Vì sao phải đo huyết áp trước khi tiêm vaccine COVID-19?

Trước mỗi can thiệp y tế, thầy thuốc phải đo các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, như mạch, nhiệt độ, huyết áp… Đó là điều bắt buộc - PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng điểm tiêm vaccine COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho hay.

Theo Quyết định 3802 ngày 10/8 của Bộ Y tế ban hành kèm Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, thầy thuốc cần đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch tất cả những người đến tiêm, đếm nhịp thở ở những người có bệnh nền để phát hiện các bất thường về dấu hiệu sống.

Theo đó, người có một trong các bất thường về dấu hiệu sống là khi huyết áp tối thiểu dưới 60 mmHg hoặc trên 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa dưới 90 mmHg hoặc trên 140 mmHg; với người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế có chỉ số huyết áp cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày.

Họ được xếp vào nhóm người phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng tiêm vaccine COVID-19.

Đây là lần thứ 4 Bộ Y tế cập nhật, thay đổi hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine COVID-19. Ở những lần hướng dẫn trước đó, ngoài đo mạch, huyết áp, đếm nhịp thở, thầy thuốc còn phải đo thêm Sp02 và nghe tim, phổi cho người được tiêm.

Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, trước mỗi can thiệp y tế, thầy thuốc phải đo các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, như mạch, nhiệt độ, huyết áp… Việc đo huyết áp nhằm giúp thầy thuốc xem xét người dân có đủ an toàn để tiêm hay không. Những trường hợp có huyết áp quá cao hay quá thấp đều nguy hiểm cho việc tiêm.

Đến nay, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho hàng chục nghìn lượt người. Thực tế, trong quá trình tiêm vaccine ở bệnh viện, có không ít trường hợp huyết áp đo tại thời điểm sàng lọc trước tiêm là 160-170/90 (nghĩa là vượt mức khuyến cáo). Thầy thuốc sẽ yêu cầu người dân ngồi nghỉ 30 phút trước khi đo lại huyết áp sau đó tiến hành tiêm vaccine COVID-19. Người dân cũng được yêu cầu theo dõi sát sao sau tiêm.

"Việc đo huyết áp trước khi tiêm còn là một bước sàng lọc sức khoẻ cộng đồng. 50% người bị tăng huyết áp mà không hề biết mình bị bệnh. Không ít người đến tiêm chủng mũi đầu mới phát hiện mình có dấu hiệu tăng huyết áp, về đi khám thì khẳng định mắc bệnh" – BS Thanh cho biết.

Cũng theo PGS.TS Kim Thanh, chỉ 30% bệnh nhân tăng huyết áp đang uống thuốc mới đạt huyết áp mục tiêu trong điều kiện chuẩn. "Khi vào bệnh viện hoặc trước khi can thiệp y tế, rất khó để những trường hợp này đạt được chuẩn. Do đó, cần linh hoạt trong ứng xử với chỉ số huyết áp 140/90" – BS Thanh cho hay.

vi-sao-phai-do-huyet-ap-truoc-khi-tiem-vaccine-covid-19

Đo huyết áp cho người dân trước khi tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Lê Bảo

Một hiện tượng nữa rất hay gặp khi đi tiêm chủng đó là tăng huyết áp theo "hội chứng áo trắng". Theo BS Thanh, đối tượng này vẫn được tiêm nếu huyết áp đã được quản lý ổn định.

BS lưu ý, người dân nên tìm hiểu thông tin trước khi tiêm; tránh lo lắng; buổi tối trước khi đi tiêm cố gắng ngủ đủ, sâu giấc, nếu cần có thể uống một viên thuốc an thần vào buổi tối ngày hôm trước để giữ cho tinh thần thoải mái.

Với người bệnh đang tăng huyết áp cần lưu ý, phải duy trì thuốc đều đặn trước khi đi tiêm, ngủ đủ giấc, giảm lo lắng. Vào buổi sáng trước khi đi tiêm nên uống luôn viên huyết áp của ngày hôm đó.

"Khi tiêm vaccine xong sẽ có những phản ứng nhất định, do đó, việc kiểm tra, sàng lọc, đo huyết áp trước tiêm là việc nên làm. Mỗi lần đo chỉ tốn từ 3-4 phút, không tốn thời gian, do đó rất cần phải thực hiện", nữ bác sĩ cho hay.

Dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia cập nhật lúc 9h30 sáng 1/9, trong ngày 31/8, có hơn 216.000 mũi vaccine được tiêm, nâng tổng số vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn quốc lên hơn 20,2 triệu mũi, trong đó tiêm 1 mũi là khoảng 2,7 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi.

Theo GiaDinh