Túi nilon, đồ nhựa một lần 'bủa vây' người dùng: Lợi trước mắt, hại lâu dài

Túi nilon, đồ nhựa dùng một lần có thành phần gây ức chế hệ thống miễn dịch, lan truyền độc tố… nhưng nó vẫn đang là thói quen của nhiều người.

Đồ nhựa một lần bủa vây người dùng

Các sản phẩm túi nilon, đồ nhựa sử dụng một lần từ lâu đã “xâm chiếm” thói quen của đại đa số người tiêu dùng. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 bao nilon/ngày, bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ...

Trong khi đó, báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và bao nilon. Mỗi ngày Thủ đô Hà Nội thải ra từ 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7-8%.

tui-nilon-do-nhua-mot-lan-bua-vay-nguoi-dung-loi-truoc-mat-hai-lau-dai

Đồ nhựa dùng một lần trở nên phổ biến, bất chấp những cảnh báo về nguy cơ gây hại cho sức khỏe của các sản phẩm này mang lại cho người dùng. 

Ở bất cứ đâu, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy hình ảnh các loại đồ dùng nhựa, túi nilon nhựa, nhưng nhiều nhất chắc chắn phải là các khu chợ. Quan sát tại khu chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), la liệt hàng quán bán đồ thực phẩm. Điều đáng nói, gần như 100% các loại thực phẩm này được đựng bằng túi nilon hoặc đồ nhựa, cho dù là thức ăn vừa chế biến hoặc thực phẩm như rau, trái cây hay gạo…

Trong khi đó, các quán đồ ăn nhanh, cà phê hoặc đồ ăn vặt, tình trạng đồ nhựa dùng một lần thay thế đồ thủy tinh, sứ đang trở nên phổ biến. Ghé một cửa hàng đồ ăn nhanh trên đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội), theo ghi nhận của PV, hầu hết các loại thức ăn đều được đựng bằng đồ nhựa một lần. Ngay cả khi khách hàng ăn tại cửa hàng vẫn sử dụng đĩa nhựa dùng một lần, ống hút, túi đựng gia vị tương cà, tương ớt…

Đặt câu hỏi với nhân viên tên Quyên tại sao không dùng bát đĩa sứ, cốc sứ cho khách hàng ở lại cửa hàng, nhân viên này tỏ vẻ ngạc nhiên: “Đồ dùng một lần vừa tiện lợi lại sạch sẽ, khách hàng khỏi lo nhân viên rửa không sạch mà chúng em cũng đỡ tốn công rửa chén bát”.

Hiện các sản phẩm như túi nilon, đồ nhựa dùng một lần được bán phổ biến tại các siêu thị, chợ truyền thống. Với giá phải chăng, các sản phẩm này rất được lòng người tiêu dùng vì sự tiện lợi của chúng.

Tiện nhưng không lợi

Thói quen sử dụng túi nilon, nhựa tái chế gây ra những hậu quả nghiêm trọng cả với người sử dụng lẫn môi trường sống. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tuổi thọ phân hủy của từng sản phẩm như ly tách nhựa 50 năm, chai nhựa 450 năm, bao bì nhựa có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

tui-nilon-do-nhua-mot-lan-bua-vay-nguoi-dung-loi-truoc-mat-hai-lau-dai

Nhiều nước trên thế giới đã có những giải pháp ngăn chặn đồ nhựa trong đời sống tiêu dùng của người dân. 

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna (Áo) cho hay, các vi hạt nhựa có trong vật dụng sử dụng một lần hoặc túi nilon khi đi vào cơ thể con người có thể gây ức chế hệ thống miễn dịch, lan truyền độc tố, vi khuẩn và các loại virút có hại cho sức khỏe.

Cũng theo nghiên cứu này, trong ruột con người phát hiện từ 5 - 9 loại vi hạt nhựa. Có thể không gây ra hậu quả nhãn tiền, nhưng về lâu dài đây là mầm mống gây ra những căn bệnh ung thư vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy, giữa tháng 10 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật cấm các đồ nhựa dùng một lần trên toàn lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU) với sự đồng thuận rất lớn từ các quốc gia thành viên.

Trong khi đó, tại Việt Nam, tình trạng sử dụng túi nilon hay đồ nhựa một lần đang trở nên vô cùng bức thiết. Ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết: “Ở Việt Nam cũng đã có những cuộc vận động, khuyến cáo hạn chế sử dụng túi nilon, bao bì nhựa như ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, đồ uống dùng liền. Và với bao bì đựng thực phẩm có nguy cơ sản xuất từ loại nhựa kém chất lượng hay không đảm bảo thì việc giảm sử dụng cũng đồng nghĩa giảm tác hại tới sức khỏe người tiêu dùng”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (trường Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, các loại bao bì nhựa dẻo chủ yếu chứa hóa chất cao phân tử như PVC (polyvinyl clorur), PE (polyethylen)... Để đúc khuôn tạo dáng cho các bao bì này người ta phải thêm chất hóa dẻo (plasticizer) là các hóa chất có cấu trúc tương tự tạo thành nhóm gọi là các "dẫn chất phthalate".

Các dẫn chất phthalate vào trong cơ thể gây hại nhiều mặt nhưng cái hại lớn nhất là làm xáo trộn nội tiết hay phá vỡ nội tiết. Đặc biệt, bé gái bị nhiễm phthalate sẽ dậy thì sớm trước tuổi. Trong một nền nhiệt độ nhất định, các loại vi hạt nhựa có thể bị phá vỡ cấu trúc, tạo ra chất mới không hề có lợi cho sức khỏe con người.

Theo VietQ