Vi khuẩn ăn thịt người quay trở lại Việt Nam khiến nhiều người tử vong

Vi khuẩn ăn thịt người hiện đang quay trở lại Việt Nam và đã khiến cho nhiều người tử vong. Đây là loại vi khuẩn có thể khiến người bệnh tử vong trong vòng 48 tiếng.

Bệnh nhân bị vi khuẩn whitmore tấn công tăng nhanh chóng

PGS. TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết trên báo Vietnamnet, trong 5-10 năm trước đây, BV mới tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc vi khuẩn whitmore, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận tới 20 trường hợp. Riêng tháng 8, có 12 bệnh nhân nhiễm vi khuẩn whitmore nặng, trong đó đã có 4 ca tử vong do vi khuẩn “ăn” nhiều cơ quan trên cơ thể. Hầu hết các bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Mới nhất, Trung tâm điều trị cho trường hợp nữ bệnh nhân quê ở Thanh Hoá bị whitmore ăn cụt cánh mũi. Đây là trường hợp bệnh nhân nữ đầu tiên mắc whitmore. Trước đó, bệnh nhân được tuyến dưới chẩn đoán nhiễm trùng do tụ cầu nhưng khi bác sĩ BV Bạch Mai cấy mủ, phát hiện dương tính với whitmore. Rất may bệnh nhân chỉ tổn thương da ở cánh mũi, chưa tổn thương xương. Sau 2 tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang ăn da non. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất 3 tháng nữa để tránh tái phát vì nếu bị lại, tỉ lệ tử vong rất cao.

vi-khuan-an-thit-nguoi-quay-tro-lai-viet-nam-khien-nhieu-nguoi-tu-vong

 Vi khuẩn ăn thịt người tấn công nhiều người nên thận trọng trong mùa mưa

Trước đó không lâu, các bác sĩ của BV Xanh Pôn, Hà Nội, cũng đã phát hiện và điều trị thành công cho một bệnh nhi 9 tuổi bị nhiễm vi khuẩn whitmore. Bệnh nhi nhập viện vì sốt suốt trong 10 ngày, ba ngày cuối sốt cao liên tục 39-40 độ C, có cơn rét run, đau đầu. Thăm khám ban đầu, các bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi có tình trạng nhiễm khuẩn nặng tuy nhiên không xác định được nguyên nhân, CRP của bệnh nhi lên tới 146.4 mg/l (người bình thường dưới 10).

Đặc biệt, kết quả cấy máu của bệnh nhi sau ba ngày cho âm tính. Ba ngày điều trị bằng kháng sinh, bệnh nhi xuất hiện đau nhẹ vùng lưng, hạn chế trong việc cử động, siêu âm kiểm tra cho thấy ổ dịch vùng xương cùng cụt. Do bệnh nhi có thêm một dấu hiệu tổn thương thần kinh khu trú là tê bì chân bên trái, bác sĩ cho bệnh nhi chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng và ngay lập tức “bắt” được con bệnh. Bác sĩ phát hiện ra khối áp-xe ngoài màng cứng tủy rất lớn từ đốt sống T10 xuống xương cùng S2 cùng với nhiều khối áp-xe lan tỏa trong vùng cơ cạnh sống ngang vị trí thắt lưng - cùng cụt.

ThS, BS Ngô Quang Hùng, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, kết quả cấy mủ sau ba ngày thấy sự tồn tại của cả hai vi khuẩn Gram dương là tụ cầu vàng (S. aureus) và Gram âm là B. pseudomallei (whitmore). Rất may mắn bệnh nhân được phát hiện và phân lập vi khuẩn kịp thời, tránh được những biến chứng và di chứng đáng tiếc".

Vi khuẩn whitmore xuất hiện vào thời điểm nào trong năm?

PGS Cường khuyến cáo, những năm gần đây, số ca bệnh whitmore được báo cáo không ngừng tăng, cao điểm thường tập trung vào mùa mưa từ tháng 7-11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

TS. Trịnh Thành Trung - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Vi Sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc ĐHQGHN là một trong những nhà khoa học có hơn 10 năm nghiên cứu chuyên sâu về vi khuẩn whitmore cho biết thêm, vi khuẩn whitmore là bệnh vùng, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc Australia, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan (gần với miền Trung Việt Nam) được coi là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới.

Tuy là đất nước có tỷ lệ người dân ít mắc bệnh nhất Đông Nam Á, song Singapore - một đất nước không làm nông nghiệp hàng năm số người mắc whitmore là 1,3 người/100.000 dân (tức 13 người/ 1 triệu dân). Đây là một con số biết nói. Còn đối với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, vi khuẩn whitmore không phải là bệnh hiếm gặp như nhiều người đang nghĩ.

Nhiễm vi khuẩn whitmore có nguy cơ tử vong cao 60%

Các chuyên gia cho biết trên báo VOV, whitmore do vi khuẩn gram âm B. pseudomallei (hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) gây ra. Khi vào cơ thể, vi khuẩn này sẽ tấn công nhiều cơ quan, dẫn đến suy đa tạng rồi sốc, tử vong.

Khi nhiễm vi khuẩn whitmore, thông thường, 40-60% bệnh nhân mắc whitmore sẽ tử vong. Tỉ lệ tử vong sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn. Đặc biệt trên những bệnh nhân có sắc các bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, bệnh thận mãn tính... thì nguy cơ bị tổn thương phổi, thận, gan... càng lớn, nguy cơ tử vong càng cao.

Whitmore không phải bệnh mới và hiếm gặp mà bị "bỏ quên" trong cộng đồng. Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936.

Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn. Căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Đáng lưu ý, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...Theo đó, người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: Sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... nên cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán sớm.

Ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh whitmore, việc điều trị cũng hết sức khó khăn. Bệnh nhân thường phải dùng kháng sinh tấn công liều cao (6-8g Ceftazidim/ngày truyền tĩnh mạch) kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỉ lệ tử vong do whitmore cao.

Theo VietQ