Tìm thấy bằng chứng nCoV bay lơ lửng xa đến 5 mét

Các nhà khoa học lần đầu tiên "bắt được" virus corona trong không khí xung quanh bệnh nhân COVID-19, chứng minh được nó còn sống và có khả năng xâm nhập tế bào.

tim-thay-bang-chung-ncov-bay-lo-lung-xa-den-5-met

nCoV có khả năng phát tán trong không khí xa hơn người ta tưởng - Ảnh: Analytical Science

Cho đến nay, khả năng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây qua không khí chỉ còn thiếu một mảnh ghép duy nhất: Bằng chứng về việc các hạt đường hô hấp (dưới dạng aerosol) có chứa virus còn sống, chứ không chỉ là vật liệu di truyền.

Theo báo New York Times, mới đây một nhóm các nhà virus học và chuyên gia về aerosol của Đại học Florida (Mỹ) đã chứng minh được đúng điều đó: virus còn sống quả thật lơ lửng trong không khí và có khả năng xâm nhập tế bào (tức lây nhiễm).

Nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc cô lập virus từ aerosol trong không khí ở khoảng cách 2,1 - 4,87m xung quanh bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện - xa hơn nhiều khoảng cách 2m hay được khuyến cáo trong giãn cách xã hội.

Họ chế ra một thiết bị lấy mẫu dùng hơi nước tinh khiết làm tăng kích cỡ các hạt aerosol trong không khí để dễ dàng thu thập. Thiết bị này lập tức chuyển aerosol vào một dung dịch chứa muối, đường và protein nhằm bảo toàn mẫu virus.

Việc thu mẫu được tiến hành trong Bệnh viện Health Shands của Đại học Florida, trong một khoa chuyên dành cho bệnh nhân COVID-19 để mẫu không bị lẫn lộn các loại virus đường hô hấp khác. 

Đặc biệt, không bệnh nhân nào ở đó phải áp dụng các kỹ thuật y khoa có thể tạo ra aerosol (như đặt ống thở) vì Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đây luôn cho rằng đây là nguồn phát tán virus chính qua không khí trong môi trường bệnh viện.

Kết quả cuối cùng, dù đã đoán trước vẫn gây kinh ngạc: Ở cả hai khoảng cách 2,1m và 4,87m nhóm nghiên cứu đều "bắt" được virus còn sống, có khả năng xâm nhập tế bào. Xét nghiệm gen cho kết quả không khác gì mẫu dịch hầu họng của một bệnh nhân COVID-19 mới nhập viện.

Phát hiện trên được công bố trên mạng tuần trước, tuy chưa được đánh giá chính thức nhưng đã gây xôn xao cộng đồng khoa học. 

"Nếu đây không phải là bằng chứng sống thì tôi không biết gọi đó là gì nữa", bác sĩ Linsey Marr, chuyên gia về virus, nhận xét về công trình nghiên cứu.

"Tôi không chắc số lượng virus có đủ gây bệnh cho một ai đó không, nhưng kết luận rõ ràng là anh có thể cô lập virus từ không khí. Điều đó không hề nhỏ chút nào", nhà virus học Angela Rasmussen (Đại học Columbia), nhận xét.

Các chuyên gia khác thì lưu ý khoảng cách virus di chuyển xa hơn nhiều so với khuyến cáo giãn cách xã hội.

"Chúng ta biết trong môi trường trong nhà, quy tắc giãn cách đó không có tác dụng. Tối thiểu 2m là hướng dẫn dễ làm lạc hướng vì mọi người sẽ nghĩ họ được bảo vệ nếu giữ khoảng cách này, trong khi thực tế là không. Mất khoảng 5 phút để các hạt aerosol di chuyển hết căn phòng cho dù không khí đứng yên", bà Robyn Schofield, nhà hóa học khí quyển của Đại học Melbourne (Úc), bình luận.

Cũng theo bác sĩ Linsey Marr, giãn cách 2m được khuyến cáo trên cơ sở nhận định "chỉ có các hạt dịch lỏng lớn là chứa virus", tuy nhiên điều này không đúng nữa nếu aerosol cũng chứa virus. 

"Như vậy càng xa bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu", bà nói.

Phúc Long

Theo Tuổi trẻ

-----

Xem thêm:

Tìm thấy virus corona trong sữa mẹ ở Nhật: thực hư ra sao?

