Tiết lộ sốc về những thang thuốc đông y giả gắn mác gia truyền

Ngay sau khi nắm được nguồn nguyên liệu mà nhiều cơ sở đông y đang sử dụng để chế các thang thuốc gắn mác gia truyền, PV đã xâm nhập chợ nguyên liệu thuốc đông y tại Ninh Hiệp (Gia Lâm).

Nơi đây được coi là chợ nguyên liệu thuốc đông y lớn nhất miền Bắc hoặc lấy hàng từ phố L.O (Hà Nội) về để tự chế các thang thuốc… Điều đáng nói, nguồn gốc nguyên liệu thuốc tại những nơi này phần lớn được nhập từ Trung Quốc cùng với phương thức bảo quản nguy hại, công thức tự chế…

Tiết lộ lạnh gáy của một “người trong cuộc”

Tại đây, các cơ sở kinh doanh, buôn bán nguyên liệu đông y dùng chính đường làng liên thôn, liên xóm làm chỗ phơi đủ loại rễ, vỏ, lá cây thuốc… Khói bụi, rác bẩn “tẩm ướp” cả vào những nguồn nguyên liệu này.

Trong vai một người đi tìm mua cây thuốc đông y thô (chưa qua sơ chế), tôi được Hải “cổ” - một tài xế xe tải chuyên chở mặt hàng này dẫn vào làng. Hải “cổ” cho biết, ở làng Ninh Hiệp hiện nay phải có đến hơn 300 hộ kinh doanh, chế biến dược liệu và mỗi tháng tại đây nhập hàng tấn nguyên liệu.

Khi PV hỏi nguồn nguyên dược liệu này phần lớn nhập từ những tỉnh nào, Hải “cổ” nói: “Trước đây, dược liệu được trồng và thu mua chủ yếu ở vùng chùa Hương, chùa Thầy, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên…

Còn bây giờ, hầu hết chúng được nhập về từ Trung Quốc. Tại một số cơ sở chế biến tại đây, các loại dược liệu nhập về đều được đóng trong những bao tải dứa lớn chất đống tới gần trần nhà”.

Nguyên liệu làm thuốc đông y được phơi ngoài đường tại Ninh Hiệp.

Anh Vũ – chủ cơ sở sơ chế dược liệu tại đây cho hay, nghề sơ chế, kinh doanh đông dược được lưu truyền trong gia đình anh nhiều đời.

Theo anh Vũ, hiện nhu cầu sử dụng đông dược rất lớn, trong khi diện tích đất dành cho trồng cây thuốc bị thu hẹp đáng kể, nên hầu hết nguyên liệu làm đông dược được nhập từ Trung Quốc Thậm chí, một số vị thuốc như thục địa, hoài sơn, sinh địa… hiện cũng nhập từ Trung Quốc.

Quan sát nhanh tại cơ sở này, PV thấy, có vài công nhân đang dùng những công cụ rất thủ công như chảo gang lớn, dao chặt cây thuốc bằng tay… để sơ chế thuốc.

Khi biết PV muốn đặt mẫu một số dược liệu như đỗ trọng, cam thảo, thục địa, tang thầm (trái dâu tằm), anh Vũ nói, hiện giờ, trong cơ sở chỉ còn đỗ trọng và cam thảo những vị kia chưa có, nếu cần gấp với số lượng lớn thì đặt cọc 10% giá trị lô hàng sẽ có hàng ngay trong ngày.

Nói dứt lời, anh Vũ vào trong kho phía sau nhà khoảng 10 phút rồi mang ra một ít đỗ trọng và cam thảo đóng trong túi nilon nhỏ. Cầm gói mẫu thuốc trên tay, PV hỏi những dược liệu này liệu có bị ẩm mốc nếu để lâu không anh, Vũ nói: “Chú cứ yên tâm. Các nguyên liệu này khi nhập về đều được sơ chế kỹ lưỡng, chống ẩm mốc cao”. Vũ chỉ nói đến đó chứ không nói rõ dùng chất gì để chống mốc ẩm vì như anh nói phải giữ… “bí quyết”(?!).

Tuy nhiên, trên đường đến một cơ sở khác, Hải “cổ” nói: “Ối giời, bí quyết cái quái gì! Họ toàn dùng diêm sinh để chống nấm mốc cho dược liệu đấy”.

Thấy PV chưa hiểu, Hải “cổ” giải thích thêm: Diêm sinh chính là lưu huỳnh ấy. Để cho dược liệu đỡ bị hỏng do nấm mốc, họ sẽ cho dược liệu vào các bồ lớn bọc kín, rồi dùng diêm sinh đặt vào để ủ, khoảng hơn 1 tuần là được. Ngoài diêm sinh, bây giờ nhiều cơ sở còn sử dụng các gói hóa chất chống nấm mốc đặt mua từ Trung Quốc để bảo quản kho dược liệu của mình”.

