Virus nCoV tấn công bệnh nhân nặng, gây t.ử v.ong ở Việt Nam thế nào?

Khoảng 50% bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi ở nước ta đều liên quan đến chảy máu và t.ử v.ong ngay những ngày đầu tiên.

virus-ncov-tan-cong-benh-nhan-nang-gay-tu-vong-o-viet-nam-the-nao

Ảnh minh họa

Đến đầu giờ chiều ngày 18/7, Việt Nam đã công bố 24 trường hợp tử vong trên tổng số 964 ca mắc Covid-19. Tất cả các bệnh nhân tử vong đều ghi nhận trong giai đoạn mới, kể từ ngày 31/7 đến nay.

Đáng lưu ý, các cơ sở y tế báo cáo vẫn còn khoảng 10 bệnh nhân Covid-19 nặng, tiên lượng xấu.

Là chuyên gia hỗ trợ BV Trung ương Huế cơ sở 2 ngay từ những ngày đầu tiên, theo dõi sát các ca bệnh nặng, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội cho biết, những bệnh nhân mắc các bệnh nền liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu là những bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Đặc biệt các bệnh nhân suy tim, suy thận mạn.

Trên nền các cơ quan suy chức năng, tình trạng mất cân bằng trong cơ thể sẽ xảy ra. Đơn cử, nếu thận suy giảm sẽ khiến tim không ổn định, từ đó có thể gây rối loạn đông máu.

“Khi bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, trong các ngày thứ 7 đến ngày thứ 15 là những ngày virus tấn công mạnh nhất vào các cơ quan.

Gần 50% bệnh nhân không qua khỏi vừa qua đều liên quan đến chảy máu trong phế nang, chảy máu đường tiêu hoá, tiết niệu”

 PGS Hiếu thông tin.

Với bệnh nhân suy thận mạn, tình trạng diễn biến xấu đi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bản thân bệnh nhân ngày thường đã như ngọn nến leo lắt, khi Covid-19 ập đến giống như một cơn bão nên ngọn nến rất dễ tắt. Bệnh nhân thường không qua khỏi ngay trong những ngày đầu tiên mắc bệnh.

Cũng đang trực tiếp “chia lửa” với BV Trung ương Huế, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ thêm, virus SARS-CoV-2 tấn công qua thụ thể trên tế bào có tên gọi ACE2. Vì vậy tất cả tế bào nào mang điểm tiếp nhận ACE2 đều bị virus tấn công.

Tế bào mang thụ thể ACE2 có nhiều ở đường hô hấp, thận, tim, gan, não, mạch máu, vi mạch, thành mạch máu… đây là điểm đích virus tấn công.

Khi bị tấn công vào mạch máu sẽ gây phản ứng, tạo đông máu trong các vi mạch. Nếu đông máu trong các vi mạch phổi dẫn tới suy hô hấp nghiêm trong, nếu đông máu các cơ quan khác sẽ khiến các cơ quan này mất tưới máu, mất chức năng, từ đó dẫn tới hội chứng suy đa phủ tạng.

Theo BS Cấp, bản thân virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể đã gây tổn thương, gây suy đa phủ tạng, nhưng nếu bệnh nhân có bệnh nền như suy thận, suy tim… sẽ nặng hơn rất nhiều.

“Covid-19 có tỉ lệ tử vong nhất định, bệnh nền cũng đã có sẵn tỉ lệ tử vong rất lớn. 2 bệnh nếu phối hợp với nhau khiến tỉ lệ tử vong gia tăng rất nhiều lần”, BS Cấp nhấn mạnh.

BS Cấp cho rằng, vừa qua nhiều bệnh nhân Covid-19 rất nặng, cả ngành y tế, các đoàn thể, các cấp đã cùng cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể cứu sống được. Đây là nỗi đau với cả nhân dân và với ngành y tế…

Thúy Hạnh

Theo Vietnamnet

----

Xem thêm:

Việt Nam xử lý th.i th.ể bệnh nhân Covid-19 như thế nào?

