Vụ BOT Cai Lậy: “Vũ khí” tiền lẻ hay là biện pháp tự xử sự của người dân?

Câu chuyện lùm xùm xung quanh trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đã kết thúc có hậu. Bộ Giao thông Vận tải vừa có quyết định giảm phí cho người dân, trong đó một số người dân lân cận được miễn phí hoàn toàn.

Tính cả Cai Lậy thì đến nay đã có tổng cộng 7 trạm thu phí BOT buộc phải điều chỉnh phương án thu phí sau khi vấp phải sự phản đối của người dân, trong đó chủ yếu là cánh lái xe.

Còn nhớ, cuối năm 2015, ngay sau khi đưa vào khai thác, trạm BOT Quốc lộ 6, Hoà Bình bị người dân phản đối, dàn hàng chắn ngang lối đi, nhiều lái xe từ chối trả phí.

Đầu năm 2016, một lần nữa tình trạng tương tự lại diễn ra ở dự án BOT cầu Hạc Trì, Phú Thọ.

Trong ngày 2 và 6/4/2017, nhiều tài xế ôtô ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) và thành phố Vinh (Nghệ An) đã dùng tiền mệnh giá 200, 500 và 1.000 đồng để mua vé qua cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thuỷ 2, nhằm phản đối việc nộp phí. Liền sau đó, các dự án BOT cầu Bến Thuỷ, cầu Rác, Quán Hàu liên tục bị người dân căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé để yêu cầu giảm phí...

Và gần đây nhất, đang “nóng” nhất chính là trạm BOT Cai Lậy, Tiền Giang. Thậm chí nhiều lái xe còn thể hiện sự bất hợp tác bằng cách nhét tiền lẻ 200 đồng, 500 đồng vào các chai nhựa, bao ni lông khiến cho việc kiểm đếm mất thời gian, chủ đầu tư đã phải viện đến sự hỗ trợ của lực lượng công an để giải quyết vụ việc.

vu-bot-cai-lay-vu-khi-tien-le-hay-la-bien-phap-tu-xu-su-cua-nguoi-dan

BOT Cai Lậy (Tiền Giang)

 Điều đáng nói ở chỗ: rất nhiều trạm BOT đã “thất thủ” vì tiền lẻ. Tại sao người dân lại sử dụng tiền lẻ vào mục đích giải quyết xung đột lợi ích?

Tôi đem câu hỏi này trao đổi với một chuyên gia giảng dạy về xử lý khủng hoảng truyền thông, vị chuyên gia nói: “Việc trả tiền lẻ được người dân nhận thức là “vũ khí” gây khó khăn cho công việc của nhân viên thu phí, làm tắc nghẽn giao thông và lôi kéo báo chí vào cuộc. Bằng cách đó, họ hi vọng vấn đề lợi ích của mình sẽ được dư luận chú ý và sẽ được giải quyết”.

Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 tại khoản 3 Điều 23 quy định các hành vi bị cấm bao gồm: “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do ngân hàng Nhà nước phát hành”. Như vậy việc người dân trả phí bằng tiền lẻ là không trái luật, không phải hành vi “không được làm”.

Tuy nhiên, ở khía cạnh văn hóa ứng xử, tâm lý tiêu dùng thì đây là hành vi “không nên làm”. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là tiêu tiền lẻ thế nào cho đúng, mà là tiêu tiền lẻ thế nào cho hợp lý. Bởi vì xét đến cùng hành vi dùng tiền lẻ không đúng chỗ của người dân là một loại phản ứng tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nhiều người không liên quan đến chính sách BOT khác.

vu-bot-cai-lay-vu-khi-tien-le-hay-la-bien-phap-tu-xu-su-cua-nguoi-dan

Anh Trương Hữu Danh, một người dân sống tại Long An một ngày phải đi qua BOT Cai Lậy 4 lần đã đổi được hơn 20 triệu tiền lẻ để đối phó với trạm thu phí này (ảnh do nhân vật cung cấp)

 Loại phản ứng tiêu cực này, nói theo cách của chuyên gia nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn An Việt Sơn, là cách mà người dân cho phép mình “tự xử sự” để tranh thủ hiệu ứng tâm lý đám đông vào giải quyết xung đột lợi ích.

Trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin, chuyên gia Nguyễn An Chất nói: “Tự xử sự” là một loại hành vi khá phổ biến trong đời sống hiện nay. Khi người dân thấy bất hợp lý, không biết kêu ai hoặc kêu đơn lẻ không được đáp ứng thì họ sẽ tự xử theo cách tiêu cực và chấp nhận hi sinh lợi ích của người khác như vậy”.

Trở lại câu chuyện của BOT Cai Lậy, tôi thiết nghĩ đành rằng quy hoạch là câu chuyện điều hành, vận hành chính sách công, là một biện pháp quản lý Nhà nước mang tính áp đặt. Song quy hoạch BOT là quy hoạch một loại hàng hóa bán cho dân, nên chăng lắng nghe lợi ích của dân. Nếu lợi ích của người dân được đảm bảo thì sẽ không ai phải “tự xử sự”, và khi đó những hành vi tiêu cực, bột phát kiểu này nên bị tẩy chay trong cộng đồng xã hội.

Minh Minh

Theo Người Đưa Tin