Thực phẩm chức năng 'nổ tới bến' trên TikTok, người dùng cần thận trọng

Người tiêu dùng cần thận trọng trước những quảng cáo 'nổ' các sản phẩm thực phẩm chức năng và thuốc giảm cân trên nền tảng TikTok.

Thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân quảng cáo 'nổ' tràn lan trên TikTok

Ra mắt vào giữa tháng 4/2022, TikTok Shop đánh dấu sự hình thành mảng kinh doanh thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Việt Nam. Trên Tik-Tok, các thương hiệu và người nổi tiếng được khuyến khích quảng cáo sản phẩm của họ thông qua video, livestream để tăng doanh số bán hàng.

Người dùng có thể mua sắm thông qua gian hàng của người bán trực tiếp trên ứng dụng. Tuy nhiên, TikTok Shop đang trở thành điểm tập trung mới của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Không riêng tại Việt Nam, người dùng trên khắp thế giới cũng phản ánh về tình trạng này.

Sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân... đang là mặt hàng “hot” trên TikTok Shop với công dụng được “nổ tới bến” nhằm thu hút người mua. Trong khi đó, nền tảng mạng xã hội này hiện không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thời gian vừa qua, website và tài khoản Tiktok https://vidananochinhhang.com/; https://vt.tiktok.com/ZS84kjuug/; https://vt.tiktok.com/ZS84kRLgJ/ đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm khi quảng cáo loại này như thuốc chữa bệnh.

thuc-pham-chuc-nang-no-toi-ben-tren-tiktok-nguoi-dung-can-than-trong

 Cần thận trọng khi mua thực phẩm chức năng và thuốc giảm cân trên nền tảng TikTok. Ảnh minh họa

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vida Nano do Công ty TNHH BIGSHARK (địa chỉ trụ sở chính 234 Trịnh Đình Cửu, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Tại biên bản làm việc số 37/BB - ATTP ngày 16-3-2023, ông Vũ Tiến Dũng, người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Công ty TNHH BIGSHARK khẳng định rằng, về nội dung quảng cáo trên các website và TikTok nêu trên, công ty không thực hiện và không chịu trách nhiệm.

Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc theo quy định hiện hành. Trong quá trình xác minh, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật nêu trên để quyết định mua và sử dụng vì sản phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.

Về thuốc giảm cân, trước đó, thuốc giảm cân Saxenda trở nên phổ biến khi được nhiều người review trên TikTok. Tuy nhiên, việc tiếp cận loại thuốc này quá dễ dàng gây nên nhiều tranh cãi. Được biết, tháng 10/2021, Saxenda (hay còn được gọi là liraglutide) được cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) xác nhận trở thành loại thuốc giảm cân đầu tiên được chứng nhận hợp pháp để quản lý cân nặng ở nước này. Loại thuốc giảm cân này được bán lẻ từ năm 2017, song phải đến gần đây nó mới trở nên phổ biến hơn khi nhiều người chia sẻ trải nghiệm sử dụng qua video đăng trên TikTok. Từ khóa "Saxenda" thu hút 199,4 triệu lượt xem và "Saxenda UK" có 166,9 triệu lượt.

Tuy nhiên, theo Glamour, trong khi nhiều chuyên gia khẳng định tác dụng tích cực của nó, việc mua bán quá dễ dàng cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người có thể dễ dàng gian lận về tình trạng sức khỏe để mua được nó.

NHS có một số quy tắc khá nghiêm ngặt khi kê đơn Saxenda: người dùng phải có chỉ số BMI (cân nặng chia cho chiều cao tính theo mét) trên 35 (hoặc 32 với người gốc Nam Á, Trung Quốc, gốc Phi), bị tăng đường huyết không do tiểu đường và có nguy cơ mắc các bệnh về tim.

Song sự tiếp cận quá dễ dàng với loại thuốc giảm cân này qua cửa hàng trực tuyến đang gây ra nhiều mối lo ngại. Hàng loạt video "trước và sau" khi sử dụng Saxenda lan truyền trên TikTok ghi lại phản ứng phụ của người dùng như dị ứng, vấn đề về túi mật và nôn dữ dội. Không ít ý kiến thắc mắc liệu các video có đang thổi phồng về sự nguy hại của thuốc giảm cân này.

