Từ vụ người đàn ông suýt mất mạng vì ngộ độc thạch tín: Loại chất kịch độc này có ở những đâu?

Thạch tín (asen) hầu như có mặt trong các loại thực phẩm con người ăn hàng ngày và trong bầu không khí chúng ta vẫn hít thở. Thạch tín đi vào vào cơ thể con người qua 3 đường chính là hô hấp, tiêu hóa và qua da. Khi vượt ngưỡng an toàn, thạch tín sẽ gây độc cho cơ thể.

Mới đây, việc một người đàn ông trung niên suýt mất mạng vì bị từ thói quen xông nhà bằng thuốc bắc đã khiến nhiều người lo ngại.

Theo đó, bệnh nhân làm nghề xây dựng và kinh doanh nhà xây sẵn nên thường có thói quen xông nhà mới bằng thuốc bắc với hy vọng mang "vượng khí" cho gia chủ mới.

Tuy nhiên, suốt một thời gian dài thực hiện, người đàn ông này bị sốt, không ăn uống được, nôn ói, chân tay ngày càng yếu, không thể di chuyển.

tu-vu-nguoi-dan-ong-suyt-mat-mang-vi-ngo-doc-thach-tin-loai-chat-kich-doc-nay-co-o-nhung-dau

Người bệnh bị ngộ độc thạch tín vì thói quen xông nhà bằng thuốc bắc. Ảnh: TL

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bệnh nhân được xác định nhiễm độc thạch tín ở mức độ nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng, xơ gan, suy dinh dưỡng, nguy hiểm đến tính mạng.

Thạch tín tồn tại ở những đâu?

Theo TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội Cơ xương khớp (Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM), thạch tín là tên gọi thông thường của asen - một kim loại nặng, có 2 dạng là asen hữu cơ và asen vô cơ.

Độc tính của asen vô cơ cao gấp 4 lần thuỷ ngân, được công nhận là các chất gây ung thư hàng đầu. Asen và các hợp chất của asen được sử dụng làm thuốc trừ dịch sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim.

Cũng từng đề cập đến loại kim loại nặng này, PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) cho biết, asen hầu như có mặt trong các loại thực phẩm con người ăn hàng ngày và trong bầu không khí chúng ta vẫn hít thở.

Asen hữu cơ tồn tại trong gạo, thịt, sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, cá, các loại hải sản. Asen có trong các loại này thường không độc và bài tiết qua nước tiểu 48h sau khi ăn.

Tuy nhiên, với loại asen vô cơ, thường có trong nước ngầm, tích tụ trong đất đá lại là nguồn nguy hiểm. Do đó, việc sử dụng nước ngầm (không qua hệ thống lọc) để ăn uống, sinh hoạt là việc rất nguy hiểm.

Biểu hiện khi ngộ độc thạch tín

tu-vu-nguoi-dan-ong-suyt-mat-mang-vi-ngo-doc-thach-tin-loai-chat-kich-doc-nay-co-o-nhung-dau

Theo các chuyên gia, sử dụng nguồn nước ngầm trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ nhiễm độc asen. Ảnh minh họa

Theo BS Ngọc, thạch tín đi vào vào cơ thể con người qua 3 đường chính là: Hô hấp, tiêu hóa và qua da. Ở mức độ bình thường, mỗi ngày chúng ta đều nạp vào cơ thể một lượng asen nhất định nhưng liều lượng cực kỳ thấp và được bài tiết qua nước tiểu nên không gây ra bất kỳ tác động ngộ độc cấp tính nào đối với cơ thể.

Việc ăn uống những thực phẩm chứa asen như trên vẫn an toàn cho sức khỏe. Điều quan trọng nhất là cần khống chế lượng asen độc từ nước ngầm và tránh để cơ thể nhiễm asen quá cao (thường xuyên ăn những thực phẩm nhiễm asen trong một thời gian dài). 

Khi cơ thể con người bị nhiễm độc asen cấp tính sẽ có triệu chứng giống bệnh tả, xuất hiện rất nhanh, ngay sau khi ăn phải lượng asen lớn. Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: Nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt chuyển sang thâm tím, bí tiểu và tử vong sau 24 giờ.

Đối với những người bị nhiễm độc asen mãn tính, xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ asen trong thời gian dài thì sẽ có các biểu hiện như:

- Xuất hiện các mảng dày sừng: Trên lòng bàn tay, bàn chân nổi lên các sẩn giống như mụn cơm, lan rộng thành mảng. Chúng thường mọc đối xứng hai bên, đôi khi xuất hiện cả ở lưng, bụng, đùi, cẳng chân, cánh tay. Da vùng này vàng, có thể có vết nứt nẻ.

- Tê buốt đầu ngón tay ngón chân: Là biểu hiện tắc mạnh đầu chi. Từ tê, bệnh nhân dần cảm thấy đau buốt. Do thiếu máu, các ngón có thể bị hoại tử.

- Các biểu hiện khác bao gồm: Sạm da từng đám lan tỏa, rụng tóc nhiều, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sảy thai...

Do đó, để phòng ngừa nhiễm độc asen, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên sử dụng nguồn nước đảm bảo an toàn, không dùng nước ngầm trực tiếp để đun nấu, sinh hoạt; không tự ý dùng các loại thuốc, dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần.

Khi phát hiện những biểu hiện nghi ngờ bệnh, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo GiaDinh