Thuốc nhuộm thực phẩm có thể gây ra các vấn đề về đường ruột

Theo nghiên cứu từ Đại học McMaster (Canada), loại thuốc nhuộm thực phẩm phổ biến trong kẹo, nước ngọt, ngũ cốc có thể dẫn đến viêm ruột.

Theo nghiên cứu từ Đại học McMaster (Canada), việc sử dụng thuốc nhuộm trong thời gian dài sẽ làm gián đoạn chức năng đường ruột, gây ra một loạt thay đổi dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng cao hơn.

Thuốc nhuộm này còn được gọi là FD&C Red 40 và Food Red 17 có công dụng bổ sung màu sắc và kết cấu, thường được sử dụng trong các sản phẩm để thu hút trẻ em.

Waliul Khan - Giáo sư Khoa Bệnh học và Y học Phân tử McMaster tại nghiên cứu cho biết: "Nghiên cứu này cho thấy tác dụng có hại đáng kể của Allura Red đối với sức khỏe đường ruột và xác định serotonin trong ruột là yếu tố quan trọng làm trung gian cho những tác động này. Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát chứng viêm ruột".

thuoc-nhuom-thuc-pham-co-the-gay-ra-cac-van-de-ve-duong-ruot

 Thuốc nhuộm thực phẩm có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Giáo sư Waliul Khan cho biết thêm: "Những gì chúng tôi đã tìm thấy thật đáng kinh ngạc và đáng báo động, vì loại thuốc nhuộm thực phẩm tổng hợp phổ biến này có thể là nguyên nhân gây ra IBD (tỷ lệ mắc các bệnh viêm ruột) trong chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, các tài liệu cho thấy rằng việc tiêu thụ Allura Red cũng ảnh hưởng đến một số bệnh dị ứng, rối loạn miễn dịch và các vấn đề về hành vi ở trẻ em, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý".

Ngoài ra, Giáo sư Waliul Khan cũng chia sẻ chế độ ăn uống của những người ở các nền văn hóa phương Tây, với sự phụ thuộc vào chất béo đã qua chế biến, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, ít chất xơ cũng góp phần gây ra IBD.

Thuốc nhuộm thực phẩm như Allura Red ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tác dụng của chúng đối với sức khỏe đường ruột chưa được nghiên cứu nhiều.

Liên quan tới thuốc nhuộm thực phẩm hay chất tạo màu thực phẩm, các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec cho biết, vào năm 1973, một bác sĩ chuyên ngành dị ứng nhi khoa đã tuyên bố rằng sự hiếu động và các vấn đề học tập ở trẻ em là do chất tạo màu thực phẩm nhân tạo và chất bảo quản thực phẩm. Tương tự, nghiên cứu lâm sàng cũng cho thấy loại bỏ chất tạo màu thực phẩm nhân tạo ra khỏi chế độ ăn cùng với chất bảo quản là natri Benzoat làm giảm đáng kể các triệu chứng hiếu động ở trẻ. Hay một nghiên cứu khác cũng cho thấy chất tạo màu thực phẩm cùng với natri benzoat làm tăng tính hiếu động ở trẻ 3, 8 và 9 tuổi.

Ngoài ra, nghiên cứu về Tartrazine, còn được gọi là màu vàng số 5, cũng có liên quan đến những thay đổi hành vi bao gồm: khó chịu, bồn chồn, trầm cảm và khó ngủ.

Chất tạo màu đỏ số 40, màu vàng số 6, Benzidine, 4-aminobiphenyl và 4-aminoazobenzene được cho là những chất có nguy cơ tiềm năng gây ung thư. Tuy nhiên, những chất tạo màu này vẫn được cho phép sử dụng vì với liều sử dụng thấp chúng được coi là an toàn. Do đó, vẫn cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để đánh giá các ảnh hưởng của các chất tạo màu thực phẩm với sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.

Thực tế hiện nay cho thấy, các nguồn thực phẩm chế biến không lành mạnh lại là nguồn lớn nhất của chất tạo màu thực phẩm. Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Cho nên, loại bỏ thực phẩm chế biến ra khỏi chế độ ăn và sử dụng các thực phẩm lành mạnh sẽ giúp cải thiện sức khỏe và giảm đáng kể lượng chất tạo màu trong thực phẩm.

Theo VietQ