Trong nhà có người già đừng bỏ qua những điều tưởng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng này để bảo vệ sức khỏe

Người già thuộc nhóm có nguy cơ rất cao gặp mắc COVID – 19 và thường gặp phải những biến chứng nghiêm trọng khi mắc. Nếu trong nhà có người già đừng bỏ qua những điều tưởng đơn giản nhưng vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi ý bố trí ăn, ở… cho họ.​

Người già thuộc nhóm có nguy cơ rất cao mắc COVID – 19 và thường gặp phải các biến chứng nặng nề. Các chuyên gia đã thống kê, 15% bệnh nhân trên 80 tuổi tử vong, 8% ở độ tuổi 70.

Hiện nay trong số các bệnh nhân mắc COVID – 19 đang điều trị ở nước ta có nhiều trường hợp là người cao tuổi. Trong số đó, có 2 bệnh nhân chuyển biến nặng. Hai người này còn mắc các bệnh nền như rối loạn tiền đình, đái tháo đường, tăng huyết áp.

Hơn nữa, người cao tuổi còn mắc nhiều bệnh cùng lúc. Theo nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho thấy trung bình người cao tuổi mắc 2,6 bệnh, người trên 80 tuổi mang 6 - 8 bệnh. Người cao tuổi khả năng chống đỡ với bệnh tật và thích nghi với môi trường suy giảm. Họ dễ mắc viêm đường hô hấp hơn.

trong-nha-co-nguoi-gia-dung-bo-qua-nhung-dieu-tuong-nho-nhung-vo-cung-quan-trong-nay-de-bao-ve-suc-khoe

Người cao tuổi càng cần chú ý hơn trong ăn uống, vệ sinh... để phòng bệnh. Ảnh minh họa

Trong nhà có người già đừng bỏ qua những điều tưởng nhỏ nhưng vô cùng quan trọng khi bố trí việc ăn uống, ở, vệ sinh… để bảo vệ sức khỏe, phòng dịch:

Ăn

BS Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, người cao tuổi ăn không nên kiêng, cần đa dạng thực phẩm. Hạn chế các đồ dầu mỡ, đồ chiên rán, đồ ngọt. Các thực phẩm này thường không cung cấp nhiều năng lượng còn gây đầy bụng khó tiêu.

Cần cung cấp đủ đạm, vitamin cho hệ miễn dịch tốt. Trong bữa ăn nên ưu tiên cho người già dùng thực phẩm có các loại chất đạm dễ tiêu hóa, có đầy đủ các acid amin thiết yếu.

Các loại thực phẩm giàu đạm ít chất béo như ức gà, thịt bò, cá hồi, tôm, trứng gà, sữa… Ngoài gia, tăng cường canh, các loại rau, củ, gia vị như tỏi, gừng, sả, chanh…trong các bữa ăn hàng ngày vì những thực phẩm này có tính kháng khuẩn cao.

Con cháu nên chú ý đến sở thích, khẩu vị của người cao tuổi để họ ăn ngon miệng. Thay vì ăn đúng 3 bữa, người già nên chia làm nhiều bữa nhỏ, từ 4 – 5 bữa trong một ngày.

Đồng thời, nhắc người già nên có khoảng cách giữa các bữa đều nhau và thực hiện tương đối đúng giờ. Chẳng hạn thêm bữa 9h, 4 giờ chiều ngoài 3 bữa chính. Khi ăn thực hiện ăn chậm, nhai kĩ, tránh quá no. Thức ăn nấu mềm dễ cho việc tiêu hóa, luộc hoặc hấp.

Người cao tuổi thường ngại uống nước và chỉ hay uống khi rất khát. Điều này không tốt cho cơ thể. Mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít. Uống ít một, cứ 30 phút lại uống một lần, mỗi lần 100 – 200ml.Uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1 - 2 cốc mỗi ngày.

Mọi người nên bố trí phòng riêng để người cao tuổi ở cho yên tĩnh. Nơi ở cần thông thoáng, sạch sẽ. Thường xuyên lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, nơi ở bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng. Trong thời điểm này nếu nóng có thể bật quạt nhỏ để cho dễ chịu, thay vì dùng điều hòa.

Các thành viên trong gia đình khi đi ra ngoài về, trước khi tiếp xúc với người già cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ bản như rửa tay thường xuyên, sử dụng thuốc khử trùng tay…

Vệ sinh

Các thành viên trong gia đình nói chung, người già nói riêng không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải răng, cốc uống nước. Khăn thường xuyên giặt và không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà tắm.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi ở nhà vẫn cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch. Thời điểm rửa tay cần thiết là sau khi ho, hắt hơi; sau khi cầm, nắm, tiếp xúc với các vật dụng có nguy cơ như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can…; sau khi đi vệ sinh; trước khi ăn; khi bàn tay bẩn...

Ngoài các vấn đề trên, người cao tuổi để phòng bệnh, người cao tuổi nên giữ tinh thần lạc quan, yêu đời. Nếu người cao tuổi nào có mắc các bệnh lý như tiểu đường, phổi, bệnh tim mạch, cao huyết áp… chú ý hơn trong việc duy trì uống các thuốc mãn tính đều đặn và đo huyết áp mỗi ngày, tốt nhất là dưới 130/90.

Ngủ đủ giấc với người già cũng rất quan trọng. Để có giấc ngủ sâu từ 11h đến 3 giờ sáng chú ý không ngủ muộn buổi tối sau 22 giờ nhưng không nên quá sớm.

Theo GiaDinh