Sau thông tin sữa của một bà mẹ Nhật Bản dương tính với virus corona chủng mới, các bà mẹ ở nước này lo lắng không yên. Tuy nhiên bác sĩ đã trấn an họ về nguy cơ bệnh lây qua đường cho con bú.

Một bà mẹ cho con bú ở Tokyo, Nhật Bản hôm 2-8 - Ảnh: KYODO

"Cho con bú có an toàn trong đại dịch COVID-19?". Câu hỏi được Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) đặt ra ngày 11-8, sau khi truyền thông Nhật, hồi tháng 7, tường thuật về việc sữa của một bà mẹ trẻ tại tỉnh Wakayama dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19.

Người phụ nữ này nhập viện sau khi mắc COVID-19 hồi tháng 4. Bệnh nhân đã được xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đối với sữa để biết liệu có thể tiếp tục cho con bú hay không, và kết quả cho ra là dương tính. Lúc đó, người phụ nữ này bị viêm tuyến sữa và bị sốt.

Tuy nhiên, 2 ngày sau, một xét nghiệm với sữa của bà mẹ này lại cho kết quả âm tính. Nhà chức trách Wakayama cho rằng có hai khả năng dẫn tới kết quả đối lập như vậy.

Thứ nhất, virus có thể đã rò rỉ trong lúc cho con bú do người phụ nữ bị viêm tuyến sữa. Để củng cố giả thuyết này, sữa của một bà mẹ khác - cũng bị mắc COVID-19 nhưng không bị viêm tuyến sữa - được đi xét nghiệm, kết quả âm tính.

Thứ hai, có thể sữa của người phụ nữ trên đã bị nhiễm virus trong quá trình được lấy đi xét nghiệm.

Theo Hãng tin Kyodo, hiện các tổ chức y tế có cách tiếp cận khác nhau trong vấn đề này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuần trước nói rằng nguy cơ mắc COVID-19 do bú sữa mẹ là không đáng kể và hiện chưa được chứng minh. 

Hồi tháng 6, WHO khuyên các bà mẹ tiếp tục cho con bú vì sữa mẹ chứa nhiều dinh dưỡng và kháng thể, đồng thời kêu gọi họ thực hiện các biện pháp đề phòng COVID-19 như đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ.

Tuy nhiên, cũng trong tháng 6, Hội sản khoa và phụ khoa Nhật Bản đưa ra một thông báo có nội dung: "Do có nhiều báo cáo cho thấy virus corona chủng mới được phát hiện trong sữa mẹ, chúng tôi tin rằng con của các bà mẹ bị nhiễm virus nên chỉ được cho uống sữa công thức ít nhất 1 tháng sau sinh".

Họ cũng khuyên cần tách mẹ và con trẻ cho đến khi cả hai đều có kết quả âm tính. Với nhiều lời khuyên khác nhau như vậy, một số bà mẹ đã trở nên bối rối và lo lắng về nguy cơ virus lây cho con khi cho bú sữa mẹ.

"Cuối cùng tôi thật sự không biết nên làm gì" - một bà mẹ 38 tuổi ở Tokyo, hiện có một bé gái 10 tháng tuổi, chia sẻ. Bà cho biết: "Con gái tôi không thích uống sữa bột. Tôi vẫn muốn tiếp tục cho bé bú đến khi có bằng chứng cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa virus corona chủng mới và sữa mẹ".

Yuka Wada, một bác sĩ tại Trung tâm sức khỏe và phát triển trẻ em quốc gia ở Nhật Bản, đã kêu gọi các bà mẹ bình tĩnh và theo bà, hiện không có bằng chứng cho thấy lây SARS-CoV-2 qua đường cho con bú.

"Xét nghiệm PCR cuối cùng chỉ là một xét nghiệm giúp xác định sự hiện diện của virus, không nói lên được dịch bệnh lây như thế nào. Xin hiểu rằng bạn không gặp 'mối nguy hiểm lơ lửng' nếu sữa của bạn có kết quả xét nghiệm dương tính" - bà giải thích.

Bình An

Theo Tuổi trẻ

----

Xem thêm:

+Xét nghiệm máu phát hiện các ca Covid-19 nguy hiểm nhất

+Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải sự khác biệt của BN91 và các ca bệnh đang điều trị tại Đà Nẵng

+Dương tính với nCoV sau 6 tháng hồi phục

----