Thời tiết như hiện nay, sốt kèm mệt mỏi phải nghĩ ngay đến bệnh này

Chưa phải chính vụ nhưng số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng mạnh ở khắp các miền. Nhiều người nguy kịch, ít nhất 5 người tử vong.

Nằm tại phòng hồi sức, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, anh Ngô Văn H, 46 tuổi, mệt lả người do sốt xuất huyết. Anh nhập viện ngày 2/7 trong tình trạng sốt cao 39 độ C.

Anh H cho biết liên tục 4 ngày trước đó, anh đều sốt rất cao, đi ngoài nhiều lần, đau đầu như búa bổ. Vào viện, ban đỏ nổi khắp người đàn ông này, xét nghiệm tiểu cầu giảm mạnh. Được xác định là bệnh nhân nặng, đang được hồi sức tích cực, truyền dịch bù.

thoi-tiet-nhu-hien-nay-sot-kem-met-moi-phai-nghi-ngay-den-benh-nay

Bác sĩ khám cho bệnh nhân H bị sốt xuất huyết. Ảnh: Võ Thu

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm, tại Trung tâm hiện điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân, đáng nói là các bệnh nhân này đều biến chứng nặng mới vào viện điều trị.

Trong đó có nữ bệnh nhân 40 tuổi bị sốt xuất huyết lần thứ 2 trong 2 năm liên tiếp. Năm nay, do uống quá nhiều thuốc hạ sốt (8-10 viên/ngày) nên men gan của bà tăng cao gấp 20 lần người bình thường. Sau một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân mới dần hồi phục và ổn định.

Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm cả nước có 70.800 trường hợp sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, TP HCM ghi nhận hơn 24.000 ca sốt xuất huyết, tăng 176% so với cùng kỳ năm ngoái, 5 người tử vong gồm 3 người lớn 2 thiếu niên.

Số bệnh nhân tại thành phố đông dân nhất cả nước này tăng dần từ những tuần đầu tháng 6 khi mùa mưa bắt đầu. Riêng tháng 6 thành phố có hơn 2.300 trường hợp mắc bệnh, 2 người tử vong.

Tại Hà Nội, số ca tương đương với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên các tuần gần đây số bệnh nhân lại có xu hướng gia tăng. Tuần cuối tháng 6, Hà Nội ghi nhận 162 ca, nâng tổng số người bệnh trong nửa đầu năm 2019 lên 820, trong đó 95 bệnh nhân vẫn đang điều trị ở các bệnh viện.

Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa kèm theo thời tiết bất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi phát triển. Sáu tháng đầu năm, ngành y tế Kon Tum ghi nhận 200 ca, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2016 đến 2018.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, cho biết mùa dịch sốt xuất huyết mới chỉ bắt đầu nhưng số bệnh nhân nhập viện đang có dấu hiệu tăng, nhiều người chuyển nặng. Do có sự chủ quan và chưa hiểu biết hết về các dấu hiệu bệnh, nhiều người nhầm lẫn giữa sốt xuất huyết và sốt phát ban.

"Sốt xuất huyết là bệnh lành tính. Tuy nhiên nếu không nhận biết đúng và có hướng xử lý điều trị đúng thì bệnh có thể từ nhẹ trở nặng nhanh và có thể dẫn đến tử vong" - PGS.TS Đỗ Duy Cường nói.

Sốt là dấu hiệu đầu tiên của sốt xuất huyết. Theo PGS Cường, dù sốt gặp ở rất nhiều bệnh, nhưng sốt xuất huyết kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau nhức mỏi cơ xương khớp, sau sốt khoảng 2-5 ngày xuất hiện các chấm rải rác trên da.

Những ngày sau, ban dày người nhưng đây mới chỉ là dấu hiệu nhẹ của bệnh sốt xuất huyết. Với người bị sốt xuất huyết nặng hơn thì dẫn đến hiện tượng trụy mạch, tay chân lạnh, xuất huyết nội tạng…

Nếu là sốt xuất huyết thì ngày đầu bệnh nhân chưa có phát ban, thường ngày thứ 3-5 trở đi sẽ xuất hiện các nốt đỏ, da xung huyết, có các chấm li ti và đặc biệt không ngứa. Còn sốt phát ban thì xuất hiện các ban đỏ nhưng kèm ngứa và khi ấn tay vào thì các nốt đỏ không biến mất.

Theo GiaDinh