Mù mờ những công thức thuốc tự chế

Ngoài vùng Ninh Hiệp thì khu phố L.O (Hà Nội) cũng được coi là địa chỉ quen thuộc để mua những loại dược liệu. Theo khảo sát của PV, khách hàng có thể dễ dàng tìm mua được hầu như tất cả những gì mình cần, nếu muốn điều trị bệnh bằng thuốc đông y, bởi hàng hóa ở đây rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, màu sắc.

Nguyên liệu làm thuốc đông y được phơi ngoài đường.

Vào một cửa hiệu thuốc đông y tại đây, khi hỏi thuốc đông y dành cho trẻ biếng ăn, chủ cửa hàng giới thiệu gần chục loại thuốc được chế sẵn, đóng trong các hộp nhựa nhỏ, không ghi nhãn mác, thậm chí còn được đóng vào các túi nilon.

Không thể nhận ra được thành phần hoặc vị dược liệu trong các gói thuốc loại này, vì nó đã được tán thành dạng bột hoặc nấu thành viên nén hay dạng cao.

Tại chợ thuốc trên phố này, ngoài các loại thuốc bổ thông thường, bày bán nhiều nhất hiện nay phải kể đến các loại thuốc đông y “bổ thận tráng dương, tăng cường chức năng sinh lý” cho đàn ông. Khách đến đây chỉ cần nói lùng mua thuốc “bổ thận tráng dương” sẽ được các chủ cửa hàng tiếp thị nhiệt tình.

Nào là: “Nếu dùng đông trùng hạ thảo sẽ hết xuất tinh sớm, ham muốn cũng tăng trở lại”. Thậm chí chủ cơ sở khẳng định, đây là loại thuốc quý nhất trên thế giới, được lấy từ vùng cao nguyên Thanh Tạng (thuộc Tây Tạng, Trung Quốc), nên có thể yên tâm về chất lượng”.

Chưa hết: “Nếu không thích đông trùng hạ thảo, có thể sử dụng bìm bịp, tắc kè, cá ngựa hay sao biển cũng được. Về ngâm rượu trong 6 tháng, uống 1 chén trước bữa ăn thì chỉ trong 1 tuần là có thể “mạnh” ngay lên được”… Tuy nhiên, để xác minh về nguồn gốc của các loại dược liệu tại những cửa hàng này cũng rất khó.

Cũng trong chuyến đi vào làng dược liệu Ninh Hiệp, Hải “cổ” hé lộ cho PV biết, chính những người làm thuốc trong làng cũng không dám dùng một số vị dược liệu để ngâm rượu, hay bồi bổ cơ thể được nhập từ Trung Quốc, bởi họ không dám chắc những vị thuốc này liệu có an toàn! “Anh lái xe chở dược liệu từ Trung Quốc nhập về làng này nhiều rồi anh biết.

Mấy lần sang tận bên kia để thiết lập mối quan hệ, từ khi dân mình ồ ạt nhập nguyên liệu thuốc đông y, họ cũng đã dùng nhiều loại thuốc hóa học để kích thích cây dược liệu tăng trưởng nhanh.

Ngay sau khi thu hoạch, các thương lái tập trưng thu mua rồi xuất qua Việt Nam. Vệc tồn dư các loại chất hóa độc hại trên chính những cây dược liệu là điều không tránh khỏi”, Hải “cổ” cho biết thêm.

Công đoạn sấy thuốc được làm thủ công sau khi dùng diêm sinh ủ.

PV đã đề cập thông tin, hiện nay dược liệu rẻ, phẩm cấp thấp thì Trung Quốc “đẩy” qua Việt Nam, một chuyên gia đang công tác tại viện Dược liệu (bộ Y tế) cho biết:

“Việc này là có, song việc kiểm nghiệm lại rất khó. Như việc lấy mẫu dược liệu cũng chưa chính xác, vì họ thu hái theo dân gian. Hay củ trồng theo quy định 3 năm, 1 năm là khác nhau, củ thu vào mùa xuân, mùa hè cũng khác nhau. Sau khi lấy một củ ra không biết củ đó thu vào lúc nào thì việc đánh giá các thông số kiểm nghiệm không thể chính xác”.

Thiếu điều kiện kiểm nghiệm, cơ chế kiểm soát?!

Theo bộ Y tế, nguồn dược liệu nhập về làm thuốc đông y, bào chế sản xuất thuốc tân dược đương nhiên do cục Quản lý dược (bộ Y tế) quản lý, nhưng họ nhập về làm thực phẩm, sản xuất thực phẩm chức năng thì cục An toàn thực phẩm, rồi bộ Công Thương quản lý.

Chính vì thiếu tiền, thiếu điều kiện kiểm nghiệm, thiếu cơ chế kiểm soát nguồn nhập dược liệu như hiện nay, nên việc mua bán, sử dụng nguồn dược liệu ngoại nhập, kể cả trong nước đều do các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, lương y tự chịu trách nhiệm. Người dân sử dụng chỉ biết trông chờ vào sự may rủi, tùy duyên.

(Còn nữa)

Theo Vi Hậu ( NĐT )