Thường xuyên bị ù tai, chóng mặt, chớ coi thường vì đây là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm

Theo các bác sĩ, nếu bị ù tai kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, nghe kém, đau đầu thì không nên chủ quan mà nên đi khám sớm để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Là nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên bất động sản, công việc của anh Mạnh (37 tuổi, quê Hưng Yên) thường xuyên phải trao đổi, tiếp xúc với khách hàng, đối tác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, anh cảm thấy thính lực của mình kém hẳn, hay bị ù tai, xuất hiện tiếng vo ve như ong kêu trong tai.

Ban đầu, nghĩ bình thường nên anh không đi khám nhưng càng về sau, tình trạng ù tai của anh càng nhiều. Thỉnh thoảng người đàn ông này còn bị chóng mặt, đau đầu. Điều này khiến anh rất khó chịu, công việc giao tiếp với khách hàng cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.

thuong-xuyen-bi-u-tai-chong-mat-cho-coi-thuong-vi-day-la-trieu-chung-cua-nhieu-benh-ly-nguy-hiem

Ù tai là triệu chứng của nhiều bệnh lý. Ảnh minh họa

 

Không chỉ anh Mạnh, nhiều người, nhất là những người hay phải làm việc ngoài trời cũng thường than vãn về chứng ù tai của mình. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ù tai chiếm khoảng 15% dân số, đặc biệt là ở người cao tuổi. Ù tai không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh.

Ù tai thường là hậu quả của tình trạng mất thính lực, trong một số trường hợp còn là biểu hiện của những tổn thương nghiêm trọng như mạch máu hoặc u thần kinh.

Chia sẻ về hiện tượng này, theo ThS Trần Hà Linh, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, người bị ù tai có thể bị liên tục hoặc từng lúc, một bên hoặc cả hai tai với biểu hiện đa dạng như nghe thấy tiếng ù ù, tiếng vo ve, tiếng sóng biển, tiếng chuông, tiếng gió thổi, tiếng gầm, tiếng lách cách, nhịp đập.

Tiếng ù thường nghe rõ và gây khó chịu nhiều hơn trong môi trường yên tĩnh, lúc đi ngủ. Trong một số trường hợp, tiếng ù có thể to đến mức làm bệnh nhân mất tập trung, cản trở giao tiếp, thậm chí dẫn đến trầm cảm.

Cũng theo BS Linh, ù tai có thể đơn độc hoặc đi kèm các triệu chứng khác như nghe kém, đau tai, chóng mặt. Một số nguyên nhân gây ù tai như: Bít tắc ống tai ngoài do nút ráy, dị vật, viêm ống tai ngoài; do viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa ứ dịch, viêm tai giữa mạn tính; rối loạn chức năng vòi nhĩ như tắc vòi nhĩ, doãng rộng vòi nhĩ; xốp xơ tai; co thắt cơ.

Hoặc ù tai do bị tổn thương tế bào giác quan ốc tai (tiếng ồn, lão hoá, nhiễm độc thuốc như một số kháng sinh, chống viêm không steroids, thuốc lợi tiểu, điều trị ung thư, …); chấn thương sọ não, tăng huyết áp, dị dạng mạch máu, xơ vữa mạch máu, u góc cầu tiểu não,…

Một vài bệnh khác cũng gây ù tai như: Bệnh của khớp thái dương hàm, bệnh tiểu đường, tuyến giáp, thiếu máu, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống …

Ngoài ra, có một số yếu tố tác động gây ù tai, chẳng hạn tiếp xúc với tiếng ồn (búa máy, cưa, nghe nhạc với âm lượng lớn trong thời gian dài). Hơn nữa, tuổi càng cao nguy cơ ù tai càng nhiều do thoái hoá các sợi thần kinh thính giác. Nam giới cũng dễ bị ù tai hơn, đặc biệt là những người có sử dụng rượu bia, hút thuốc lá.

Làm gì khi bị ù tai?

thuong-xuyen-bi-u-tai-chong-mat-cho-coi-thuong-vi-day-la-trieu-chung-cua-nhieu-benh-ly-nguy-hiem

Tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn để phòng ngừa ù tai. Ảnh minh họa

 

Theo các bác sĩ, đa phần chứng ù tai không gây nguy hại tới người bệnh, tuy nhiên, nó gây ra cảm giác khó chịu, khiến tâm trạng lo lắng, suy nghĩ nhiều, mất ngủ, gây ra suy nhược cơ thể.

Các trường hợp còn lại nếu kèm theo triệu chứng khác như chóng mặt, bệnh lý tai trong, nghe kém, đau đầu, bệnh lý tai giữa thì không nên coi thường mà nên đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.

Đặc biệt là với những người ù tai kèm nghe kém đột ngột thì phải đi khám ngay. Khám và điều trị càng sớm càng có hiệu quả cao, để muộn có thể dẫn tới điếc không hồi phục.

Để hạn chế bị ù tai cũng như tránh tình trạng ù tai tái phát, các chuyên gia khuyến cáo, cần tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Trong trường hợp tiếp xúc với tiếng ồn là một trong những yêu cầu của công việc (công nhân trong các công xưởng,…), cần đeo các thiết bị bảo vệ như chụp tai.

Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, cà phê, tránh thuốc lá. Tăng cường các hoạt động tập thể dục, thể thao, các bài tập thiền, yoga, các bài tập thở. Có một lối sống lành mạnh, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Một số phương pháp có thể giúp làm giảm triệu chứng ù tai ở mức độ nhẹ như: Tập thở sâu mỗi ngày, mỗi lần từ 2- 5 phút. Với phương pháp này, người bệnh bịt từng bên mũi bằng ngón tay trỏ sau thì thở ra, rồi hít vào bằng lỗ mũi còn lại. Động tác lặp lại luân chuyển từng mũi và kéo dài 15 phút. Bài tập này làm giảm nhịp tim đồng thời cũng giảm ù tai.

Theo GiaDinh