Vớt loài bé tí nổi tiếng đắt đỏ, ngư dân kiếm bạc triệu mỗi chuyến đi săn

Mỗi con tôm hùm giống nhỏ bằng đầu đũa có giá gần 100.000 đồng, ngư dân Quảng Nam có thể kiếm tiền triệu trong một ngày khai thác.

Nhiều năm qua, khu vực rạn, ghềnh đá ở biển Bàn Than (xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) thường có hàng chục ghe thuyền của ngư dân hành nghề đánh bắt tôm hùm con (tôm hùm giống).

vot-loai-be-ti-noi-tieng-dat-do-ngu-dan-kiem-bac-trieu-moi-chuyen-di-san

Ngư dân săn tôm hùm giống ở biển Bàn Than.

Đây là nghề thời vụ, mỗi năm kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch năm sau, đem lại thu nhập khấm khá cho ngư dân.

Từ 6h đến 7h sáng mỗi ngày, ngư dân đưa thuyền đi đánh bắt. Mỗi thuyền thường có khoảng 2-3 ngư dân lặn biển. Họ mang theo các đồ nghề như bộ đồ lặn, bình oxy, mắt kính, dây chì, que tăm sắt để săn tôm giống ẩn nấp trong các rạn đá, san hô.

Tôm hùm giống vừa săn được bỏ trong chai nhựa, thùng xốp có gắn máy sục khí để giữ cho tôm sống.

Các ngư dân hành nghề săn tôm hùm giống cho biết, có 2 phương thức đánh bắt là chong mành và lặn được đánh giá hiệu quả nhất. Ngoài kinh nghiệm tìm vị trí tôm mẹ trú ngụ sinh sản, còn phải canh lúc trời nắng ráo, biển êm để đi săn.

Theo anh Nguyễn Văn Phương (36 tuổi, xã đảo Tam Hải), nghề săn bắt tôm hùm giống cũng là nghề thử thách với ngư dân. Với cách giăng mành, nếu không xác định được vị trí tôm trú ngụ, coi như đêm đó tay trắng trở về.

Còn cách lặn bắt thì khó khăn gấp bội, phải quan sát kỹ khắp các ghềnh đá, hang hốc, vì tôm hùm giống nhỏ như cây tăm, đủ màu sắc, phân biệt được không phải dễ.

Việc lặn lâu dưới nước 2-3 giờ đồng hồ cũng dễ bị ù tai, thủng màng nhĩ, tổn thương phổi. Để khắc phục, cứ lặn sâu xuống dưới 5m, ngư dân lại bịt mũi để khí thoát ra tai.

Thuyền của anh Phương có 2 người hợp sức săn bắt, mỗi ngày cũng tìm được tầm 20-30 con, giá thu mua hiện nay từ 50.000 đến 90.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ một đến vài triệu đồng mỗi chuyến.

"So với mọi năm, năm nay tôm hùm giống xuất hiện ít hơn, do môi trường nước bị ô nhiễm nên tôm hùm bố mẹ ít vào rạn sinh sản, vì vậy số lượng tôm giống săn được cũng giảm đáng kể", anh Phương chia sẻ.

Ở Tam Hải, mỗi hộ gia đình ngư dân đều có ghe thuyền gắn máy. Mùa săn tôm hùm diễn ra trong vài tháng trong năm. Thời gian còn lại, bà con hái rong mơ, đánh bắt cá để mưu sinh.

Tôm hùm giống được bán cho các thương lái và các hộ nuôi tôm thương phẩm ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên.

Giá thu mua tôm hùm giống năm nay giảm hơn 2/3 so với mọi năm, vì nguồn tôm giống nhập từ các nước Philippines, Indonesia về Việt Nam ngày càng phổ biến.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch xã Tam Hải, cho biết hiện nay, toàn xã có hơn 200 hộ dân khai thác tôm hùm giống. Nghề khai thác tôm hùm này chỉ kéo dài vài tháng, mang lại thu nhập cao cho người dân.

"Hàng năm, chính quyền địa phương có ra văn bản thông báo cấm khai thác tôm hùm giống từ đầu tháng 4 đến tháng 7, vì đây là mùa tôm hùm sinh sản", đại diện lãnh đạo xã Tam Hải nói.

Theo GiaDinh