Tinh vi thủ đoạn kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hơn 300 thùng khẩu trang đang được vận chuyển từ xe tải xuống một ngôi nhà ở đường Ngô Thì Sỹ, Hà Đông (Hà Nội) thì bị công an phát hiện.

Ngày 30/7, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hà Đông cùng Đội Quản lý thị trường số 26 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp kiểm đếm, bên trong mỗi thùng có khoảng 2.400 chiếc khẩu trang. Tổng số trên 800.000 chiếc khẩu trang đều không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ xuất xứ.

Hiện lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số khẩu trang trên và tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

tinh-vi-thu-doan-kinh-doanh-khau-trang-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

 

 Số lượng lớn khẩu trang không rõ nguồn gốc bị thu giữ.

Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hà Đông, thời gian gần đây, một số người lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến mới phức tạp để tranh thủ gom hàng, thu thập khẩu trang với số lượng lớn nhằm trục lợi.

Cùng ngày, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo Cục Nghiệp vụ, Tổ công tác 368 và Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra đột xuất và thu giữ hàng trăm nghìn khẩu trang 3M giả tại công ty TNHH sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh.

Công ty TNHH thương mại Nam Anh có trụ sở tại số 8-8A Đường Lê Lăng, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, có website giới thiệu là khuatrangnamanh.com.

Trên website, Công ty Nam Anh tự giới thiệu là đơn vị hàng đầu Việt Nam chuyên sản xuất, phân phối khẩu trang y tế cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi Tổng cục Quản lý Thị trường kiểm tra đột xuất thì phát hiện và xác định hàng trăm thùng hàng tại công ty này chứa các sản phẩm khẩu trang có nhãn hiệu 3M nhưng là sản phẩm giả mạo nhãn hiệu khẩu trang 3M Company của Mỹ.

Cơ quan chứng năng đánh giá, đây là vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ lớn nhất từ đầu năm đến nay về mặt hàng khẩu trang đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Những vụ bắt giữ với số lượng lớn như trên đang cho thấy thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá định giá bán bất hợp lý đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch. 

"Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công bố hợp quy hàng dệt may, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết", đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay.

Theo Quyết định số 1444 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời lựa chọn và sử dụng khẩu trang trong phòng, chống dịch Covid-19, hiện có 4 loại khẩu trang gồm: khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương; khẩu trang y tế; khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn (gọi tắt là khẩu trang 870); khẩu trang 3, 4 lớp (không đủ điều kiện là trang thiết bị y tế) và khẩu trang vải thông thường khác. Bốn loại khẩu trang này có nguyên tắc sử dụng khác nhau.

Cụ thể, khẩu trang y tế N95 hoặc tương đương chỉ dùng cho kỹ thuật viên xét nghiệm, nhân viên y tế, người tiếp xúc trực tiếp để khám, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19.

Loại khẩu trang này tuân theo các loại tiêu chuẩn tương đương phổ biến như: Mỹ: N95 Respirator (tiêu chuẩn NIOSH-42C FR84); châu Âu: FFP2 Respirator (tiêu chuẩn EN 149-2001); Úc, Newzealand: P2 Respirator (tiêu chẩn AS/NZ 1716:2012); Trung Quốc: KN95 Respirator (tiêu chuẩn GB2626-20 06); Nhật Bản: DS Respirator (tiêu chuẩn JMHLW- Notification 214, 2018); Hàn Quốc: Korea 1st Class Respirator (tiêu chuẩn KMOEL-2017-64).

Khẩu trang y tế dành cho cán bộ y tế khi làm việc trong môi trường y tế ở khu vực có khả năng lây nhiễm và tiếp xúc nhiều với người bệnh (khoa khám bệnh, khoa điều trị, khoa hồi sức tích cực,…).

Loại khẩu trang này được quản lý là trang thiết bị y tế (đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu đạt TCVN 8389-1 : 2010; TCVN 8389-2 : 2010; TCVN 8389-3 : 2010 và đã có số lưu hành do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định của Nghị định 36/2016/NĐ-CP).

Khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn (gọi tắt là khẩu trang 870), dành cho cán bộ y tế làm việc ở những nơi ít có nguy cơ; người tham gia phòng chống dịch; người bệnh trong cơ sở điều trị bệnh không lây nhiễm; người phục vụ ở các khu vực công cộng như lễ tân, bãi xe, cảng biên phòng, cửa khẩu, cảng hàng không,…

 Loại này được quản lý như hàng hóa thông thường, sản xuất theo các quy định của Bộ Y tế trong quyết định hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn và do các doanh nghiệp sản xuất thuộc Bộ Công Thương quản lý (các tập đoàn, doanh nghiệp dệt may).

Các loại khẩu trang 3, 4 lớp (không đủ điều kiện là trang thiết bị y tế) và khẩu trang vải thông thường khác, được sử dụng cho mọi người khỏe mạnh và ở những khu vực ít có nguy cơ lây nhiễm. Loại khẩu trang này được quản lý như hàng hóa thông thường và sản xuất theo tiêu chuẩn cơ sở, tuân thủ các điều kiện đảm bảo chất lượng đối với sản phẩm theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Theo VietQ