Trường học ngoài công lập: Tìm cách trả lương giáo viên, mong được giảm tiền thuê địa điểm

Học sinh nghỉ học đã gần 2 tháng và có thể kéo dài hơn nữa, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng tìm cách vượt qua khó khăn để chi hỗ trợ lương giáo viên, nhân viên. Dịp này, phần lớn cơ sở tư nhân đều mong chờ được giảm giá thuê mặt bằng để có thể hoạt động trở lại.

truong-hoc-ngoai-cong-lap-tim-cach-tra-luong-giao-vien-mong-duoc-giam-tien-thue-dia-diem

Thời gian học sinh nghỉ học, nhiều cơ sở giáo dục tư thục vẫn bố trí giáo viên trực, vệ sinh trường lớp. Ảnh: T.S

Cố gắng trả lương giáo viên

Từ thời điểm ra Tết đến nay, các trường học tại Hà Nội đã tạm ngừng hoạt động khi học sinh được nghỉ học đến hết ngày 5/4 vì dịch COVID-19, khoảng thời gian này với nhiều trường học đã đẩy mạnh hoạt động dạy học online, học qua truyền hình. Tuy nhiên, đối với các trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập, thời gian tạm nghỉ đồng nghĩa với việc vẫn phải vừa lo hỗ trợ lương cho giáo viên, vừa phải thanh toán các khoản chi phí như điện, nước, tiền thuê mướn mặt bằng với số tiền lớn.

Mới đây, cộng đồng mạng lan truyền bức thư của thầy Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Marie Curie Hà Nội, thông báo sẽ trả 100% lương tháng 2, tháng 3 cho giáo viên, nhân viên nhà trường dù không có khoản thu khi học sinh nghỉ học để phòng COVID-19. Thông tin làm nhiều người xúc động, bởi trong khi trường không có nguồn thu vì học sinh nghỉ học, không những chi trả tiền lương, thầy Hiệu trưởng còn bày tỏ niềm lạc quan khi động viên, khích lệ giáo viên, học sinh trong trường tiếp tục giảng dạy theo hình thức trực tuyến.

Trên thực tế, đối với các trường ngoài công lập, việc học sinh nghỉ học 2 tháng vừa qua, đồng nghĩa với việc trường bị ảnh hưởng nhiều về nguồn thu, trong khi vẫn phải cố gắng để hỗ trợ giáo viên, nhân viên. Chị N.T.Thanh, chủ 2 cơ sở mầm non tư thục có quy mô khá lớn tại 2 quận Cầu Giấy và quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, từ khi bắt đầu đợt nghỉ đến nay, cuối tuần nào các cô cũng đến trường làm vệ sinh và mong muốn lớn nhất là cơ sở vật chất sạch sẽ, an toàn để đón học sinh đi học trở lại. Nhưng đợt nghỉ này kéo dài hai tháng, cũng là chừng đó những lo toan để tìm cách duy trì cơ sở.

"Ra Tết, toàn trường nghỉ đến nay, không có khoản thu học phí, trường cũng gặp nhiều khó khăn, nhà trường vẫn duy trì hỗ trợ 50% lương cho giáo viên, nhân viên (3 - 5 triệu đồng/người), thay phiên nhau đi làm 5 buổi/tháng. Mức thuê mặt bằng lên đến 100 triệu đồng/tháng mỗi cơ sở và thực hiện trả 6 tháng một lần. Hiện tại, tôi cũng đã làm đơn xin giảm giá thuê mặt bằng tới các chủ đầu tư cho thuê mặt bằng, song đến nay họ vẫn chưa có quyết định giảm mà nói là đang trình lên công ty xem xét, vì giai đoạn này công ty "mẹ" cũng đang khó khăn. Chúng tôi giờ chỉ biết động viên giáo viên, nhân viên cố gắng để đến khi học sinh trở lại và khắc phục mọi khó khăn trong điều kiện có thể nhất", chị N.T.Thanh chia sẻ.

Kiến nghị hỗ trợ trường học bị ảnh hưởng do dịch

Trước những khó khăn của các trường học, Bộ GD&ĐT đã vừa có công văn gửi Thủ tưởng Chính phủ đề xuất các biện pháp, chính sách để ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ đầu năm đến nay và đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, công tác phòng, chống dịch được Bộ GD&ĐT triển khai tích cực, đã đạt được những kết quả bước đầu. Bộ GD&ĐT đã ban hành kịp thời 22 văn bản chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục đại học thực hiện phòng và chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung về khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đã chủ động triển khai công tác giảng dạy, đào tạo online, E-learning để giảm bớt việc tập trung đông người, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Mặc dù học sinh, sinh viên không đến trường, lớp nhưng các cơ sở giáo dục vẫn phải duy trì hệ thống và các chi phí vận hành, chi phí thuê mặt bằng, trả lương… đầy đủ cho cán bộ, giảng viên, giáo viên, chi phí đầu tư xây dựng, khấu hao, thuế, các chi phí khác,… nhất là đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bình quân từ 15 - 20 tỷ đồng/tháng cho mỗi trường đại học ngoài công lập. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hệ thống các cơ sở giáo dục rất cần sự quan tâm, hỗ trợ và các giải pháp cụ thể để từng bước khắc phục hậu quả đồng bộ từ Chính phủ.

Do đó, Bộ GD&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân. Cụ thể, miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và 2 năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập. Chi phí hoạt động bao gồm tiền lương, bảo hiểm, chế độ khác của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên tại các cơ sở giáo dục chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 50-60%) ngân sách, để giảm bớt chi phí hoạt động, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan xem xét miễn BHXH, BHYT, BHTN đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020.

Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà.

Bộ GD&ĐT cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các nhà mạng, đài phát thanh, truyền hình có chính sách hỗ trợ (miễn phí, giảm giá) về đường truyền, phần mềm kết nối phát miễn phí cho toàn bộ các cơ sở giáo dục để tổ chức dạy, học trực tuyến nhằm hạn chế tập trung đông người mà vẫn truyền đạt được kiến thức cho người học. Xem xét bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các Sở GD&ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung. Nhằm khuyến khích, đa dạng phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với điều kiện dịch bệnh và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Theo GiaDinh