Trẻ đang khỏe mạnh, có cần nhỏ mũi hàng ngày để phòng bệnh?

Để phòng bệnh viêm mũi họng cho trẻ, nhiều bà mẹ sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi, rửa mũi cho con hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày. Bác sỹ nói gì về điều này?

Chị Lê Thanh Hương (Đống Đa, Hà Nội) có thói quen thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý vào mũi cho con gái 3 tuổi. Đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa thì một ngày chị phải nhỏ cho con từ 3-5 lần để phòng bệnh viêm đường hô hấp. 

Tương tự, chị Phi Nhung (Hải Phòng) cũng có thói quen rửa mũi hàng ngày cho con mỗi khi đi học, đi chơi về và trước khi đi ngủ bằng nước muối sinh lý cho dù bé Lâm - con chị Nhung hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện viêm mũi họng.

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, nước muối sinh lý 0,9% hay nước muối biển là dung dịch dùng để rửa, vệ sinh mũi họng. Ngoài việc dùng để cung cấp và bổ sung nước cũng như chất điện giải cho cơ thể (dùng theo đường tiêm truyền theo chỉ định của bác sĩ) thì nước muối sinh lý còn được dùng làm thuốc nhỏ/rửa mắt hay mũi.

Nhận xét về việc nhiều phụ huynh khi thời tiết chuyển mùa thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý để phòng các bệnh đường hô hấp cho trẻ, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, nếu rửa mũi quá nhiều lần, ngay cả khi không bị các triệu chứng như chảy nước mũi, sẽ gây hại cho trẻ. 

Bởi thông thường, mũi có cơ chế tự làm sạch. Rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên giúp tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn trong khoang mũi. Nếu mất chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn, gây tổn thương niêm mạc mũi, từ đó dễ bị viêm khiến cho trẻ rát mũi, kích ứng, chảy nước mũi.

tre-dang-khoe-manh-co-can-nho-mui-hang-ngay-de-phong-benh

Chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi nếu trẻ có triệu chứng ngạt, sổ mũi. Ảnh minh họa

Trẻ bị sổ mũi (viêm đường hô hấp trên) thường là do virus gây ra, do đó chỉ nên dùng nước muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt mũi nếu trẻ có triệu chứng ngạt, sổ mũi… Khi trẻ bị sổ mũi, phụ huynh chỉ cần xịt hoặc rửa mũi 3-4 lần/ngày. 

Ngoài ra, khi trẻ ra ngoài môi trường bụi bặm về, sau khi vào bệnh viện chơi cũng có thể nhỏ mũi cho trẻ nhưng trẻ đang khỏe mạnh thì không nhất thiết phải thường xuyên nhỏ mũi để phòng bệnh. Hơn nữa, khi con bị sổ mũi, cha mẹ không nên dùng miệng của mình để hút mũi cho trẻ vì sẽ làm lây lan mầm bệnh sang bé.

BSCK II Cao Thị Thanh, khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cũng cho rằng nếu dùng nước muối sinh lý quá thường xuyên sẽ vô tình xóa nhòa các chức năng của lớp niêm mạc mũi xoang. Với trẻ sơ sinh, nếu nhỏ mũi thường xuyên còn làm mất phản xạ bài tiết chất nhầy ngay từ những ngày mới chào đời. 

Ngoài ra, nếu rửa không đúng cách, có thể làm nhiễm trùng thêm, đưa vi trùng lấn sâu vào bên trong cơ thể. Và nếu sau một thời gian rửa mũi họng chủ động liên tục, việc ngưng dùng đột ngột đôi khi sẽ làm lớp niêm mạc giảm độ ẩm, khô rát, dễ kích ứng, là điều kiện thuận lợi cho siêu vi, vi khuẩn hô hấp tấn công.

Vai trò của nước muối sinh lý cho bé chỉ thực sự được phát huy khi trẻ gặp vấn đề trên đường hô hấp. Đó là lúc trẻ bị cảm cúm, viêm nhiễm, tăng bài tiết chất nhầy; đồng thời, mũi họng bị nhiễm trùng, chất nhầy đục, quánh đặc, khó dẫn lưu ra ngoài, làm bít tắc đường hô hấp. 

Đường thở của trẻ vốn nhỏ hẹp và mềm, dễ xẹp, trẻ sẽ biểu hiện sổ mũi, khò khè, khó thở, ho đờm, nóng sốt. Việc rửa mũi họng, các xoang đúng cách sẽ giúp đẩy trôi chất bẩn, diệt trừ vi trùng và trả lại sự thông thoáng tự nhiên trên đường thở cho bé.

Ngoài ra, cũng có thể dùng các dung dịch nước muối để vệ sinh mũi sau khi đi xa, tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi. Với trẻ bình thường thì không nên dùng nước muối sinh lý rửa mũi hàng ngày.

Kỹ thuật rửa mũi cho trẻ đúng cách như sau:

tre-dang-khoe-manh-co-can-nho-mui-hang-ngay-de-phong-benh

Khi trẻ bị các bệnh về mũi, xoang có thể dùng nước nuối sinh lý để rửa mũi cho bé nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng. Ảnh minh họa

– Đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường. Để đầu thấp, mông cao, đặt 1 tay lên đầu trẻ và giữ nhẹ để tránh việc trẻ giãy giụa, có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi.

– Lót khăn xô dày dưới cổ và đầu trẻ để nước rửa chảy ra thấm vào đó.

– Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể tiến hành rửa luôn. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối vào mỗi bên mũi, đợi 1 lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.

– Đặt miệng lọ nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên của trẻ, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra ở lỗ mũi bên kia. Dịch mũi và rỉ mũi có thể cuốn theo nước muối chảy ra lỗ mũi phía bên kia .

– Dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng trẻ, trấn an con vài phút trước khi quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia của bé. Cách làm tương tự.

– Nếu dịch mũi quá đặc và không thể trôi ra theo nước, có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi.

– Bơm rửa cho đến khi nước rửa chảy ra màu trong, không còn dịch mũi nhầy. Ngày rửa mũi từ 3 đến 5 lần.

– Lưu ý không dùng xi lanh chứa nước muối sinh lý bơm, rửa mũi bé do có thể làm trầy, xước niêm mạc mũi của trẻ.

– Khi trẻ bị các bệnh về mũi, xoang có thể dùng nước nuối sinh lý để rửa mũi cho bé nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng.

Theo GiaDinh