Tiến sĩ Chinnadorai Rajeswaran là bác sĩ tư vấn chuyên về béo phì, tiểu đường tại Mid Yorkshire NHS Trust, đồng thời điều hành phòng khám tư nhân của Phòng khám Béo phì London nói với Glamour rằng Saxenda được tạo ra từ liraglutide hóa học. "Đó là một peptide giống glucagon, một loại hormone thường được cơ thể sản xuất, vì vậy nó là một loại hormone sản sinh tự nhiên", ông cho biết.

Saxenda cũng có thể hữu ích cho những người bị bệnh tiểu đường, giúp kiểm soát sự thèm ăn. Nhưng mặc dù phương pháp điều trị giảm cân này đã trở nên nổi tiếng, vị bác sĩ nói rằng không phải ai cũng tiếp cận được. "Ngoài việc đáp ứng các nguyên tắc của NHS, bạn thường phải ở trong một hệ thống có tên là Dịch vụ Quản lý Cân nặng Cấp 3, do nhà tư vấn điều hành. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đang tìm mua nó trực tuyến".

Nên kiểm tra độ uy tín của trang web bán hàng trên TikTok

Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), có không ít nội dung quảng cáo đưa thông tin giả, sai sự thật xuất hiện trên nền tảng TikTok, Facebook, YouTube... TikTok Shop đã đưa ra tuyên bố nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm được bán qua mạng xã hội này phải là hàng thật và cam kết bảo vệ chủ sở hữu trước tình trạng vi phạm bản quyền. Với hành vi vi phạm thì tùy vào mức độ và tần suất vi phạm, TikTok sẽ có biện pháp cảnh cáo, cưỡng chế, xử phạt hay báo cáo để cơ quan chức năng tiến hành xử lý.

Về nguyên tắc, để bảo đảm hàng hóa bán qua TikTok đúng quy định của pháp luật thì chủ shop cần cung cấp bằng chứng ủy quyền thương hiệu cho TikTok. Với từng sản phẩm, trước khi được người bán tạo và đăng tải nội dung quảng cáo đều phải qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên thực tế, gian thương vẫn tìm ra cách để quảng cáo và bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, “qua mặt” sự kiểm soát của TikTok. Ví dụ, để bán hàng nhái thương hiệu, người bán che mọi logo nhận diện trên sản phẩm hoặc bao bì, vỏ hộp. Khi thiết lập mô tả sản phẩm, họ không lồng ghép tên thương hiệu mà chỉ dùng biểu tượng hoặc từ nói lái, chung chung.

Cũng theo quy định, TikTok phải quản lý chặt chẽ các mặt hàng liên quan đến người có thai, mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng. Gian hàng muốn kinh doanh các mặt hàng này phải cung cấp giấy xác nhận, chứng từ liên quan. Tuy nhiên, hiện người bán hàng có nhiều cách để “lách luật” như nhờ các đơn vị hỗ trợ xây dựng kênh, người bán sẽ được hướng dẫn để được thông qua hoặc mở ngành hàng nhanh chóng hơn.

Ngay cả khi không được duyệt bán sản phẩm trên TikTok Shop, người bán vẫn có thể sử dụng nền tảng để đăng tải video quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng và dẫn người mua qua các kênh bán hàng khác. Do đó, để tránh mua phải các loại thực phẩm chức năng, hàng giả, hàng kém chất lượng, người mua hàng cần kiểm tra thông tin cụ thể về người bán hàng; kiểm tra độ uy tín của trang web bán hàng do người bán cung cấp (nếu có); tìm kiếm tên thương hiệu/ cá nhân với các từ khóa “hàng giả” hoặc “lừa đảo”.

Với các loại thuốc bổ được rao bán trên mạng, người tiêu dùng không thể dễ dàng tin tưởng vào lời quảng cáo của người bán mà cần tham vấn ý kiến của bác sĩ, chuyên gia y tế.

Bác sĩ CKI Nguyễn Công Bình, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Trưởng đơn vị Điều trị bệnh nhân Covid-19 (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, thực phẩm chức năng không phải là thuốc mà chỉ là thực phẩm hỗ trợ. Do đó, khi có những triệu chứng bất thường về sức khỏe, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được khám và điều trị đúng cách. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng mà không tham vấn ý kiến bác sĩ có thể dẫn tới bỏ sót bệnh, làm bệnh diễn biến nặng hơn. Do vậy, bệnh nhân tuyệt đối không tự dùng thuốc để điều trị tại nhà.

Theo VietQ