Trà sữa trân châu và những cảnh báo mới nhất từ Y khoa

Trà sữa trân châu là đồ uống phổ biến thu hút rất nhiều người nhất là giới trẻ. Tuy nhiên gần đây liên tiếp xuất hiện những lời cảnh báo về tác hại của nó.

Trà sữa trân châu hay trà sữa Đài Loan là thức uống chế biến từ trà xanh hoặc trà đen được các cửa hàng đồ uống tại Đài Trung, Đài Loan phát triển từ những năm 1980. Đặc điểm của trà sữa trân châu là khi bị lắc, một lớp bọt nước mỏng được tạo thành trên bề mặt. Do đặc điểm này, trà bong bóng được dùng để gọi bất kỳ loại trà nào được lắc trong khi chuẩn bị, ví dụ như các loại trà đường "Phao mạt hồng trà", "bào mạt hồng trà"...

Trà sữa trân châu nói chung được chia thành hai loại: trà tạo hương vị từ hoa quả hay trà sữa. Trà sữa có thể sử dụng các loại kem từ sữa hay không từ sữa. Trà sữa trân châu cũng có thể chỉ loại trà sữa nóng kiểu Quảng Đông pha với các hạt bột sắn. Trà sữa trân châu đặc biệt phổ biến tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Singapore. Loại đồ uống này cũng phổ biến tại châu Âu, Canada và Hoa Kỳ. 

Ngay từ khi xuất hiện, loại trà sữa này đã thu hút được đông đảo người tiêu dùng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên nhiều người lại không biết rằng, loại trà sữa này không đem lại lợi ích gì cho sức khỏe thậm chí còn gây tác hại khủng khiếp. Bằng chứng thực tế là đã không ít lần lực lượng chức năng thu giữ trà sữa kém chất lượng, trà sữa không rõ nguồn gốc, các chuyên gia y tế hàng đầu thế giới cũng lên tiếng cảnh báo.

tra-sua-tran-chau-va-nhung-canh-bao-moi-nhat-tu-y-khoa

Trà sữa trân châu tác hại khó lường không nên lạm dụng.

Hàng loạt vụ thu giữ trà sữa chân trâu 'mập mờ' xuất xứ tại Việt Nam

Mới đây nhất, lực lượng Quản lý thị trường và Công an Lạng Sơn thu giữ 116 kg nguyên liệu chè trân châu không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe có 19 loại hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam. Trong số hàng hóa đó có nguyên liệu chè trân châu không chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. 

Tương tự, phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an TP Hà Nội cũng đã phối hợp với Đội quản lý thị trường số 26 quận Hà Đông kiểm tra kho tập kết nguyên liệu trà sữa, thu giữ nhiều nguyên liệu trà sữa nhập lậu không rõ nguồn gốc. 

Vào thời điểm kiểm tra, đại lý này vẫn đang hoạt động bình thường, trong kho có nhiều nguyên liệu pha chế trà sữa, trong đó, có các loại sản phẩm gồm siro, đường đen, bột sữa. Đáng chú ý, toàn bộ số nguyên liệu trên đều không có hóa đơn và giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua tìm hiểu, nhãn mác cho thấy, bao trà sữa này được sản xuất tại Trung Quốc và 1 bao tải sữa có trọng lượng 25kg có thể pha chế ra hàng ngàn cốc trà sữa khác nhau, giá niêm yết tại cửa hàng là 170.000đ/bao. 

Trước tình trạng trên, Công an TP. Hà Nội cho biết, thủ đoạn của các đối tượng thường mua những nguồn nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ, sau đó trà trộn cùng với nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ để tránh sự kiểm soát, kiểm tra của lực lượng chức năng. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng không kiểm tra kỹ thì không thể phát hiện được. 

Nói tới tác hại khi sử dụng trà sữa trân châu không rõ nguồn gốc xuất xứ, các chuyên gia thuộc Viện Dinh dưỡng cho biết, trên thực tế trà sữa mà chúng ta thường uống ở bên đường không chứa sữa cũng không có trà. Những loại “trà sữa” này đa phần là kem béo pha lẫn bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu chế tác thành.

Thực thế, sữa ở trong trà sữa trân châu nếu so sánh với sữa thật thì thiếu canxi, các loại vitamin B và vitamin A, D; hàm lượng protein cũng rất thấp. Những chất dinh dưỡng có trong sữa thì trà sữa trân châu đều không có mà ngược lại trà sữa trân châu chứa một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa. Những thành phần này đều không tốt cho sức khỏe. 

Thông tin thêm, TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, trong trà sữa trân châu chứa rất nhiều đường có thể làm phá vỡ mức cân bằng đường trong cơ thể, từ đó gây dư thừa năng lượng, dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa và là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường)... và biến chứng nặng nề nhất là bệnh tim mạch.

