Vào khách sạn ôm nhau cho đỡ rét: Run rẩy với các kiểu chống đỡ

Thầy cô ở Lạng Sơn bị phát hiện "cởi quần áo cho nhau" trong khách sạn. Họ giải thích: “ôm nhau cho đỡ rét”.

Khiếp thật! Chuyện này chẳng khác nào có vị phụ trách công tác phòng chống mại dâm đã rất hùng hồn trên bục phát biểu:“Đồ Sơn không có mại dâm". Rồi một vị quan chức tỉnh Yên Bái xây biệt phủ nguy nga, tráng lệ, giải thích nguồn thu nhập của mình là:“ buôn chổi đót”.

“Đỉnh hơn” vị nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng ôm cháu bé trong thang máy bị camera ghi lại đã không ngần ngại cho rằng: “thấy cháu dễ thương quá nên "nựng". Trước đó, một công an đánh tím mặt một người dân lại thản nhiên lý giải và định nghĩa hành động đó là “gạt tay trúng mặt”...

Chuyện cứ tưởng trích ra từ các tiểu phẩm hài. Từ đâu mà những người này nghĩ thiên hạ ngu dốt, và dễ tin đến vậy? Tác giả của những lời giải thích gây cười làm nóng cộng đồng mạng ấy lại là những người có vai vế trong xã hội!

vao-khach-san-om-nhau-cho-do-ret-run-ray-voi-cac-kieu-chong-do

Hai thầy cô ở Lạng Sơn vào khách sạn "ôm nhau cho đỡ rét" (Ảnh minh họa)

Câu chuyện mới nhất là hai thầy cô ở Lạng Sơn vào khách sạn “ôm nhau cho đỡ rét” là điển hình cho kiểu giải thích khó đỡ nhất mà trước đó không ít người khi rơi vào tình huống bị dồn vào chân tường thốt ra để mong tự cứu mình. Nó là biểu hiện của thói chống chế, ngụy biện, mà cái nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ lỗ hổng của giáo dục gia đình, giáo dục trường học và sự lỏng lẻo của pháp luật.

Cũng một loại na ná, nhưng ở “đẳng cấp trơ trẽn hơn” là một ông hiệu trưởng ở Phú Thọ ra rả phát biểu tuyên truyền chống xâm hại tình dục trẻ em nhưng sau đó bị phát hiện xâm hại nhiều học sinh của mình. Cũng nhức nhối hơn là câu chuyện những người có vị thế trong xã hội ở Sơn La đã dùng lợi thế công tác của mình để nâng điểm cho con, cướp cơ hội của người học thật. Và điều này đã sản sinh một thủ khoa nâng điểm lên báo tuyên bố "em tự tin với điểm của mình"...

Nói dối nổi, nói dối chìm, đủ cả!

Thật thà còn chẳng ăn ai. Nếu sai lầm thì cách nhanh nhất là thẳng thắn xin lỗi và có hướng khắc phục. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Dư luận khắt khe nhưng cũng đầy độ lượng với những người biết sám hối, sửa chữa. Sống trên đời này, có ai mà không sai. Chân lý còn tương đối mà! Chỉ cần một sự chân thành và dũng cảm mà thôi!

Có thể thông cảm cho một sự chống chế nào đó, trong một hoàn cảnh rối trí, cấp bách. Sự giải thích cũng giống phản vệ tức thì giống như nóng quá thì rụt tay. Nhưng nó phải ở mức chấp nhận được, chứ không thể là “vào khách sạn ôm nhau cho đỡ rét”, thì không ai đỡ nổi cả!

Sự dối trá đang có ở trong những con người, những môi trường mà chúng ta tin tưởng nhất. “Bệnh” nói dối đang lây lan, cần phải có thuốc đặc trị, khoanh vùng, dập dịch. Đó là những giải pháp căn cơ về giáo dục và sự nghiêm trị của pháp luật với những kẻ làm sai nhưng giải thích một cách trơ trẽn, không biết xấu hổ, không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự ăn năn.

Theo GiaDinhVietNam