Tiến sĩ có 15 bằng sáng chế Mỹ: 'Đừng hỏi làm gì để có mức lương nghìn đô'

Khi nói chuyện với nhiều bạn trẻ, TS Công thường nhận được câu hỏi: “Làm gì để ra trường đạt mức lương 2.000 hay 10.000 USD?”. Anh cho rằng, thay vì đặt câu hỏi đó, hãy nghĩ đến việc làm thế nào để nâng giá trị bản thân.

Giáo dục hướng nghiệp là điều quan trọng

TS Trịnh Công là cựu học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ. Khi đang học chương trình Cử nhân tài năng Hóa học tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, anh được lựa chọn sang Nga, theo học hệ Kỹ sư Hóa học của Trường ĐH Tổng hợp Saint Petersburg. Sau đó, anh tiếp tục học tiến sĩ tại University of Southern California (Mỹ).

tien-si-co-15-bang-sang-che-my-dung-hoi-lam-gi-de-co-muc-luong-nghin-do

TS Trịnh Công, chủ nhân của 15 bằng sáng chế Mỹ

TS Công hiện là quản lý cao cấp của một nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Applied Materials – tập đoàn cung cấp nguyên liệu bán dẫn số một trên thế giới với doanh thu gần 20 tỉ USD.

Là chủ nhân của 15 bằng sáng chế, trong đó có những sáng chế đã được các tên tuổi lớn ứng dụng để làm ra chip lõi, xử lý màn hình OLED trong điện thoại thông minh và máy tính, nhưng anh Công nói, bản thân cũng đã nhiều lần “chệch choạc”.

“Điển hình như năm lớp 12, vì được giải quốc gia, tôi được chọn vào thẳng một ngôi trường đại học, thế nhưng tôi lại không biết nên chọn cái gì.

Ban đầu, tôi đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Ngoại thương vì nghe nói học tại đây ra trường sẽ rất giàu có. Nhưng khi mẹ dẫn đến trường, nhìn các bạn “bắn” tiếng Anh như gió, tôi nhận thấy đây không phải nơi phù hợp với mình.

Vì thế, tôi và mẹ quyết định rút hồ sơ và nộp thẳng vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Suy nghĩ khi ấy của tôi, chọn Sư phạm có nghĩa không phải đóng tiền học. Nhưng một lần nữa, tôi lại dao động với quyết định của mình.

Lần này, bố cùng tôi tiếp tục rút hồ sơ để nộp vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Dù chắc chắn đây là lựa chọn cuối cùng nhưng tôi vẫn muốn thử sức với việc thi đại học. Kết quả, tôi đỗ và lại lựa chọn một hướng đi khác, là vào học hệ Cử nhân tài năng Hóa học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội.

tien-si-co-15-bang-sang-che-my-dung-hoi-lam-gi-de-co-muc-luong-nghin-do

“Giáo dục hướng nghiệp là điều cực kỳ quan trọng với tất cả học sinh, nhất là ở cấp phổ thông”.

Mặc dù hiện tại hài lòng với con đường đi của mình, nhưng anh Công nói, bản thân cũng từng có lúc hoang mang giữa rất nhiều ngã rẽ vì thiếu sự định hướng nghề nghiệp ở thời điểm ấy.

“Tôi may mắn có nhiều con đường tốt cho mình lựa chọn hơn so với những người bạn khác. Tôi cũng từng không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, nhưng có thể tôi may mắn hơn, là cuối cùng vẫn lựa chọn được con đường đi phù hợp. Do đó, tôi nghĩ rằng, giáo dục hướng nghiệp là điều cực kỳ quan trọng với tất cả học sinh, nhất là ở cấp phổ thông”, anh Công nói.

Học gì để trở nên giàu có trong tương lai?

Từng đi tới một số trường cấp 3 và cả trường đại học để trò chuyện với nhiều bạn trẻ, TS Công thường nhận được câu hỏi: “Làm sao để ra trường đạt mức lương 2.000 - 10,000 USD?”; “Học gì để trở nên giàu có trong tương lai?”

Anh cho rằng, thay vì đặt câu hỏi đó, sinh viên cần nghĩ đến việc làm gì để nâng tầm giá trị bản thân lên cao hơn. Khi đó, sẽ có người chấp nhận trả hàng nghìn USD/ tháng cho chất xám của bạn hoặc chính bạn cũng có thể tự tạo lập một công ty có giá trị riêng cho mình.

“Có 3 yếu tố sẽ giúp bạn định hướng nghề nghiệp tương lai. Đó là đam mê, khả năng của bản thân và nhu cầu, xu hướng của xã hội.

Nếu không có đam mê và khả năng ở lĩnh vực mình dự định theo đuổi thì dù công việc ấy có đem lại mức lương cao và khiến bạn trở nên giàu có thì bạn cũng sẽ thấy lạc lõng.

Để khám phá khả năng của bản thân, bạn có thể tham gia vào một công việc thực tế để thử sức. Giống như việc tôi đã từng luôn tò mò liệu mình có khả năng với khoa học hay không. Vì thế, tôi đã xin vào làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của một vị giáo sư ngay từ năm 1 đại học.

Nhưng để xác định được hướng đi nghề nghiệp, chỉ có đam mê và khả năng thôi vẫn chưa đủ. Bạn cũng cần phải xác định xem nhu cầu và xu hướng của xã hội ra sao trong thời điểm đó”.

TS Trịnh Công đưa ra gợi ý: “Trong kỷ nguyên Internet, dù ngành nghề của bạn là gì, tiếng Anh là kỹ năng rất quan trọng. Thế giới có một kho tàng kiến thức khổng lồ bằng tiếng Anh mà chúng ta có thể tiếp cận từ bất cứ nơi đâu.

Bên cạnh đó, ngành khoa học máy tính lại càng quan trọng hơn. Trong điều kiện của Việt Nam hiện tại, học ngành khoa học máy tính sẽ có cơ hội rất lớn, lại không cần phải đầu tư cơ sở vật chất nhiều.

Vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) đã phát triển rất mạnh và được nhắc đến nhiều là do sự phát triển vượt bậc của phần cứng cùng tốc độ tính toán của các con chip”.

Là một người nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, anh Công cho biết, trong vòng 5-10 năm tới, sự phát triển của công nghệ bán dẫn sẽ càng bứt phá mạnh hơn, ứng dụng rộng rãi khắp các ngõ ngách của cuộc sống. Đây sẽ là “đất diễn” cho các kỹ sư công nghệ thông tin.

“Nếu Việt Nam xây dựng được một đội ngũ kỹ sư phần mềm giỏi, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu”.

“Giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông là rất quan trọng. Nó sẽ kích thích đam mê khám phá của học sinh thay vì giải các bài tập khô khan nhàm chán. Nếu giỏi tiếng Anh và công nghệ, người Việt trẻ sẽ có thêm nhiều cơ hội và giá trị của bản thân cũng sẽ được nâng cao”, anh Công chia sẻ.

Theo Vietnamnet