Vừa mất 254 tỷ tại Eximbank, bà Bình lại mất thêm 280 tỷ đồng

Vừa mất 254 tỷ đồng tiền gửi tại Eximbank, tài sản bà Chu Thị Bình lại bị “bốc hơi” mạnh.

Vneconomy thông tin, kể từ ngày xảy ra vụ việc tại Eximbank, cổ phiếu của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) liên tục giảm điểm.

Trong phiên 26/2, MPC giảm tới 14.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng mất giá 14,45%. Đà giảm tiếp tục trong phiên 27/2 khi cổ phiếu này giảm thêm 2.300 đồng/cổ phiếu, xuống còn 96.000 đồng.

vua-mat-254-ty-tai-eximbank-ba-binh-lai-mat-them-280-ty-dong

 Bà Chu Thị Bình. Ảnh: Dân Trí

Như vậy, MPC đã mất giá 16.000 đồng/cổ phiếu kể từ thông tin người mất 245 tỷ đồng tại Eximbank được tiết lộ là bà Chu Thị Bình, tương ứng vốn hoá của doanh nghiệp này đã "bốc hơi" 1.105 tỷ đồng. Chốt phiên 28/2, vốn hoá của Minh Phú giảm xuống chỉ còn 6.702 tỷ đồng.

Trong cơ cấu cổ đông của Minh Phú, bà Bình đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ và là cổ đông lớn nhất của tập đoàn này. Do đó, tài sản của bà Bình cũng "bốc hơi" gần 280 tỷ đồng còn 1.695 tỷ đồng.

Trước đó, theo Dân Trí, dư luận xôn xao về sự việc bà bà Chu Thị Bình, gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Eximbank bị ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP. HCM lừa đảo 245 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Điều tra bước đầu cho thấy đại gia thủy sản Chu Thị Bình là khách hàng VIP, gửi số tiền tiết kiệm lớn tại chi nhánh Eximbank ở TPHCM.

Giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, sau khi được bà Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, ông Hưng cùng thuộc cấp nhiều lần đến nhà riêng của bà này để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn. Ông Hưng sau đó giả mạo 1 số giấy tờ và tạo các giấy tờ có chữ ký khống của bà Bình để rút tiền từ các số tiết kiệm của bà.

Từ tháng 2-2017, ông Hưng bất ngờ xin nghỉ việc tại Eximbank rồi xuất cảnh ra nước ngoài. Bà Bình nghi ngờ nên đến ngân hàng kiểm tra thì tá hỏa khi phát hiện số tiền hàng trăm tỉ đồng tiết kiệm của mình thất thoát không rõ lý do. Bức xúc, bà Bình đến gặp lãnh đạo Eximbank và gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an.

Lâm Anh (T/h)

Theo VietQ

----------------

Xem thêm:

245 tỷ đồng “bốc hơi” ở Eximbank: Mặt trái của việc làm khách VIP

Luật sư cho rằng trong vụ việc 245 tỷ đồng của khách hàng VIP “biến mất“, ngân hàng Eximbank không thể chối bỏ tư cách pháp nhân có trách nhiệm liên đới đến nhân viên của mình.

Như Dân Việt đã thông tin, ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP.HCM được cho là đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền tiết kiệm của khách hàng rồi bỏ trốn.

Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an đã tiến hành khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phát lệnh truy nã quốc tế đối với bị can này.

Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng cần nhìn vào điểm xuất phát của vụ việc. Đó là, nếu ông Lê Nguyễn Hưng không phải là người của Ngân hàng Eximbank thì khách hàng là bà Chu Thị Bình đã không làm việc, không giao dịch.

“Vì ông Hưng là đại diện của ngân hàng nên bà Bình mới giao dịch. Còn nếu ông Hưng chỉ là một cá nhân quen biết bình thường, tôi cho rằng sẽ không có giao dịch như vậy. Đó là nguồn gốc vấn đề, ngân hàng Eximbank là pháp nhân, còn ông Hưng là người đại diện cho pháp nhân đó” – luật sư Tuấn Anh cho biết.

245 ty dong “boc hoi” o eximbank: mat trai cua viec lam khach vip hinh anh 1

Chứng từ sao kê tài khoản của bà Chu Thị Bình. Ảnh NVCC.

Điều 597 Bộ luật Dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra quy định: Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.

Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Ông Trần Tuấn Anh phân tích thêm: “Quy định pháp luật đã nêu rõ, người của pháp nhân gây ra vụ việc thì pháp nhân phải đứng ra giải quyết. Sau đó, pháp nhân yêu cầu đối tượng gây ra thiệt hại bồi hoàn lại, đấy là nguyên tắc”.

Tuy nhiên, trong vụ việc này có những giao dịch được thực hiện tại nhà, không đến ngân hàng. “Ở đây có sự lẫn lộn giữa giao dịch cá nhân với giao dịch cùng đại diện ngân hàng Eximbank. Nhưng phải khẳng định rằng, chính sách dành cho khách hàng VIP được ngân hàng đưa ra và cá nhân ông Hưng đã lợi dụng để lừa đảo khách hàng” – luật sư Tuấn Anh phân tích.

245 ty dong “boc hoi” o eximbank: mat trai cua viec lam khach vip hinh anh 2

Tiền trong sổ tiết kiệm của bà Bình đã bị rút từ năm 2014. Ảnh NVCC.

Luật sư cũng cho rằng vụ việc đã chỉ ra mặt trái trong việc làm khách hàng VIP của ngân hàng. Cụ thể, khi trở thành khách hàng VIP thì một số thủ tục ngân hàng được phép “làm tắt”. Đây cũng chính là kẽ hở có thể khiến cán bộ ngân hàng lợi dụng trục lợi, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Trong khi đó, luật sư Võ Hồng Nam - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định, nhấn mạnh do hiện nay chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu khi nào bắt được ông Hưng sẽ xử lý sau.

Ở thời điểm này, khách hàng Bình có thể khởi kiện Eximbank yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại về phần tiền mình đã gửi theo Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ Luật tố tụng dân sự 2015.

Tuy nhiên, trả lời báo chí bà Bình cho rằng: “Ngân hàng phải chịu trách nhiệm chứ tôi không ra tòa để đòi tiền của tôi, mà ra tòa là tòa gì ngân hàng phải giải thích. Tôi cho rằng quy trình quản lý tiền gửi của ngân hàng là không hợp lệ, tiền tôi gửi ngân hàng thì ngân hàng phải trả chứ không thể đẩy trách nhiệm sang tòa án”.

Khách hàng Chu Thị Bình gửi tiền tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Đến đầu năm 2017, bà Bình khiếu nại số dư trên sổ tiết kiệm không trùng khớp với số dư thể hiện trên bản gốc các sổ tiết kiệm.

Toàn bộ giao dịch của bà Bình với ngân hàng trước đó đều do ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Eximbank TP.HCM đảm nhiệm.

Theo điều tra của cơ quan công an, ông Hưng đã lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình để làm giả văn bản người được uỷ quyền để rút tiền từ tài khoản của khách hàng. Hành vi của ông Hưng xảy ra từ năm 2014. 

Theo DanViet