TP HCM: Nhân viên ngân hàng rút nhiều tỉ đồng của khách

 Bằng thủ đoạn tinh vi, có tính toán từ trước, trong gần 1 năm, nữ nhân viên ngân hàng đã chiếm đoạt hơn 4,4 tỉ đồng.

Ngày 23-10, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Minh Quyên (SN 1990, ngụ quận 11, TP HCM) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bà Quyên là nhân viên giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần và được tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ.

Theo thông tin từ Công an TP HCM, cuối năm 2018, bà Quyên được phòng giao dịch ngân hàng nơi làm việc giao nhiệm vụ tiếp cận khách hàng, thực hiện các giao dịch mở tài khoản, nộp và rút tiền mặt, mở và rút tiền từ sổ tiết kiệm, cho vay theo sổ tiết kiệm.

Do kiểm soát viên phòng giao dịch không thực hiện nghiêm quy định của ngân hàng nên Quyên đã tận dụng cơ hội này thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, trong khoảng thời gian từ 17-1-2019 đến 19-12-2019, Quyên lập khống nhiều chứng từ rút tiền từ 12 sổ tiết kiệm của 11 khách hàng, chiếm đoạt hơn 4,4 tỉ đồng. Quyên khai nhận, số tiền chiếm đoạt được đã sử dụng để trả nợ cá nhân và gia đình, hiện không còn tiền để khắc phục hậu quả.

Để thực hiện ý đồ xấu của mình, khi phát hành sổ tiết kiệm cho khách, Quyên photo sổ tiết kiệm cất riêng. Sau đó, khi cần rút tiền, Quyên kiểm tra, lựa chọn các sổ tiết kiệm có thời gian đáo hạn xa để tránh bị phát hiện khi khách hàng đến tất toán hoặc đáo hạn.

Từ hệ thống phần mềm của ngân hàng, Quyên nhập thông tin tài khoản khách hàng và số tiền tương ứng thì phần mềm sẽ in giấy rút tiết kiệm.

Sau đó, Quyên giả chữ ký khách hàng rồi ký tên mình vào phần giao dịch viên. Quyên cập nhật thông tin giao dịch rút tiền vào bản photo sổ tiết kiệm của khách mà Quyên đã lưu trữ trước đó. Sau khi ký chứng từ, Quyên lấy số tiền tương ứng từ quỹ giao dịch hàng ngày của Quyên. 

Giấy rút tiền tiết kiệm và bản photo sổ tiết kiệm được Quyên tập hợp cùng các chứng từ khác trong ngày để phục vụ đối chiếu, kiểm quỹ cuối ngày và lưu trữ.

Theo kết quả từ Công an TP HCM, Quyên thực hiện rất nhiều lần rút tiền của khách, từ dưới 50 đến nhiều nhất là 850 triệu đồng. Công an xác định, do thiếu kiểm soát nên mặc dù không có khách hàng đến rút tiền thật, không có bản chính sổ tiết kiệm nhưng kiểm soát viên vẫn phê duyệt trên hệ thống máy tính ký bổ sung chứng từ để Quyên rút chiếm đoạt tiền.

Theo NLD

----

Xem thêm:

Những thủ đoạn của nữ nhân viên ngân hàng vay 200 tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ

Nhiều nạn nhân cho rằng nữ nhân viên ngân hàng ở Gia Lai vay gần 200 tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ đã chuẩn bị kịch bản từ trước để đối phó với cơ quan pháp luật.

Ngày 13-9, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Gia Lai vẫn đang thụ lý điều tra vụ án bà Lê Thị Thương (SN 1988; trú phường Hoa Lư, TP Pleiku) có hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khi vay của nhiều người số tiền hàng trăm tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Thương đưa ra thông tin vay tiền để đáo hạn ngân hàng, mua đất với các chủ nợ. Đa phần các nạn nhân đều đã nhiều lần cho bà Thương vay tiền. Những lần trước đó thì việc trả tiền gốc, lãi rất sòng phẳng. 

Cùng với đó, bà Thương luôn khoe có người chị là một "đại gia", khi cần số tiền lớn chỉ điện thoại là có ngay. Nhiều người thấy vậy đã tin tưởng và cho bà Thương vay số tiền lớn.

Những thủ đoạn của nữ nhân viên ngân hàng vay 200 tỉ đồng rồi tuyên bố vỡ nợ - Ảnh 1.

Cơ quan công an đang tạm giam Lê Thị Thương để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - ảnh công an cung cấp

Việc vay mượn của bà Thương chủ yếu bằng tiền mặt, chuyển khoản qua ngân hàng. Mỗi cuộc giao dịch đều có giấy vay mượn tiền với nhau.

Đáng chú ý, theo một nạn nhân, bà Thương đã có phương án để đối phó với pháp luật bằng cách mượn tài khoản của các nạn nhân để chuyển tiền.

Ví dụ, bà Thương vay của nạn nhân 5 tỉ đồng. Sau đó, Thương mượn số tài khoản của nạn nhân và chuyển vào 10 tỉ đồng nhờ rút ra giao lại cho bà ta. Khi đối chiếu giao dịch qua ngân hàng thì chỉ thể hiện nạn nhân đang nợ ngược lại Thương 5 tỉ đồng.

Một nạn nhân khác kể đã cho bà C.N.D.H (trú TP Pleiku) vay nhiều tỉ đồng. Đến khi nạn nhân này đòi thì bà C.N.D.H nói đã đưa số trên cho bà Thương vay lại. Sau đó, bà C.N.D.H "bán cái" bằng cách đề nghị chủ nợ của mình làm giấy cho bà Thương trực tiếp vay tiền. 

"Đến nay, tôi không biết phải làm thế nào vì thực tế người vay tiền của tôi là bà C.N.D.H nhưng bà Thương lại là người đứng tên trong giấy nợ. Hiện tôi chỉ còn cách chờ cơ quan công an điều tra" – nạn nhân này lo lắng.    

Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Lê Thị Thương là nhân viên hợp đồng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5-2020, Thương đã vay "nóng" của nhiều người với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Đến ngày 27-6, khi bị các chủ nợ ráo riết đòi tiền, Thương đến Công an phường Hoa Lư, TP Pleiku trình báo việc vay của nhiều người với số tiền 173 tỉ đồng nhưng không có khả năng trả và yêu cầu được bảo vệ.

Đến nay, đã có 12 cá nhân tại TP Pleiku đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của nữ nhân viên ngân hàng này với số tiền hơn 80 tỉ đồng. Khi có đủ căn cứ, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố đối với Thương.

Sau khi trốn lệnh truy nã nhiều này, Thương đã đến cơ quan công an đầu thú.

Theo NLD