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

Lưu ý quan trọng để phòng, chống lây nhiễm nCoV: Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết.

who-can-nhac-nang-muc-bao-dong-ve-virus-corona-ha-noi-se-khu-trung-3-000-truong-hoc

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

Sẽ khử trùng 3.000 trường học?

Tại Việt Nam, sáng 30/1, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp ứng phó với bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (nCoV). Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thông tin từ hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến sáng 30/1, thế giới ghi nhận 7.711 trường hợp mắc nCoV, trong đó có 170 trường hợp tử vong.

"Mỗi ngày, số mắc tăng thêm hơn 1.000 trường hợp. Ngoài Trung Quốc, nCoV đã lây lan sang 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới đưa ra cảnh báo dịch ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, cấp độ cao ở khu vực và toàn cầu", báo cáo nêu.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam, tính đến sáng 30/1, ghi nhận hai trường hợp mắc nCoV là hai cha con người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, mắc bệnh tại Nha Trang và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Hiện tại, cả hai bệnh nhân này đều hết sốt, tình trạng sức khoẻ ổn định, một người đã khỏi bệnh với kết quả xét nghiệm lại âm tính với nCoV.

"Còn tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận trường hợp mắc nCoV. Các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng đã cách ly 14 trường hợp nghi ngờ vì có triệu chứng sốt, ho và có tiền sử đi từ vùng dịch về. Hiện tại, sức khoẻ của tất cả các trường hợp này đều ổn định, không có bệnh nhân nặng, ba trường hợp đã khỏi bệnh, hết triệu chứng, một trường hợp có xét nghiệm âm tính với nCoV, các trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm", báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho hay.

Cùng phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trước nguy cơ dịch bệnh nCoV xâm nhập vào thành phố, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, đồng thời triển khai việc áp dụng tờ khai y tế khi nhập cảnh tại cửa khẩu.

Bên cạnh đó, ngành cũng điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại nhà bệnh nhân và các khu vực liên quan của 14 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lập danh sách theo dõi sức khoẻ của 60 người tiếp xúc gần. Hiện tại, tình trạng sức khoẻ của tất cả những người tiếp xúc gần đều ổn định, chưa có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.

Trước tình hình nghiêm trọng này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo chính quyền các phường, xã đi kiểm tra từng nhà hàng trên địa bàn, cấm việc mua bán tất cả động vật hoang dã, nhất là vùng ngoại thành, những vùng đang có lễ hội như chùa Hương. Khuyến cáo người dân đi lễ hội, đình chùa nên đeo khẩu trang.

Sở GD&ĐT phải triệu tập tất cả hiệu trưởng các trường để phổ biến việc rửa tay cho học sinh. Đáng chú ý, ông Chung cũng yêu cầu phun khử trùng cho tất cả 3.000 trường học trên địa bàn với tinh thần “không tiếc gì cả”, do trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. Việc phun khử trùng phải được thực hiện xong trong ngày thứ 7 và chủ nhật này, tranh thủ lúc học sinh nghỉ học.

Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu tất cả các quận, huyện của Hà Nội thành lập tổ kiểm tra các cơ sở có công nhân Trung Quốc đang làm việc (đơn cử công trường nhà máy xử lý rác tại Sóc Sơn), hướng dẫn phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện những trường hợp có biểu hiện bệnh.

Theo VietQ