Từ ngày 15/1/2020 người dân được ghi âm, ghi hình khi lực lượng công an làm việc

Từ ngày 15/1/2020, Thông tư 67/2019 của Bộ Công an chính thức có hiệu lực quy định người dân có quyền giám sát lực lượng công an trong công tác bảo đảm trật tự ATGT theo 5 cách.

Chia sẻ về quy định mới này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết Thông tư 67/2019 của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự ATGT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2020 đang được người dân mong chờ nhất trong thời gian qua.

"Mặc dù đã có những ý kiến khác nhau, chủ yếu liên quan đến việc người dân thực thi quyền giám sát qua hình thức ghi âm, ghi hình CSGT nhưng qua nhiều lần dự thảo, trên cơ sở ý kiến của nhân dân và các quy định của Pháp luật, Bộ Công an đã thông qua quy định về hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp của người dân đối với lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Quy định giám sát này đã thể hiện sự dân chủ trong hoạt động thực thi pháp luật, góp phần minh bạch việc xử lý các vi phạm, ngăn ngừa các tiêu cực", luật sư Thơm đánh giá.

tu-ngay-15-1-2020-nguoi-dan-duoc-ghi-am-ghi-hinh-khi-luc-luong-cong-an-lam-viec

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 67/2019 có 05 hình thức giám sát của người dân, trong đó đáng chú ý tại Khoản 5 có quy định Nhân dân giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, với quy định này được hiểu người dân được quyền giám sát bằng hình thức ghi âm, ghi hình nhưng phải theo quy định của pháp luật và không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, người dân khi thực hiện hiện quyền giám sát này cũng phải lưu ý những vấn đề sau:

Về địa điểm quay phim phải thực hiện theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG ngày 6/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về khu vực, địa điểm cấm, gồm các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân....

Việc ghi âm ghi hình phải được thực hiện ngoài khu vực bảo đảm trật tự ATGT. Khu vực đảm bảo ATGT được xác định là nơi giới hạn bằng cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng để cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT và ANTT.

Khu vực bảo đảm trật tự ATGT phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. Ví dụ ở những nơi có chăng dây mà lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng CA khi có xảy ra các vụ việc liên quan đến ANTT hoặc phòng chống cháy nổ,…

Khi người dân ghi âm ghi hình phải đảm bảo an toàn đến bản thân mình và không làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác.

Khi người dân thực hiện việc ghi âm, ghi hình nhưng cũng phải có văn hóa, như không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT hoặc cản trở nhiệm vụ khi truy bắt tội phạm.

Người dân cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình đảm bảo trung thực, khách quan, chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật.

tu-ngay-15-1-2020-nguoi-dan-duoc-ghi-am-ghi-hinh-khi-luc-luong-cong-an-lam-viec

Theo quy định người dân có thể giám sát CSGT thể hiện sự dân chủ trong hoạt động thực thi pháp luật (Ảnh minh họa)

Trong trường hợp mà người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, cắt dán, chỉnh sửa, đưa ra các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì sẽ bị xử lý theo Luật An ninh mạng.

Tùy theo tính chất mức độ, động cơ, mục đích sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP (quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội vu khống (Điều 156 BLHS), tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS), tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 BLHS).

Điều 11 trong Thông tư số 67/2019 của Bộ Công an quy định về Hình thức giám sát của Nhân dân cụ thể như sau:

1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật.

3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ.

4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ;

b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông);

c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo GiaDinhVietNam