Thủy điện nhỏ lấy rừng, không cắt lũ sao vẫn muốn làm?

Theo TS Ngô Đức Lâm, các doanh nghiệp lao vào làm thủy điện nhỏ vì vốn nhỏ, lãi nhiều nhưng đây lại là lợi bất cập hại.

Thảm kịch xảy ra tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho thấy sự tàn phá của thiên tai nhưng cũng một lần nữa cho thấy cảnh báo của các chuyên gia về hệ quả việc phát triển ồ ạt thủy điện vừa và nhỏ đã thành hiện thực.

Chuyên gia năng lượng - TS Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) không phủ nhận đóng góp của thủy điện vào sản lượng năng lượng quốc gia thế nhưng sự phát triển ồ ạt của các nhà máy thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ, đã làm gia tăng các vấn đề môi trường - xã hội, cũng như khiến người dân phải đối mặt với những hậu quả bất lợi, trong đó có những hệ lụy thiên tai từ việc mất rừng.

Theo TS Lâm mỗi nhà máy thủy điện được quy hoạch kéo theo đó là mất rừng (một thống kê cho thấy bình quân cứ 1 MW sẽ mất 10 ha rừng), mất đất, phải di dân, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề của di dân tái định cư.

Đáng lưu ý, theo vị chuyên gia năng lượng, thủy điện có nhiệm vụ tích nước để sản xuất điện, đến khi mực nước lên cao thì sẽ xả để đảm bảo an toàn hồ đập. 

Thực tế là rất nhiều thủy điện nhỏ không có khả năng phòng lũ, cắt lũ. Điều này có thể thấy qua hàng loạt thủy điện nhỏ ở miền Trung. Hệ quả là khi lũ tràn về, lượng nước quá lớn, hồ thủy điện phải xả lũ, cộng thêm địa hình dốc khiến hạ du trở tay không kịp.

"Việc xả lũ của thủy điện phải tuân theo một quy trình chặt chẽ và quy trình ấy phải được địa phương hay Trung ương phê duyệt, trong đó địa phương thường quản lý các thủy điện nhỏ.

Đặc biệt đối với những thủy điện nằm trên một dòng sông có nhiều thủy điện khác khác nữa thì quy trình càng phải chặt chẽ vì chúng liên thông với nhau.

Nếu các thủy điện trên một dòng sông cùng mở cửa xả thì sẽ là tai họa cho người dân vùng hạ du. Bởi vậy, việc xả lũ cũng phải theo quy định là xả ở mức độ nào thì cần thông báo trước cho người dân để kịp thời chuẩn bị sơ tán.

Quy trình là như vậy, song như đã nói, nhiều thủy điện nhỏ không có khả năng phòng lũ, cắt lũ, khi nước về qua các tổ máy phát điện sẽ trực tiếp tràn xuống hạ du.

Bão chồng bão, lũ chồng lũ, nước đổ về dồn dập, trong khi rừng không còn vì đã bị thủy điện lấy mất, đất ngấm nước nên xảy ra tình trạng sạt lở, cuối cùng người dân phải gánh chịu", TS Ngô Đức Lâm nói.

thuy-dien-nho-lay-rung-khong-cat-lu-sao-van-muon-lam

Cả nửa quả núi sạt lở, vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hôm 12/10. Ảnh: VnExpress

Cũng theo vị chuyên gia, đối với thủy điện nhỏ, cần lưu ý hai điểm là thiết kế đập và xả. Riêng thiết kế của đập thủy điện nhỏ, thường do địa phương quyết định, trong đó có thể xảy ra hai khả năng: thiếu người có chuyên môn để duyệt, trình độ kém.

"Nếu Trung ương phải duyệt cả những thủy điện nhỏ thì có phức tạp quá không? Nhưng nếu địa phương tự quyết thì lại không mấy an toàn. Cho nên, cần phải củng cố lực lượng chuyên môn ở địa phương - nằm ở các sở, làm sao để nâng cao trình độ của họ lên. Còn nếu chỉ làm hành chính cho đủ thủ tục thì đến lúc xảy ra sự cố, hệ quả sẽ khó lường", TS Lâm lưu ý.

Thấy rõ lợi bất cập hại của thủy điện nhỏ nhưng tại sao ở nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn đua nhau phát triển? Trả lời câu hỏi này, TS Ngô Đức Lâm cho biết, là vì đầu tư cho thủy điện nhỏ tốn ít vốn, máy nhỏ, nước thì là của trời cho, thu hồi vốn nhanh, lợi nhiều. Thậm chí, dư luận đã không ít lần đặt ra câu hỏi đằng sau những dự án đó là gì khi rừng bị phá một cách hợp pháp?

Trở lại với thảm kịch ở thủy điện Rào Trăng 3, vị chuyên gia cho rằng thiên tai quá sức chịu đựng là một phần song cần rà soát, tìm hiểu chặt chẽ các nguyên nhân khác, đặc biệt là về mặt kỹ thuật, để từ đó có biện pháp xử lý phù hợp và rút kinh nghiệm.

Đáng lưu ý, liên quan đến việc xây dựng thủy điện Rào Trăng 3, trả lời trên báo chí, TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, nhóm nghiên cứu của ông đã chỉ rõ trên địa bàn huyện Phong Điền (gồm cả khu vực thủy điện Rào Trăng 3) của tỉnh Thừa Thiên-Huế có một hệ thống đứt gãy chính theo phương tây Bắc - đông Nam và các đứt gãy phụ. Từ đó có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện Alin 1 - Rào Trăng 3.

Về thông tin này, theo TS Lâm, cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Sở TN-MT, làm rõ xem có hay không sự chủ quan trong sự việc này.

"Phải rút kinh nghiệm từ những vụ việc đau lòng này, xem lại thiết kế của các hồ thủy điện, thậm chí phải có một hội đồng đứng ra làm việc này. Hàng loạt thủy điện đã được xây dựng ở miền Trung, vậy các tiêu chuẩn được đặt ra thế nào để thảm họa không xảy ra?

Năm ngoái, báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công thương cho biết, qua 7 năm rà soát liên tục (từ 2012-2018), Bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch hơn 470 dự án thủy điện nhỏ.

Việc ròa soát này cần tiếp tục được thực hiện để chấn chỉnh hoạt động của các thủy điện", TS Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Thành Luân

Theo Đất Việt