Thi thể bệnh nhân mắc Covid-19 phải được bọc 2 lần vải tẩm dung dịch sát khuẩn và ưu tiên hoả táng càng sớm càng tốt.

Tính đến chiều 16/8, Việt Nam đã ghi nhận 24 bệnh nhân Covid-19 tử vong trên tổng số 962 trường hợp mắc (chiếm 2,4%).

Đến nay, tất cả những trường hợp mắc Covid-19 tử vong tại nước ta đều được hoả táng.

Ths.BS Phạm Xuân Thành, Phó trưởng phòng Quản lý Sức khỏe lao động, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết, nguyên tắc xuyên suốt khi xử lý, vận chuyển thi thể bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 là phải đảm bảo không phát tán nguồn bệnh.

viet-nam-xu-ly-th-i-th-e-benh-nhan-covid-19-nhu-the-nao

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngoài ra, việc xử lý thi thể phải đảm bảo 5 nguyên tắc khác, bao gồm:

Phải chuyển thi thể sang phòng cách ly riêng; Luôn ưu tiên hoả táng, chỉ mai táng khi không thực hiện được hoả táng; Thi phải phải được khâm liệm càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong; Chỉ nhân viên y tế có nhiệm vụ, người nhà được hướng dẫn đầy đủ quy trình phòng ngừa và có trang bị đầy đủ bảo hộ mới được tham gia xử lý, vận chuyển, khâm liệm thi thể; Tất cả chất thải phát sinh trong quá trình xử lý phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.

Trước khi vào xử lý thi thể bệnh nhân mắc Covid-19, nhân viên y tế cần đặt chân vào khay chứa dung dịch diệt khuẩn 5% Clo hoặc đặt chân lên tẩm vải thấm đẫm dung dịch khử khuẩn.

Với thi thể người bệnh, phải dùng bông tẩm dung dịch 5% Clo để nút kín các hốc tự nhiên như mũi, miệng, tai…, sau đó phun dung dịch khử khuẩn lên toàn bộ thi thể hoặc dùng dùng vải liệm được tẩm dung dịch khử khuẩn bọc toàn bộ trước khi bỏ vào túi đựng thi thể và bao ngoài bằng 1 lớp nilon.

Khi khâm liệm, tiếp tục trải 1 lớp nilon đủ lớn dưới đáy quan tài để có thể bao trọn thi thể bệnh nhân. Sau đó đóng kín quan tài, kiểm tra và dán kín toàn bộ các khe hở.

Việc vận chuyển thi thể cần có phương tiện riêng như xe cứu thương, xe tang lễ. Khi vận chuyển, người nhà không được đi cùng.

Trong quá trình vận chuyển, hạn chế vận chuyển thi thể qua nơi đông người. Nếu vận chuyển thi thể bằng thang máy, phải hạn chế tối đa người đi cùng, chỉ những người mang đầy đủ phương tiện bảo hộ mới được đi cùng thang máy.

Bộ Y tế cũng yêu cầu, phải thực hiện hoả táng thi thể nhiễm nCoV trong thời gian sớm nhất.

Trường hợp mai táng, phải chọn nơi đất cao, phải rắc hoá chất khử khuẩn xuống huyệt trước và sau khi đặt quan tài.

Trong suốt quá trình xử lý, vận chuyển thi thể, phải khử khuẩn, tiệt trùng toàn bộ không gian, các vật dụng trong phòng, trên xe. Riêng phòng bệnh, việc tiệt trùng, khử khuẩn phải đảm bảo thời gian tối thiểu 30 phút trước khi xử lý trường hợp khác.

Phương tiện bảo vệ cá nhân của người thực hiện an táng, mai táng cho bệnh nhân phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.

Minh Anh

Theo Vietnamnet

----

Xem thêm:

+20 bệnh nhân Covid-19 đang tiên lượng nặng và nguy kịch

+Bệnh nhân COVID-19 thứ 25 t.ử v.ong ở tuổi 51

----