Từ vụ bố say rượu đâm chết con đến tấn bi kịch trong những gia đình luôn bị "ma men" ám

Vì rượu mà nhiều gia đình đã tan vỡ mỗi người một nơi, những đứa trẻ phải lớn lên trong nỗi ám ảnh. Cũng vì rượu mà những người thân, máu mủ ruột thịt có thể nhẫn tâm sát hại lẫn nhau để rồi mang nỗi ân hận suốt cuộc đời.

Những ngày qua, câu chuyện ông bố ở Hải Phòng trong lúc say rượu đã không kiểm soát được hành vi của mình mà ra tay đâm chết cậu con trai 15 tuổi trong cơn thịnh nộ khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng.

Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng trên và chưa rõ trước đó, giữa hai bố con nạn nhân đã xảy ra mâu thuẫn, xích mích lớn đến mức nào nhưng có một sự thật là, ông bố đã đâm con khi trong người đang có men say.

Nói như vậy không có nghĩa đổ lỗi hoàn toàn cho "ma men" để biện minh cho hành vi giết người của ông bố nhưng rõ ràng, nếu hôm ấy ông không say rượu, có lẽ, bi kịch đã không xảy ra.

tu-vu-bo-say-ruou-dam-chet-con-den-tan-bi-kich-trong-nhung-gia-dinh-luon-bi-ma-men-am

Rượu khiến con người mất kiểm soát, là tác nhân phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình. Tranh minh họa

Sự việc trên một lần nữa là hồi chuông cảnh báo về tác hại của việc lạm dụng bia rượu để lại nhiều hậu quả không mong muốn. Trước đó, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong bữa nhậu, một người đàn ông quê Vĩnh Long đã dùng dao đâm chết anh vợ của mình dẫn đến hậu quả người chết, kẻ vào tù.

Hay chỉ vì ghen tuông mất hết lý trí, cộng với việc sẵn có hơi men trong người, một thanh niên trẻ đã vướng vòng lao lý khi ra tay giết chết người tình của người yêu… Và còn rất nhiều những vụ án mà hành vi phạm tội được gây ra khi có rượu bia là chất xúc tác.

Những vụ án này xảy ra và đã được pháp luật giải quyết một cách nghiêm minh. Tuy nhiên, trên khía cạnh gia đình, hiện nay, vẫn còn những vụ án "ngầm" với những con "ma men" đang âm thầm gặm nhấm, phá vỡ hạnh phúc trong mỗi gia đình nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.

Đó là bi kịch của những người vợ, người con và những người thân sống với những "con sâu rượu". Họ không chỉ phải gánh chịu những nỗi đau về mặt thể xác do rượu gây nên mà còn bị đầu độc về mặt tinh thần.

Có người vợ dù còn rất trẻ nhưng phải bất lực tìm đến chuyên gia tâm lý để tìm cách tháo gỡ, tìm lối thoát cho cuộc hôn nhân với người chồng ham nhậu nhẹt khi gần như ngày nào chồng cô cũng trở về nhà trong bộ dạng nồng nặc mùi rượu.

Chồng cô lấy lý do vì công việc, vì xã giao nên phải uống nhưng thực chất, đó chỉ là ngụy biện cho tính la cà, thích ăn nhậu của anh ta. Tuy nhiên, điều khiến cô sợ nhất là khi có hơi men, chồng cô như trở thành một con người khác, không còn hiền lành, yêu thương cô như bình thường mà sẵn sàng nổi khùng khi vợ có chút càm ràm, thậm chí, không ít lần "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ và đập phá đồ đạc trong nhà.

Nhiều lần muốn kết thúc cuộc hôn nhân bế tắc ấy nhưng vì đứa con còn quá nhỏ, cô lại nuốt nước mắt chịu đựng nhưng thực tình, cô thấy cuộc sống bí bách, không hề còn hạnh phúc.

Cũng có những ông chồng vì bất mãn cuộc sống nên mượn rượu để "giải sầu". Nhưng khi đã lâng lâng, họ lại tìm cách trút giận lên người khác. Và không ai khác, người phải chịu những cơn cuồng phong, thịnh nộ ấy lại chính là những người vợ, những đứa con thơ của chính họ.

Tôi biết một trường hợp, dù đã ngoài 40 tuổi nhưng ông bị người ta gọi là "thằng nát rượu". Người ta bảo, ông "nát" vì bà vợ đẻ toàn con gái, khiến mỗi lần đi ăn cỗ trong xóm, ngoài làng, ông phải ngồi mâm dưới vì bị dè bỉu không có con trai.

Vậy nên, ông quy chụp không biết đẻ con trai là lỗi của vợ và coi bà như kẻ thù của mình. Đi ăn cỗ về, việc đầu tiên ông làm là lôi vợ ra để… trả thù. Trong cơn say, ông trở thành một con thú hoang, đánh đập bà vợ một cách dã man.

Rồi khi ở nhà, không có việc gì làm, ông lại lôi rượu ra uống. Ban đầu, ông rót vào chén, sau rồi chuyển sang tu cả chai, vừa uống vừa mắng nhiếc, chì chiết vợ con. Khi rượu đã ngấm, ông lại lôi vợ ra để… giải rượu. Ông đấm, ông đá, ông đạp vợ mình.

Còn những đứa con của ông lúc nào cũng trong tình trạng sợ hãi, người co rúm lại mỗi khi bố bị "ma men" ám. Và có lẽ, hình ảnh một ông bố hung dữ, giọng lè nhè say, quát tháo, đánh đập vợ con sẽ là nỗi ám ảnh đối với họ suốt cuộc đời.

Chắc hẳn, trong mỗi chúng ta, nhất là các chị em phụ nữ đã từng là nạn nhân của rượu. Liệu rằng, hạnh phúc có thực sự tồn tại trong những gia đình có người "nát rượu"? Hay đó là những quả bom nổ chậm, là tấn bi kịch không lối thoát?

Theo GiaDinh