Bệnh viện hàng đầu Singapore cảnh báo: Trà sữa trân châu đường đen có thể mắc bệnh mãn tính

Bệnh viện Mount Alvernia (bệnh viện uy tín hàng đầu tại Singapore) đã chia sẻ một bài viết so sánh giữa lượng đường và lượng calories có trong các loại trà sữa, kèm theo những loại topping được ưa chuộng nhất hiện nay. Theo đó, bảng so sánh này chỉ rõ giữa lượng calories có trong những loại topping quen thuộc được thêm vào cốc trà sữa như kem sữa (milk foam), kem phô mai (cheese foam), trân châu đen, vụn bánh oreo, thạch pudding, thạch dừa, thạch thảo mộc, đậu đỏ, thạch aiyu, trân châu trắng, lô hội...

Bên cạnh đó là bảng phác đồ về lượng đường trong một số loại trà sữa được giới trẻ yêu thích nhất hiện nay, bao gồm trà sữa trân châu, trà sữa trân châu đường đen, trà xanh xoài, trà xanh chanh dây, trà bí đao, trà xanh nhài trái cây và trà bơ trân châu.

Từ bảng so sánh này cho thấy, các thành phần trong cốc trà sữa có thể ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dùng. Đầu tiên, bản thân các loại trà vốn là thứ đồ uống giúp thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể. Nhưng điều đó sẽ chỉ đúng khi tiêu thụ riêng trà, còn khi đã kết hợp cùng với đường hay sữa tươi, kem sữa thì nó lại trở thành một thứ đồ uống tàn phá cơ thể từ bên trong.

Các chuyên gia tại Bệnh viện Mount Alvernia cho biết, trà đen và trà xanh có thể làm giảm nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, khi người pha chế thêm vào các loại bột kem không sữa (non-dairy) hay trân châu thì tác dụng của trà sẽ biến mất và chuyển thành chất gây hại trực tiếp cho sức khỏe. Bột kem không sữa được xem là chất thay thế sữa có chứa chất béo chuyển hóa và nó cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ...

Một ly trà sữa trân châu ngọt bằng 20 thìa đường

Thử nghiệm độ ngọt cho thấy một ly trà sữa trân châu ngọt bằng 20,5 thìa đường, tương đương 102,5 g đường. Theo đó, nhằm giúp cộng đồng nhận ra tác động của trà sữa đến sức khỏe, trang Channel News Asia đã tiến hành kiểm tra lượng đường trong món đồ uống này. Cụ thể, họ chọn ra các món hay được khách tới quán trà sữa gọi và mang chúng đến Viện Temasek Polytechnic (Singapore) để kiểm tra lượng đường. Kết quả tính trên mỗi ly 500 ml với độ ngọt nguyên bản thì một ly trà sữa trân châu đường đen chứa 92,5 g đường, tương đương 18,5 thìa đường còn một ly trà sữa trân châu đen chứa 102,5 g đường, tương đương 20,5 thìa đường. Với kết quả trên, trà sữa trân châu ngọt gấp ba lần một lon nước ngọt. 

Bà Siti Saifa, giảng viên ngành khoa học thực phẩm và dinh dưỡng tại Viện Temasek Polytechnic cho biết, ngay cả khi khách hàng yêu cầu giảm ngọt, trà sữa vẫn chứa quá nhiều đường. Ủy ban Tăng cường Sức khỏe Singapore khuyến nghị mỗi người ăn không quá 45 g đường một ngày.

Vượt quá mức này, cơ thể sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề như sâu răng, thừa cân, lão hóa da, đau khớp, tiểu đường tuýp 2, đau tim, đột quỵ và trầm cảm. Để đảm bảo sức khỏe, bà Saifa khuyên những ai đam mê trà sữa giảm dần lượng đường hấp thụ bằng cách gọi cốc cỡ nhỏ nhất với độ ngọt thấp. Bên cạnh đó, cải thiện giấc ngủ, tránh căng thẳng và ăn vừa phải carbohydrate cũng giúp cơ thể bớt thèm đường hơn.

Uống nhiều trà sữa trân châu có thể gây táo bón

Theo bác sĩ Ryan Marino từ Khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (Mỹ), trân châu là các hạt khoai mì dẻo nên ruột dễ dàng tiếp nhận và chuyển hóa. Lượng đường trong trà sữa mới là thủ phạm bởi nó khiến cơ thể mất nước nhiều hơn, dẫn đến đại tiện khó khăn.

Lina Felipez, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi Nicklaus nhận định "ăn nhiều trân châu chắc chắn sẽ gây táo bón". Trong hạt trân châu thường chứa các chất phụ gia, bao gồm guar gum có chức năng làm đặc, tạo đông và được sử dụng rộng rãi trong ngành thực phẩm. Từng hạt trân châu chứa một lượng nhỏ guar gum kết dính cùng những viên trân châu khác sẽ khiến cơ thể dễ gặp tình trạng táo bón. Không chỉ thế, khi tiếp xúc với nước, guar gum nở ra với kích thước lớn hơn. Nạp quá nhiều guar gum dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn thực quản và ruột.

Điều gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu chính là lượng guar gum trong trân châu không hiển thị trên ảnh chụp CT. Chúng không có khả năng chặn các loại bức xạ từ tia X mà cho phép bức xạ đi qua nên không thể nhìn thấy và định lượng được thông qua việc sử dụng X-quang hay CT.

Theo VietQ