Tương ớt Chin-su bị thu hồi: Chất nào ăn quá nhiều cũng nguy hiểm

TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, acid benzoic nằm trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm mà Việt Nam cho phép, chỉ có dùng vượt ngưỡng mới độc hại.

“Acid benzoic là phụ gia rất phổ thông, được phép cho vào thực phẩm nhằm chống mốc, chống thối, không có phụ gia này thì thực phẩm sẽ rất nhanh hỏng. Do đó, việc cho phụ gia này đúng theo hàm lượng cho phép thì không có gì không tốt”, TS Đáng nói.

Về việc một số chuyên gia thực phẩm nói nếu dùng acid benzoic quá nhiều sẽ gây nguy cơ về sức khỏe như gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày, TS Đáng khẳng định: “Bất kể thực phẩm gì, kể cả đại bổ, siêu sạch như quả trứng, miếng thịt mà dùng nhiều đều có hại cho sức khỏe hoặc cấp tính hoặc tích tụ thành bệnh mãn tính. Do đó, việc xem thực phẩm đó có sạch, có lợi cho sức khỏe hay không còn phải dựa vào việc xem xét phụ gia được sử dụng có được phép hay không, có đúng hàm lượng hay chưa”.

tuong-ot-chin-su-bi-thu-hoi-chat-nao-an-qua-nhieu-cung-nguy-hiem

Theo TS Đáng, không chỉ quy định về acid benzoic Việt Nam cho phép, Nhật Bản không cho phép mà nhiều tiêu chuẩn khác về thực phẩm cũng có các quy định khác nhau giữa các nước.  

Trước đó, 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản, với lý do tương ớt đã cho acid benzoic – phụ gia không được phép cho vào tương ớt ở Nhật. Đại diện công ty sản xuất tương ớt Chin-su, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan cho biết: “Đây là lô thực phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam”.

Về việc này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, cơ quan này đang làm rõ vụ việc, đặc biệt về nguyên nhân thu hồi và nguồn gốc hàng hóa. Ông Phong nói thêm, acid benzoic có trong danh mục phụ gia bảo quản thực phẩm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên. 

Hiện nay, Việt Nam và 186 nước khác đang sử dụng phụ gia thực phẩm theo Tiêu chuẩn chung của Codex (Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc). Dù là tiêu chuẩn chung nhưng cũng có nhiều phụ gia thực phẩm nước này cấm, nước kia không.

Về vấn đề này, PGS –TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng cho rằng, acid benzoic được phép cho vào thực phẩm ở Việt Nam, quan trọng là thực phẩm đó có cho quá hàm lượng cho phép hay không. Theo PGS Thịnh, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc có cho phép sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm.

Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1g/1 lít, 1g/1kg. Trong tương ớt Chin-su chỉ ở mức 0,41 - 0,45g/kg, thấp hơn tiêu chuẩn tối đa cho phép gấp nhiều lần.

PGS Thịnh phân tích thêm, đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. 1 người nặng 60kg thì ăn 360mg mới có khả năng bị độc. Như vậy, với nồng độ acid benzoic có trong tương ớt Chin-su, phải ăn cả lít tương ớt mới có nguy hiểm.

Theo DanViet